Lê Cát Trọng Lý - mơ và tỉnh

TP - Bộ đĩa mới của Lê Cát Trọng Lý tên Dreamer (Người kẻ mộng mơ). Cô viết những bài ca bay bổng đầy chiêm nghiệm về đời sống.

Cô đến những miền xa hát cho những người chân lấm tay bùn, những em nhỏ mồ côi, tật nguyền, những người lần đầu biết đến ca nhạc. Có vẻ cô không mang những lo toan của người bình thường. Nhưng còn có một Lê Cát Trọng Lý không chỉ mơ, mà còn biết hoạch định chiến lược- trước hết cho chính mình.

Nhạc sĩ không bằng cấp

Lê Cát Trọng Lý sống trong một căn hộ nhỏ trên cao gần hồ Tây. Phòng trải nhiều thảm, sa-lông được phủ bằng những mảnh vải thổ cẩm hoa văn sặc sỡ đem lại cảm giác ấm áp. Chủ nhà thỉnh thoảng rời bàn trà đi coi nồi cơm. Tối nay cô hẹn chị gái đến ăn cùng.

Chia sẻ nơi ở với vài người bạn nhưng cô cũng thú nhận: “Thấy bạn ở ngoài tội thì thương, nhưng cứ về ở cùng vui được vài ngày, sau đó nói chung là… khổ lắm, cũng ráng. Ðó là cái tính dở của mình”. Nhưng cũng không còn cách nào khác nếu không muốn một mình, vì Lý cũng biết rằng người giống mình không có trên đời. Thành ra cô sợ hôn nhân: “Bạn quý hay bồ ở chung một thời gian đã mệt muốn chết, huống hồ ở mấy chục năm. Vui cứ vui, mệt cứ mệt!”.

Muốn Lý điểm lại những cột mốc trong năm vừa qua, cô cho một câu: “Gắng kiếm tiền, gắng làm, vì sang năm tôi có kế hoạch đi học”. Ðiều trớ trêu là Lý chưa có bằng Ðại học. Ðang học năm nhất Nga văn, cô bỏ đi thi Nhạc viện, khoa violon. Ðang năm đầu Nhạc viện, bỏ. Cố quay lại, mất thêm năm nữa nhưng rồi vẫn bỏ. Nhạc cổ điển không không đủ sức hút với cô.

Ở Hà Nội Lý rất hay được mời trong những chương trình mang yếu tố nước ngoài (có nghệ sĩ nước ngoài, do các cơ quan nước ngoài tổ chức…). Trước khi đại diện cho nước chủ nhà tại Monsoon 2015, Lý đã có dịp chơi nhạc cùng Nguyên Lê trong Festival Made In Asia tại Pháp đầu 2014. Trong năm nay, Lý lên kế hoạch làm hai đêm nhạc tại khán phòng Học viện Âm nhạc Quốc gia, giá vé khởi điểm chỉ từ 200 ngàn đồng. Bên cạnh đó là chuyến lưu diễn một tháng.

Lý 2015 trên sân khấu. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.

Vui++

Nếu chuyến này có chuẩn bị thì Vui 2011 mang tính ngẫu hứng. Bắt đầu từ hoàn cảnh khách quan không cho phép tổ chức tour xuyên Việt, cả bọn bèn lên xe đi dọc đất nước trong một tháng. Thích hát chỗ nào thì dừng. Cô cho ghi lại cuộc đi đó thành một phim tài liệu thi vị nhiều chi tiết cảm động. Như khi Lý hát bên vệ đường ở Thanh Hóa, anh nông dân gần đó nhắn: “Tôi phải gặt nốt gánh lúa chạy bão, xong tôi sẽ quay lại, cô nhớ hát cho tôi nghe!”. Hoặc lũ trẻ ở Mù Căng Chải cười trừ khi được hỏi cảm nhận về đêm nhạc. Khi chúng về hết, cả đoàn mới thấy dòng chữ cảm ơn được một ngón tay nào đó nguệch ngoạc lên lớp bụi ở đuôi xe.

Tour diễn sắp tới có thể coi là Vui++. Ngoài đàn hát, Lý mời theo mấy bạn toàn tu nghiệp các đại học danh tiếng nước ngoài về để tư vấn cho khán giả về y tế, giáo dục. Mục tiêu của Lý: “Muốn đi những vùng không có điều kiện xem văn nghệ thực sự từ khi sinh ra. Họ không cần biết mình là ai miễn họ có kỷ niệm vui, và con cái họ được có mơ ước”. Các bạn của Lý có thể cho các bé ở một trại trẻ mồ côi nào đó biết đường xin học bổng du học. Với câu hỏi làm thế nào để thành ngôi sao, Lý từng trả lời: “Tốn nhiều thời gian để học lắm, nên ráng mà học!”.

