“Tín dụng đen” khủng bố doanh nghiệp
Chia sẻ với PV Tiền Phong, anh T.V.K., trưởng Phòng hành chính nhân sự của Cty M.H. (Bình Dương) cho biết, trước đây có một vài công nhân của doanh nghiệp vay tiền từ tổ chức “tín dụng đen” rồi mất khả năng chi trả. Công nhân vay tiền nghỉ việc giữa chừng ở Cty rồi cắt đứt liên lạc.
“Sau khi tấn công người thân của người vay không hiệu quả, phía cho vay quay sang “khủng bố” nhiều người ở Cty, trong đó có tôi. Họ gọi điện, nhắn tin đề nghị chúng tôi phải đòi tiền thay nếu muốn yên thân. Khi tôi nói, công nhân đã nghỉ việc thì họ gán ghép tôi ngoại tình với kế toán của Cty rồi đưa cả hình ảnh lên mạng xã hội”, anh K. chia sẻ.
Anh N.M (kỹ sư làm việc tại một Cty nước ngoài ở thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, vào năm 2009, anh làm mất chứng minh nhân dân (CMND), sau đó đi làm mới.
“Mấy ngày qua, tôi bị số lạ gọi đến khủng bố tinh thần, họ đề nghị phải thanh toán nợ hàng chục triệu đồng. Họ nói tôi vay tiền không trả. Tôi có đến làm việc với Cty Tài chính H.D.S.S, họ đưa ra bản hợp đồng với thông tin hoàn toàn đúng với tôi trên chứng minh nhân dân cũ đã mất”, anh M. kể.
Cũng theo anh M. dù đã giải thích là bản thân không vay nhưng phía Cty tài chính vẫn không chịu. “Sau khi không đòi nợ được tôi, họ đến Cty gây sức ép. Bộ phận nhân sự gọi tôi lên làm việc đề nghị tự giải quyết chuyện cá nhân không để ảnh hưởng đến Cty. Tôi có giải thích nhưng Cty nói, nếu phía cho vay còn gây sức ép cho họ thì tôi sẽ bị đuổi việc. Tôi cũng không biết vì sao họ lại biết số điện thoại và nơi làm việc của mình”, anh M. băn khoăn.
Mới đây, Công an tỉnh Bình Dương đã triệt xóa đường dây cho vay lãi nặng do Nguyễn Chỉ Quang (SN 1994, quê Hà Tĩnh) điều hành với lãi suất từ 360- 540%/năm. Ðường dây của Quang có gần 200 người vay tiền trả góp.
Anh T.V.H, một nạn nhân tín dụng đen ở Bình Dương cho biết thủ tục cho vay dễ dàng, chỉ cần đưa CMND và khai một số thông tin, người thân hoặc bạn bè là sẽ được vay.
“Tôi được vay 10 triệu đồng, mỗi ngày phải đóng 500.000 đồng, và đóng liên tục trong 40 ngày. Suốt mấy ngày qua, do chưa trả được tôi bị nhân viên Cty tài chính đe dọa, gây sức ép, buộc phải bỏ của chạy lấy người”, anh T.V.H chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở lời đe dọa, đối tượng cho vay nặng lãi tìm đến nhà công nhân để hù dọa, tạt sơn sau khi gọi điện thoại nhiều lần bất thành. Gia đình chị T.N. (ngụ tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai) liên tục bị một số kẻ lạ mặt ném đá, tạt chất bẩn vào nhà gây hư hỏng tài sản.
Theo lời chị N, trước đó chồng chị có giới thiệu cho một người bạn vay 30 triệu đồng từ một người chuyên cho vay. Sau đó, người bạn vay tới 200 triệu đồng rồi mất khả năng trả lãi. Người cho vay liền quay sang đòi vợ chồng chị N. phải trả nợ thay với số tiền lên đến 300 triệu đồng.
“Mới đây, tôi bất ngờ nhận cuộc gọi của người lạ yêu cầu tôi và các thầy, cô trong trường “đòi nợ” giúp từ một phụ huynh có con học tại trường. Hỏi ra thì được biết, một phụ huynh học sinh có vay tiền từ tổ chức tín dụng. Khi từ chối, đối tượng chửi bới, đe dọa gây hoang mang cho tôi và các giáo viên trong trường”, thầy Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) chia sẻ.
Quyết tâm đẩy lùi “tín dụng đen”
Thượng tá Huỳnh Yên Nam, Trưởng Công an thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phát hiện xử lý nhiều đối tượng hoạt động bảo kê, tín dụng đen. Các đối tượng gọi điện, gây áp lực để đòi nợ xảy ra chủ yếu người lao động vay nóng, không có khả năng trả nợ. Theo Thượng tá Nam, đơn vị đang tiếp tục đấu tranh ngăn chặn hoạt động tín dụng đen trên địa bàn.
Trong khi đó, Đại tá Trần Văn Chính, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương cho biết để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm “tín dụng đen”, công an đang phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để người dân hiểu rõ các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm cho vay lãi nặng để biết cách phòng tránh.