Lãnh đạo Mỹ-Trung sẽ 'gặp' trực tuyến

TP - Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hôm qua tham dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến châu Á Thái Bình Dương để thảo luận về coronavirus và sự phục hồi kinh tế toàn cầu và những khác biệt về thương mại kéo dài giữa đôi bên có thể phủ bóng lên cuộc họp.
Ông Trump và ông Tập gặp gỡ tại Bắc Kinh trong khuôn khổ APEC 2017

Ông Trump và ông Tập “gặp mặt” tại cuộc họp của các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) do Malaysia chủ trì, chỉ hai tuần sau khi ông Trump thất cử.

Các nhà lãnh đạo châu Á- Thái Bình Dương đã kêu gọi thực hiện đa phương hóa thương mại để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế, đồng thời lên án các chính sách bảo hộ thương mại.

Sau khi lên nắm quyền vào năm 2017, tổng thống Trump đã áp thuế đối với số hàng hóa trị giá hàng tỷ đô la của Trung Quốc, phát động cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại hội nghị cấp cao APEC gần đây nhất vào năm 2018, các nước thành viên lần đầu tiên trong lịch sử không thông qua được thông cáo chung do Mỹ và Trung Quốc bất đồng về thương mại và đầu tư.

Trước khi hội nghị diễn ra hôm qua, một số nhà lãnh đạo APEC đã lên án chủ nghĩa bảo hộ khi thế giới vật lộn với tác động kinh tế của virus corona mới.

“Khi đang phải đối mặt với thách thức kinh tế lớn nhất của thế hệ này, chúng ta không được lặp lại những sai lầm của lịch sử bằng cách rút lui vào chủ nghĩa bảo hộ”, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại Đối thoại CEO APEC hôm qua. “APEC phải tiếp tục cam kết giữ cho thị trường mở và thương mại lưu thông”, Reuters dẫn lời bà Ardern.

Hôm thứ Năm, ông Tập nói “chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ và bắt nạt cũng như phản ứng chống lại toàn cầu hóa kinh tế” đã làm tăng thêm rủi ro và bất ổn trong nền kinh tế thế giới.

Ông nói Trung Quốc sẽ tiếp tục cam kết với chủ nghĩa đa phương, cởi mở và hợp tác.

Các nhà lãnh đạo châu Á- Thái Bình Dương khác cũng bày tỏ hy vọng rằng chính quyền Joe Biden sẽ tham gia nhiều hơn và hỗ trợ thương mại đa phương.

Hôm qua, Thủ tướng Suga Yoshihide nói Nhật Bản đặt mục tiêu mở rộng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có khả năng phục vụ lợi ích của Trung Quốc và Anh trong việc tham gia thỏa thuận.

Trump đã rút Mỹ ra khỏi Hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP. Mỹ cũng vắng mặt trong khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, Hiệp định Đối tác toàn diện Khu vực (RCEP) - gồm 15 quốc gia do Trung Quốc hậu thuẫn đã được ký kết vào tuần trước.

Chính quyền của ông Trump đã bị chỉ trích vì mức độ tham gia thấp hơn ở châu Á. Lần duy nhất ông tham gia hội nghị cấp cao APEC - được tổ chức thường niên- là vào năm 2017. Hội nghị cấp cao năm ngoái ở Chile đã bị hủy do các cuộc biểu tình bạo lực.

Ông Trump cũng đã bỏ lỡ hai cuộc họp trực tuyến châu Á  vào tuần trước: hội nghị thượng đỉnh ASEAN gồm 10 thành viên và Hội nghị cấp cao Đông Á rộng lớn hơn.