Sáng 4/7, báo cáo HĐND, UBND thành phố đề nghị điều chỉnh danh mục 970 biệt thự cũ, trong đó đưa 20 biệt thự ra khỏi danh mục, xác định là công trình kiến trúc xây trước năm 1954, điều chỉnh giảm 123 biệt thự đã phá dỡ, một số đã xây dựng mới, còn lại vẫn là ô đất trống… Đặc biệt, có 55 biệt thự phải điều chỉnh lại do thống kê trùng.
Phát biểu thảo luận, ông Nguyễn Hoài Nam, trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội đề nghị phải giải trình rõ hạn chế, thiếu sót, nguyên nhân trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quản lý biệt thự. Điều này chưa được thành phố làm rõ trong báo cáo.
“Nếu chúng ta dễ dàng thông qua nghị quyết, mai mốt lại tiếp tục rút các biệt thự ra khỏi danh mục. Mong Chủ tịch thành phố bảo đảm cam kết với HĐND thành phố khóa này, bởi khóa trước lãnh đạo thành phố, một số lãnh đạo sở, quận, huyện chưa làm hết trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá dỡ biệt thự…”, ông Nam nói.
Ông Nam cũng bày tỏ xót xa về các biệt thự bị phá dỡ, dù danh mục đề án quản lý biệt thự đã được Chính phủ thông qua nhiều năm nay. Nhiều lần chất vấn, thanh tra, giám sát thanh tra nhưng vẫn bị mất 123 biệt thự. Trong đó gần 70 biệt thự bị mất từ thời điểm trước, được các cơ quan đồng ý, nhưng còn lại hơn 50 cái mất là do quản lý không tốt.
Trước thắc mắc này, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng thừa nhận, thực tế triển khai có những bất cập trong chính sách thực tiễn, từ đó buông lỏng trong quản lý, thành phố đang tổ chức điều chỉnh, xây dựng lại.
“Sai sót trong quá trình xây dựng danh mục như có nhà mặt phố, có nhà trùng… từ đó sai sót trong đánh giá. Chúng ta nhận sai sót trong xây dựng danh mục. Vì chính sách quản lý không rõ ràng, có cái thành phố cho phép, có cái quận cho phép, hiện đã có nghị định để quản lý”, ông Hùng nói.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng cho biết, sẽ rà soát lại danh mục, xác định rõ sai đến đâu xử đến đó nếu có sai phạm trong quản lý biệt thự. Đồng thời, số hóa toàn bộ hồ sơ các biệt thự, tránh trùng lặp, nhầm lẫn như trước đây.
Nghị quyết về quản lý biệt thự cũ của thành phố được thông qua với 95/95 đại biểu nhấn nút.