"Có nhiều người mang hình ảnh mỗi ngày tôi xách giỏ đi chợ mua đồ ăn để giễu cợt, bình phẩm: Lão này đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. Thật tội nghiệp cho vợ lão.
Nhưng với tôi, để thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm gia đình thì dù phải vào bếp làm một mụ đàn bà đi chăng nữa thì vẫn là người chồng tuyệt vời" - Đạo diễn Lê Hoàng bộc bạch.
Buổi tối tôi thuộc về cái góc nhà
Lê Hoàng tự nhận mình là người xấu trai, cay độc, tham lam, ngây thơ, nhút nhát, ăn ít, yêu càng ít hơn. Thế nhưng gần 20 năm nay, trong tổ ấm gia đình anh luôn là người chồng chỉn chu với vợ. Hàng ngày (trừ những ngày đi công tác) anh đảm nhiệm công việc đi chợ mua thức ăn.
Mấy bà bán thịt, rau quả ở chợ trong con hẻm phố Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận, T.P Hồ Chí Minh những ngày đầu tiên trông thấy anh xách giỏ đi chợ, tay săm soi từng miếng thịt, miệng chê bai cái này không ngon, mặc cả giá thì “hơn đàn bà” thì tỏ ra rất khó chịu.
Nhưng giờ thì Lê Hoàng lấy làm hỉ hả kể rằng: Sáng nào đi qua chợ, các bà cũng bắt mình sờ vào sạp rau, sạp thịt để lấy hên bán đắt hàng. Vì họ thấy mình đàn bà và đảm đang quá chăng? Cảm nhận của tôi trong cuộc nói chuyện với người nghệ sĩ từng bị đồn đại là “bảy tám vía” này là hình như mọi gai góc lặn vào một chiều sâu nhân bản và đôn hậu trong tâm hồn.
Anh bảo, bổn phận, trách nhiệm lớn nhất mà những ông chồng là đừng để vợ bị cô đơn, bị già đi, bị úa tàn. Thế thì hãy cùng vào bếp nấu ăn, giặt quần áo, đón con… với cô ấy. "Người đàn ông không yêu nổi vợ có xứng làm chồng?”, không biết có bao nhiêu ông chồng ủng hộ quan điểm này của Lê Hoàng?.
Ra ngoài đường thì Lê Hoàng ăn nói chát chúa vậy thôi. Chứ về nhà đứng trước chị Lê Thị Liên Hoan và cô con gái năm nay 17 tuổi, anh hiền và hết sức chuẩn mực.
Không bao giờ bỏ vợ con đi chơi một mình và buổi tối thì thuộc về cái…góc nhà. Cho dù những năm gần đây, khi cái tên Lê Hoàng trở nên nổi tiếng với những thước phim thị trường thì anh bị bủa vây với quá nhiều tin đồn cặp bồ với diễn viên này, ngôi sao kia.
Nhưng Lê Hoàng bảo: “Em có tin không, ngay cả khi vợ nhìn thấy tôi tay trong tay với một cô gái khác, cô ấy vẫn sẽ mỉm cười và tự hào rằng chỉ có cô ấy mới chiếm được trái tim tôi. Vì cô ấy hiểu rằng: tôi có thể diễn kịch với những cô gái khác nhưng không bao giờ diễn với cô ấy”.
Phỏng vấn nhanh đấy nhé! Tôi còn về với vợ
Trước mặt tôi, đạo diễn Lê Hoàng trong bộ trang phục khá “điệu đà”, quần jeans xanh, mới cứng, áo trắng phau. Rất nhiều người góp ý cho Lê Hoàng về việc anh chẳng hợp lắm với kiểu quần đó vì trông anh gầy nhẳng như cây bút thép và lại trông hơi “ái”nữa.
Nhưng Lê Hoàng bảo: “Đến cách ăn mặc của người ta cũng xen vào được thì sống nốt hộ người ta đi”. Và anh mặc cả rằng chỉ dành cho tôi 30 phút phỏng vấn nữa thôi vì anh phải về với vợ.
- Anh Hoàng này! Anh bảo anh là người Hà Nội gốc, sao giọng nói vẫn còn mang chút âm điệu nhà quê?
- Đâu có. Giọng tôi rất chuẩn Hà Nội đấy. Ai bảo tôi nói không chuẩn thì tôi chỉ còn nước nói thật nhiều nữa để họ biết tôi nói chuẩn Hà Nội thôi.
