Lão 'Ma Làng'

TP - Hầu hết các truyện ngắn của Trịnh Thanh Phong đều viết về làng xã quê hương ông. Âu đó cũng là cái duyên cái nghiệp trời đày hay trời cho của mỗi cây bút vậy.

> Những mảnh vỡ gia đình
> Soi chung gương mặt đàn bà

Mới rồi, tôi có dịp lên Tuyên Quang dự đám cưới con một ông bạn. Khi lên tôi đã điện thoại trước cho Trịnh Thanh Phong và mấy bạn văn nghệ để tụ tập vui vẻ, nhưng Phong bận đưa bà vợ đang bị ốm vào bệnh viện nên không thể có mặt.

Tiệc cưới bình dị trong một cái rạp dựng trên hè phố nên vào thì dễ mà ra thì hơi bị khó. Khách thập phương khá đông. Bạn bè trên đó cũng có nhiều nhưng hôm ấy tôi vô duyên thế nào ngồi phải mâm toàn người lạ.

Câu chuyện trong mâm tiệc sôi nổi ngay từ đầu vì có mấy ông bạn lớn tuổi, nhưng vẻ khá sinh động và rôm rả. Họ mặc đồng phục theo đúng nghĩa như quân giải phóng “mũ tai bèo”. Hóa ra các bố là hội cựu chiến binh của phường. Trong câu chuyện có một người mê tiểu thuyết “Ma làng”, và mê luôn cả phim “Ma làng”.

Giỏi hơn, ông chàng còn nói vanh vách về tác giả rằng, “tay ấy” đã từng nông phu, đã từng lính chiến nên ông chàng gọi Trịnh Thanh Phong là “lão ma làng”.

Câu chuyện của các bố rộn ràng kể về anh “Dỏ” và “lão ma làng” Trịnh Thanh Phong. Ông chàng ta khăng khăng cái nhà anh Dỏ trong truyện là em con ông cậu, còn cái tay nhà văn Trịnh Thanh Phong kia chính là anh em họ hàng của lão Nghiệp Rồ dở hơi mê cô Mưa như điếu đổ.

Chả biết Trịnh Thanh Phong có “mê” được cô Mưa nào đó trong đời thực “như điếu đổ” không và sao cái ông chàng này lại gán nhận lung tung họ hàng anh em bà con giữa nhân vật trong truyện với người đang hiện diện ngoài đời sống, chả phân biệt thực hư đúng sai, rồi vơ luôn cả ông tác giả kia vào câu chuyện tào lao của mình, y như rằng mới hôm qua hôm kia đã đánh chén với nhau trong ngày giỗ họ ở làng Lộc.

Nghe câu chuyện không đầu không cuối giữa mâm tiệc toàn người lạ mà mừng cho anh bạn nhà văn của mình, vì hóa ra sức sống của văn chương nghệ thuật nó tồn tại ở đây chứ không phải trên văn đàn.

Tôi đã toan “tranh luận” với diễn giả nhưng xem ra mình lép vế nên im ro ngồi nghe ông ta “ba hoa ba chén” rằng tay Trịnh Thanh Phong này đâu như sau khi viết “Ma làng” bị “đẩy” về vườn, dạo này chán đời lắm, chả hơn gì cái nhà anh Dỏ nơi bến Gáy bị bật ra rìa làng. Rằng nghe đâu “bi giờ” ông ta lẩn thẩn mất rồi, suốt ngày ra ngồi trên cái chõng tre kê dưới gốc hồng già ngoài vườn nhà hút thuốc lào vặt. Vân vân và vân vân.

Tôi cầm chén rượu, đứng lên, xin uống với người kể chuyện một chén, bắt tay một cái rồi lặng lẽ chuồn lui. Tôi chuồn lui đúng lúc vì đúng lúc ấy diễn giả của mâm tiệc đang hăng kể rằng ông chàng đã từng uống “tay đôi” với tay tác giả Trịnh Thanh Phong ngang bằng kẻ chỉ hôm năm nào đoàn làm phim mượn làng của ông chàng làm bối cảnh.

Trịnh Thanh Phong và ông chàng cũng đều là dân “chầu rìa” xem diễn viên họ đóng về làng Lộc. Cuộc đánh chén trong phim thế nào thì ông chàng và “lão ma làng” chầu rìa cũng có suất như thế.

“Tay Trịnh Thanh Phong này viết văn thì hay nhưng ngoài đời lù đà lù đù khó chịu lắm chứ không có sáng láng thông thái như các nhà văn khác đâu”, ông chàng nhận định như đóng đinh.

Câu chuyện gợi tôi nhớ về hơn hai mươi năm trước đọc “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Đó là cuốn tiểu thuyết viết khá đậm đặc các thói tục làng quê Việt Nam còn vương vãi cho tới tận thời nay.

Chính những thói tục xưa cũ, lối sống tù đọng trong bối cảnh làng xã đã ăn sâu, bám rễ vào tận các tế bào nhỏ nhất của cơ cấu xã hội cổ truyền vẫn còn khá sung sức làm nghiêng ngả đời sống dân sinh thời hiện đại - Cái thói tục mâm trên mâm dưới, họ hàng chú bác anh em cô dì giằng dịt lôi kéo nhau vào việc làng, việc nước...

