Lạng Sơn: Sâu róm thông phá hoại 2.900 ha rừng

Báo Tiền Phong từng thông tin ở xứ Lạng xuất hiện đặc kín loài sâu bướm lạ. Chúng tôi đã có cuộc gặp với các ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn để tìm hiểu.
Một góc rừng thông ở xã Mai Pha-TPLS bị sâu róm phá hoại trơ trụi

Ông Hoàng Văn Đảy- chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Loài sâu bướm xuất hiện ồ ạt vừa qua tại 5 huyện, thành của tỉnh Lạng Sơn là: Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Chi Lăng và thành phố Lạng Sơn chính là con ngài, con trưởng thành của sâu róm thông.

Sâu trưởng thành ở dạng này có đặc điểm trên cánh trước có một đốm lông màu trắng, gần mép cánh có 3 chấm đen tạo hình số 3. Loài sâu róm này bay ngoài đường cứ có ánh sáng đèn là tự tìm đến, thời gian sâu đậu nhiều nhất từ khoảng 19 giờ tối đến 4 giờ sáng.

Tuổi của sâu róm thông kéo dài từ 7 đến 9 ngày. Mỗi năm sâu sinh trưởng, đẻ trứng từ 3 đến 4 lứa, một lứa có khoảng trên dưới 400 quả trứng, sau một tuần đẻ trứng là sâu tự chết...

Ngoài việc bu bám vào cành cây, nhà cửa, công sở gây xáo trộn sinh hoạt, cuộc sống và sức khỏe của người dân thì sâu róm thông đang là nỗi hiểm hoạ đối với những cánh rừng ở Lạng Sơn.

Theo thống kê của các ngành chức năng, hiện nay đã có trên 2.900 ha diện tích rừng bị sâu phá hoại, trong đó có trên dưới 400 ha bị thiệt hại nặng nề ở 13 xã của 5 huyện trong tỉnh.

Một vài tháng gần đây sâu róm đang gây thành dịch trên những dải rừng thông vùng núi thấp, đang là nỗi lo lắng của các ngành chức năng và nhân dân.

Ngay cả khu Hội chợ - triển lãm “ Lạng Sơn hữu nghị 2005” loài sâu bướm thông này cũng không tha, các biển hiệu, sản phẩm trưng bày bị chúng bâu đậu và xác chết rơi la liệt dưới đất, vào các sản phẩm.

Rất nhiều cán bộ và nhân dân tham gia hội chợ bị mẩn ngứa khắp người vì loài sâu róm thông...