- Hóa ra vì yêu cái gốc Hà Nội của mình nên anh đã có quyết tâm dựng bộ phim về Hà Nội nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long?
Nghe đâu Hãng phim Giải Phóng còn xây dựng một phim trường “Hà Nội phố” để làm phim mà cảnh quay chỉ chiếm 10/100 phút, tốn hết 300 triệu đồng… Không biết có phải chơi sang quá không?
- Tại sao lại sang nhỉ? Tôi muốn làm một bộ phim về Hà Nội thời chiến tranh. Mà ra Hà Nội thì cảnh cũ đâu còn nhiều. Nhà cửa mọc lên san sát, kiến trúc đủ loại. Muốn quay một cảnh xe bò kéo thì chỉ có thể quay ở Gia Lâm thôi. Còn nói về “duyên nợ” với phim này, những năm 70 bom đạn, nhà tôi ở phố Hàng Bài, thuở đó tôi đang là học sinh lớp 9.
Tôi từng xem một số phim về Hà Nội, phim tài liệu cũng như phim truyện, nhưng thú thật là nói về một Hà Nội một thời đạn bom như thế chưa bao giờ đủ được. Không phải tôi là loại người “nhớ lâu, thù dai” nhưng kể cả xem “Em bé Hà Nội”, ngay từ câu thoại mở đầu của phim tôi đã thấy khó “vô” nổi.
Vì người ta “nhét” vào mồm một em bé câu nói của người lớn đại loại kiểu: “Cháu không hiểu tại sao bọn Mỹ lại ném bom vào dãy phố của chúng cháu. Chúng cháu có làm gì gây thù oán đâu…”. Có thể thời đó là như thế, nhiều khi cách nói trong phim ảnh cũng hay “lên gân” là chuyện thường, nhưng là một đạo diễn, tôi rất hay khó chịu với những tiểu tiết như vậy.
- Dạo này anh bỏ kịch hẳn?
- Không đâu. Tôi vẫn đang cộng tác với Nhà hát Tuổi Trẻ đấy. Nhưng thôi, nói ra làm gì. Giữa kịch bản và điện ảnh tôi vẫn cho kịch bác học hơn. Không có diễn viên điện ảnh nào có thể nhảy sang lĩnh vực kịch mà thành công, trong khi nhiều diễn viên kịch vẫn nổi ở điện ảnh.
- Những diễn viên kịch nói và điện ảnh nào được anh đánh giá cao?
- Kịch nói có Thành Lộc, và nhiều thế hệ diễn viên đi trước. Điện ảnh có Lê Vân, Lê Khanh và Trần Lực.
- Anh Hoàng ơi, anh có kiêu quá không khi luôn nhấn mạnh tới doanh thu của phim mà anh đạo diễn là bước đột phá của phim thị trường Việt Nam?
- Nếu tôi nhấn mạnh là doanh thu của phim là 4 xu thì bạn có cho rằng tôi khiêm tốn quá không? Nghệ sĩ của chúng ta có một bệnh muôn thuở mà không hiểu sao cái bệnh này lại được xã hội khuyến khích là tránh nói đến tiền. Coi tiền như một thứ gì tồn tại ngoài cuộc sống, ngoài nghệ thuật.
Thật ra, trong rất nhiều lĩnh vực và rất nhiều thời điểm, đồng tiền không tượng trưng cho tiền. Nó là thước đo về lòng mến mộ và sự đánh giá công bằng của công chúng và xã hội đối với một thành quả lao động. Chỉ khi nào các nghệ sĩ của chúng ta nhắc đến thù lao của mình với một vẻ tự hào thì khi đó nền nghệ thuật Việt Nam mới phát triển và có một chỗ đứng mạnh mẽ.
- Chị Lê Thị Liên Hoan nhà anh có ý kiến gì sau khi cô ấy xem những bộ phim của anh?
- Vợ đạo diễn luôn đứng về phía khán giả (loại khán giả mua vé chứ không đi bằng giấy mời).
- Thế còn anh? Một đạo diễn, một nhà báo, nhà châm biếm, hình như anh rất hay dị ứng và không ưa ai cả?
- Thì nhiều người cũng rất hay dị ứng với tôi. Có thể tôi bị xếp vào loại khó tính, cau có, chua cay, độc ác… Mà thực ra tôi vẫn nghĩ mình là người không ác tâm.
- Xin cảm ơn anh.
Theo Hải Sự
GĐXH