Cũng trong thời gian được gọi là “mở cửa” ấy, tôi lại được đọc cuốn tiểu thuyết “Bến không chồng”, một cuốn sách rất đặc sắc của nhà văn Dương Hướng cũng viết về thói tục làng quê cũ lụy cho tới tận bây giờ, nhưng cuốn sách này với góc nhìn của tác giả từ sau cuộc chiến, mà ta vẫn gọi là thời hậu chiến.

Cũng cái thói tục mâm trên mâm dưới, chi trên chi dưới, họ nội họ ngoại... nhưng cái di hại nặng nề của chiến tranh đã đẩy bi kịch thói tục làng quê lên tới đỉnh cao của bi kịch loài người, ấy là sự loạn luân!

Hai cuốn sách kể trên đã qua thử thách hơn hai chục năm, nay vẫn có nhiều người đọc. Cuốn “Mảnh đất lắm người nhiều ma” đã được các nhà làm phim truyền hình chuyển thể thành bộ phim nhiều tập “Đất và người”.

Cuốn “Bến không chồng” đã được đạo diễn Lưu Trọng Ninh chuyển thành phim nhựa cùng tên, đã gặt hái được khá nhiều thành công trên phim trường trong và ngoài nước. Thế mới biết văn học viết về đề tài nông thôn không bao giờ nguôi cạn, không bao giờ cũ.

Cuốn tiểu thuyết “Ma làng” của nhà văn Trịnh Thanh Phong viết về nông thôn Việt Nam thời hiện đại với những thói tục xưa cũ được “cải biến” thành thói tục thời nay. Tác giả là người trong cuộc.

Ông thuộc các sự kiện, các tình tiết của sự kiện như đó là việc thường ngày của một thành viên trong cộng đồng. Ông am hiểu tính tình, lối sống, cách ăn nói, diễn biến tình cảm của các nhân vật như chính bà con anh em trong làng xã quê ông.

Cuốn sách viết về nông thôn trung du, với lối sống làng xã truyền thống, nghĩa là bản chất con người thì vẫn sống bằng những toan tính manh mún từ bờ ruộng, luống cày, ra tới trại chăn nuôi, bè thả cá lồng. Cũng vẫn với lối thanh toán nhau từ thói tục mâm trên mâm dưới, họ gần, họ xa, dòng tộc, nội ngoại, nhưng ở đây các tổ chức chính trị và tổ chức xã hội vốn là lý tưởng của toàn dân và toàn xã hội đã biến thành phương tiện trong tay những kẻ có chức có quyền.

Di hại của chiến tranh kết hợp với thói tục làng xã, hủ tục cổ truyền một phần, phần lớn hơn những di hại ấy lại là sự biến chứng di căn của căn bệnh quan liêu, cửa quyền do cơ chế bao cấp để lại, mà cơ chế cũ ấy thực ra chỉ còn là bộ xương trong khi cơ chế mới mới hé lộ những ưu điểm, đồng thời cả những khiếm khuyết.

Tất cả, kể cả ưu và khuyết đều chưa thật rõ ràng, chưa thật có da có thịt liền bị kẻ cơ hội tranh thủ chụp giựt, khiến cho bọn phú hào mới của làng xã tranh thủ đục nước béo cò, xâu xé nhau bằng những chức vụ mà bản chất của cái tốt đẹp do chế độ đem lại chỉ còn là danh nghĩa.

Cuốn sách viết về hai cực đối nghịch nhau do có sự phân hoá giàu nghèo, không phải bằng lao động mà là bằng những mưu mô giành cướp quyền lợi. Một bên là thân phận những người nông dân ngàn đời nay vẫn chưa ra khỏi luỹ tre làng như cô Mưa, chị Ló, bà Bẹo, cái Lở anh Dỏ, anh Nghiệp rồ bến Gáy làng Lộc...

Họ chỉ biết khao khát cuộc sống bình yên, có cái làm, cái ăn, có tình làng nghĩa xóm, tắt lửa tối đèn, lá lành đùm lá rách, chị ngã em nâng... Một bên là cánh lão Tòng với một lô một lốc con cháu, anh em của lão được lão dùng mọi thủ đoạn mưu mô chước quỷ nắm các chức quyền trong làng ngoài xã như Ất, Lường, Lại, Lọt...

Đây là một đoạn trích sự tính toán của lão Tòng với các “đồng chí cháu” có chân trong đảng uỷ: “Có nghị quyết vừa về đấy. Xây dựng gia đình văn hoá mới, thôn bản văn hoá mới!...

Vậy gia đình văn hoá mới không thể có con em đi chửa hoang, lại quan hệ thân ái với một thằng tù. Ta cứ bám vào cái đó, lão Tĩnh với cái đầu cuồng tín luôn bao bọc trong hào quang sẽ tụt vòi, và khi tụt vòi lão sẽ đối lập với Tâm, bố con hắn sẽ lục đục, to tiếng, ta kích vào và lấy cái đó để phê bình kiểm thảo, xét tư cách đảng viên. Mà đảng viên đã không đủ tư cách thì còn chấp chính cái gì nữa”.

