Sáng 1/11, Hội nghị Tập huấn công tác thi đua, khen thưởng ngành văn hóa, thể thao, du lịch (VHTTDL) năm 2024 diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy khẳng định các văn bản pháp quy về thi đua, khen thưởng như Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2022; Nghị định số 98/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng… cần được quán triệt.
Đó là cơ sở nâng cao hiểu biết, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khách quan minh bạch, các nguyên tắc trong thi đua khen thưởng của toàn ngành. Qua đó, ngành VHTTDL khắc phục được bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện công tác chuyên môn.
“Năm 2025 có nhiều hoạt động gắn với công tác thi đua, khen thưởng, có nhiều ngày lễ lớn của đất nước, dân tộc. Vì vậy, các cán bộ đảm nhiệm nhiệm vụ triển khai công tác thi đua, khen thưởng càng phải nắm bắt kỹ để tham mưu hiệu quả cho việc thực thi công tác này”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu.
Tại Hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) Lê Thị Thu Oanh phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó, Nghị định số 61/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT có hiệu lực thi hành từ ngày 22/7/2024, gồm một số quy định mới về xét tặng danh hiệu.
Về đối tượng áp dụng, Nghị định bổ sung thêm đối tượng: quay phim thể loại phim kết hợp nhiều loại hình, nhạc sĩ sáng tác tác phẩm âm nhạc và nhà nhiếp ảnh. Các đối tượng này được bổ sung trên cơ sở đề xuất của một số Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành.
"Việc bổ sung đối tượng để phù hợp với thực tiễn hoạt động văn hóa, nghệ thuật của một số lĩnh vực và bảo đảm quyền lợi của cá nhân hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong xét tặng danh hiệu", lãnh đạo Bộ VHTTDL nêu.
Về Hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Nghị định mới quy định cụ thể nguyên tắc làm việc của từng cấp Hội đồng, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng cấp.