Lãnh đạo NATO: Xung đột Ukraine đã trở thành 'cuộc chiến về hậu cần'

TPO - Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine trở thành một “cuộc chiến tiêu hao”, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cảnh báo rằng phương Tây "không nên đánh giá thấp" lợi thế hỏa lực của Nga.

Trả lời hãng tin CNN, ông Stoltenberg nói rằng Nga – đến thời điểm hiện tại – đã có thể đưa nhiều đạn dược và nhân lực đến tiền tuyến hơn Ukraine.

Ông cho biết mức tiêu thụ đạn dược của Ukraine “cao hơn tổng sản lượng của NATO”, và nói thêm rằng tình trạng này “không thể tiếp diễn”.

“Cho đến nay, kho dự trữ của chúng tôi đã cạn kiệt, nhưng đến một lúc nào đó chúng tôi cần sản xuất thêm đạn dược.”

Mặc dù Ukraine nhận được vũ khí phương Tây trị giá nhiều tỷ đô la - bao gồm gần 1,5 triệu quả đạn pháo từ Mỹ, nhưng Nga đã nắm giữ lợi thế về hỏa lực kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2 năm ngoái. Phía Ukraine hiện đang bắn từ 5.000 đến 6.000 quả đạn pháo mỗi ngày, theo hầu hết các đánh giá của phương Tây, trong khi ước tính về hỏa lực của Nga rất khác nhau, từ 5.000 đến 60.000 quả đạn mỗi ngày.

Ông Stoltenberg cũng như các lãnh đạo phương Tây khác đã nhiều lần kêu gọi các thành viên NATO tăng cường sản xuất đạn dược để thu hẹp khoảng cách. Quan chức đối ngoại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, cho biết hôm Chủ nhật rằng những người ủng hộ Ukraine cần giải quyết tình trạng thiếu đạn dược trong vòng “vài tuần” nếu muốn Kiev thành công trên chiến trường.

Kể từ mùa thu năm ngoái, cuộc xung đột ở Ukraine đã “chuyển thành một cuộc chiến tiêu hao,” ông Stoltenberg nói. “Một cuộc chiến tiêu hao là một cuộc chiến về hậu cần. Làm thế nào để bạn có đủ mọi thứ - phụ tùng thay thế, vật liệu, đạn dược, nhiên liệu - cho tiền tuyến.”

Trong khi ông Stoltenberg nói rõ ràng về sự cần thiết của việc tăng cường sản xuất đạn dược, thì ông lại tỏ ra mơ hồ về việc liên minh muốn cuộc xung đột kết thúc như thế nào. Ông nói rằng "không ai biết cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào, khi nào", thậm chí nó "có thể" sẽ được giải quyết tại bàn đàm phán.

Theo RT, CNN