Nhưng ở đời có vay có trả. Dù cánh lão Tòng có ma mãnh đến đâu thì bè lũ đội lốt cán bộ đảng, cán bộ chính quyền đục khoét dân lành ấy trước sau cũng bị vạch trần.

Nói như nhà anh Dỏ, một nhân vật khá đặc sắc của Trịnh Thanh Phong thì, đời con người ta cũng “giống như cái chong chóng, gặp gió thì cứ tít mù, còn nếu không nó lại chỉ là cái chong chóng”.

Thằng Nghiệp rồ đây, và cả anh nữa, nếu không có cơn gió lành của anh Tâm thổi về làng quê này thì Dỏ chỉ là Dỏ với cái gánh ống lươn lần mò quanh năm nơi đầu bờ, cuối bãi. Còn thằng Nghiệp cũng thế, cũng chỉ là Nghiệp rồ có tài mấy cũng chỉ khum khum được ba tàu lá cọ mà ở cùng cái mảng.

Anh Tâm chính là biểu tượng của cái mới, cái thiện và là ước nguyện của người nông dân. Cuốn sách khép lại khi vừa hé ra được một mảng sáng tựa hồ đó là niềm tin và ước mong của tác giả. Có thể nói, đây là cuốn sách “có hậu”, không có gì mới về kết cấu cũng như phương pháp thể hiện.

Nhưng cái mạnh được tác giả phát huy tối đa và cũng đạt được hiệu quả rất đáng mừng, ấy là vốn sống và sự am tường hiểu biết về người nông dân và sự chuyển mình của nông thôn ngày nay.

Có được những thành công mới, không lặp lại những tác giả đã có những thành công trước viết về cùng một đề tài, ấy là vì tác giả đã sống cùng với chính bà con anh em mình trong ngôi làng Lộc xa xôi, tham dự vào những niềm vui và nỗi buồn mà từ trong thói tục làng quê chưa biết đến bao giờ mới gột rửa cho sạch.

Và hơn thế nữa, tác giả đã gióng lên được một hồi chuông cảnh tỉnh: nếu các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý nông nghiệp và nông thôn mới không nhận ra những thói tục xấu xưa cũ luôn luôn ẩn náu trong đường gân thớ thịt, trong máu của người nông dân, nó chỉ chờ khi có cơ hội là bùng phát thành những căn bệnh hiểm nghèo, nhằm kéo người nông dân trở về với lối sống ao tù nước đọng để đạt được ý nguyện ngu dân của bọn cường hào mới.

Mới đây Trịnh Thanh Phong lại cho xuất bản thêm cuốn tiểu thuyết “Ông Mãnh về làng” khá đậm đặc chất văn hoá làng xã mà bối cảnh chỉ quẩn quanh ở bên trong cái làng Lộc đầy ắp những nguồn cơn khiến cho ông chả bao giờ nguôi ngoai.

 

Sau nhiều năm sống và viết cần mẫn, nhà văn Trịnh Thanh Phong đã cho ra mắt bạn đọc năm tập truyện ngắn: “Bãi cuối sông”, “Gặp lại”, “Lời ru ban mai”, “Bức tường xanh”, “Dưới chân núi Bắc Quang”.

Tác giả lấp ló "Ma làng"

Trong "Ma làng" vẫn là cuộc chiến đấu giữa cái ác cái thiện, cái đúng cái sai. Cái ác thắng thế, dân tình lầm than. Cái ác lùi bước, dân sinh hạnh phúc bời bời. Làng quê muôn thuở khao khát bình an nhưng những kẻ hám lợi thì lại tìm mọi kế sách bất kể chỉ cốt để vơ vét được càng nhiều càng tốt của cải và quyền hành, danh vọng và địa vị về phần mình, chúng không muốn để ai yên. Cây muốn lặng gió chẳng muốn đừng là thế.

Cuốn tiểu thuyết không những mô tả đúng tâm lý người nông dân ở chốn xa xôi hẻo lánh, thấp cổ bé họng nhưng máu quật khởi luôn luôn thường trực, chỉ cần có ngòi châm là bùng phát, mà còn dựng được không khí ô nhiễm bê tha với thói tham lam hủ bại của những kẻ làm giàu bằng luồn lọt cạy cục, bằng nịnh nọt trên, phỉnh lừa, trấn áp dưới.

Tôi đọc nhiều đoạn cứ thấy dáng ông Trịnh Thanh Phong lấp ló đâu đó trong hàng rào găng, bên khe liếp nhà anh Dỏ, trên sông nước cùng anh Nghiệp rồ hút căng những điếu thuốc lào, bàn chuyện “chơi nhau” với cánh lão Tòng.

Thỉnh thoảng lại thấy ông mò lên huyện rồi lại lủi về quê, tham gia vào chuyện “nội bộ” của làng, cùng anh Tâm bày cách làm ăn cho bà con, nhưng lại luôn bị cánh nhà lão Tòng phá bĩnh.

Theo Báo giấy