“Tôi thấy đời sống rất hấp dẫn. Những lúc buồn nhất cũng thấy vậy”.“Tôi muốn lập đội những người Việt trẻ tuổi có tinh thần tương đồng với mình. Nhiều kêu ca người Việt mình ngày càng xấu xí, nhưng tôi may lắm, gặp toàn người xịn! Thì tôi muốn chia sẻ: Có những điều đẹp, hay như vậy, tại sao mình cứ nghĩ tiêu cực”.

Lê Cát Trọng Lý 

“Chuyên gia” bỏ học giờ khuyên con người ta học, có gì đó sai sai? “Xưa lười học vì mình học do áp lực xã hội, khác với việc anh biết cái học này là tốt và mình cần phải học”, cô đáp. Khi còn là học sinh, điểm số của Lý thường trong top 25 dưới lên. Ðặc biệt năm lớp 10, cô xếp thứ 52/53. “Hầu như mọi người đều phải học để trả nợ cho gia đình cho yên thân đã rồi ngoài 20 mới được làm điều mình thích”, cô nói. “Lúc bé tôi phản kháng điều đó. Tôi thấy như vậy không ổn. Nếu tôi học không biết để làm chi, tôi sẽ không học”.

Bố Lý là ca sĩ nhưng không khuyến khích con cái theo âm nhạc. Ông tỏ ra sáng suốt khi cảnh báo: “Làm nghệ thuật phải xác định mình nằm trong nhóm tốt nhất hoặc tệ nhất. Vậy mới có công việc được!” Trớ trêu là các cô giáo cứ thấy con ca sĩ là tóm Lý đi thi văn nghệ, dù cô không thích. Cảm giác của Lý khi bị đi thi văn nghệ: “Mình như con chó con bị bỏ ngoài mưa xong bị rọi đèn.” Có vài thứ làm Lý hồi đó tự ti. Chẳng hạn cô thấy mình đứng ngoài trào lưu. Năm lớp 6, trong khi các bạn vẫn váy bướm diêm dúa, nhảy nhót tưng bừng, Lý ôm đàn hát mấy bài buồn buồn. Hơn nữa cô phải giấu ba đi học đàn. Con gái học/chơi guitar ở Ðà Nẵng lúc đó là thứ gì rất kỳ quái.

Tour diễn chưa đặt tên sẽ xuất phát từ Ðà Lạt vào 3/3 tới hoàn toàn miễn phí và không có tài trợ. Lý bày tỏ: “Tôi rất muốn có nhà sản xuất để làm với họ. Tự làm mệt muốn chết. Nhưng không tự làm thì gần như mình không làm gì. Vậy đâu có được”. Tuy nhiên cô cũng cho hay kiểu tự làm khá độc lập và an toàn, có điều không giàu.

Lý 2015 tại gia. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hà.

Làm khán giả hạnh phúc

Thoạt đầu cô tính đi học sản xuất âm nhạc nhưng tính lại, nhà sản xuất Lê Cát Trọng Lý chắc chắn sẽ chỉ chọn nghệ sĩ theo gu của mình, mà như thế thì “mình đói họ cũng đói”. Lý đang nghiêng về ngành âm nhạc trị liệu. Có thể cô sẽ học để biết nhạc phát trong tần số nào làm người nghe mệt, tốc độ nào khiến họ tăng động hoặc buồn ngủ. Theo cô, có những bệnh dùng thuốc không ăn thua nhưng âm nhạc lại có tác động tích cực. Lý chắc một điều cô sẽ không học âm nhạc thể nghiệm. “Học cái đó ra mình không làm khán giả hạnh phúc được. Kể cả mình có đủ sức làm nhạc đó mà thấy mặt họ méo, mình cũng thấy mệt lắm!”.

Lúc này cô vẫn chưa chắc sẽ học gì, chỉ biết mình cần thay đổi, đến lúc cần tái đầu tư bằng cách đi học. Làm gì với cái mình học cũng không trong tầm quan tâm của Lý: “Tôi không nghĩ nhiều tới mức đó đâu, vì tôi không đi học để kiếm tiền”. Ðiều Lý quan tâm hơn là khi đi học sẽ mất nguồn sống, nên cô phải lo làm sao chuyển lao động của mình thành sản phẩm để nuôi mình trong quá trình học. Có thể khi học xong, công việc lại trở nên khó khăn hơn nhưng Lý cũng chẳng bận tâm. Cô xác định: “Cỡ gì mà chẳng hát được! Tôi đi học vì quá tò mò về cuộc sống. Sống mỗi nơi, học mỗi nơi lại có một cái hay”.