> Văn học dịch chấp nhận sai sót?
> “Hồng trần”: Không phạm luật, nhưng…
Hoặc họ phải đánh đổi, chọn một cuộc sống như nhân vật chính Oscar Dufresne trong cuốn tiểu thuyết Kẻ ích kỷ lãng mạn (tên gốc tiếng Pháp L’égoiste romantique) của nhà văn Frederic Beigbeder.
Ngày trước, khi học về chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Việt Nam, ông thầy luyện thi giải thích với học sinh mọi thế hệ, rằng “lãng mạn” hiểu từ nghĩa Hán Việt là sóng xô bờ, một thứ cảm giác trào dâng mãnh liệt và khó bó buộc.
Tôi đoán cảm giác như thế khó lòng tồn tại trong con người ta khi họ sống trong một xã hội hiện đại, nơi mà giả sử không có ai bó buộc thì tự người ta cũng sẽ mua dây buộc mình lại, ép mình vào một cái khuôn nào đó để không bung ra và bung bét.
Trở lại với tay văn sĩ Oscar, nhân vật mà “gã công tử bột đỏng đảnh” của làng văn Pháp Frederic Beigbeder viết như thể tự bạch về bản thân ông ngoài đời.
Con người Oscar hội tụ đủ tính cách của một kẻ khó sống trong cộng đồng: Hành xử bạt mạng, không chung thủy được cũng không sống có trách nhiệm được,
Xuất thân dòng dõi, giao du với các nghệ sĩ nổi tiếng và những người giàu có, Oscar có sở thích: tán tỉnh khắp mọi nơi. Con người này đi nhiều nước trên thế giới với điểm đến thường xuyên là các quán bar, nơi anh ta có thể vồ lấy một cô nàng lạ mặt hấp dẫn nào đó.
Với cô gái mà mình yêu, Oscar làm nàng có bầu rồi yếu ớt bỏ rơi nàng, vừa bỏ rơi vừa không ngừng nghĩ đến nàng.
Nhưng trong khi tuyên bố yêu nàng say đắm, anh vẫn không ngừng tà lưa các cô nàng khác. Đến cuối sách, trong một cơn chán nản vô công rồi nghề, Oscar đùa cợt tán tính cả anh bạn thân Ludo của mình.
Tất nhiên, lối sống đó để lại cho Oscar một lựa chọn duy nhất: Độc thân. Khi tính ích kỷ chiếm lĩnh con người ta gần như tuyệt đối thì “một mình” là cách sống đúng đắn nhất.
Hài hước luôn là điểm mạnh của Beigbeder. Người hài hước sở hữu khả năng nhìn mọi sự việc từ những góc nhìn khác biệt, khiến người khác chưa bao giờ hết bất ngờ vì họ.
Đây là một tố chất nên có của một người quyến rũ. Không gì quyến rũ bằng một người đàn ông thông minh hài hước. Beigbeder có tố chất đó, chẳng hạn khi ông viết: “Điều khó khăn nhất không phải là biết được tại sao ta lại sống, mà là thoát được khỏi câu hỏi này”.
Trong Kẻ ích kỷ lãng mạn đầy rẫy những câu triết lý sắc bén nhưng hơi vặt vãnh vì chúng đứng một mình mà không có câu chuyện ấn tượng nao đi kèm. Văn Beigbeder “dễ tiêu” nhất đối với những độc giả thực sự hợp gu.
Nếu ở ngoài vòng phủ sóng của ông, người ta dễ có cảm giác nhàm chán, không có câu chuyện, không có mấy sự tiến triển…
Về tên gọi cuốn tiểu thuyết, Kẻ ích kỷ lãng mạn, có một chi tiết bên lề hấp dẫn. Tác giả Đại gia Gatsby F. Scott Fitzgerald có tiểu thuyết đầu tay là Bên này thiên đường (This Side of Paradise), nhưng đó là tên gọi đã thay đổi, còn tên gốc của cuốn sách là Kẻ ích kỷ lãng mạn (The Romantic Egoist – trùng tên với sách của Beigbeder, chỉ có điều, là tiếng Anh).
Đều sống trong thế giới thượng lưu, giao lưu với nó và nhìn thẳng vào sự giả tạo của nó, Beigbeder và Fitzgerald thực sự có nhiều điểm tương đồng. Chỉ có điều, Beigbeder giễu cợt, còn Fitzgerald buồn bã.
Và cuối cùng, lãng mạn tột cùng, điều người ta phải đối mặt chính là sự cô độc. Không thể thoát được. “Có những ngày cùng nhau, có những tháng không nhau“ – Beigbeder viết.
Nếu từng biết và ấn tượng với Beigbeder qua bản dịch tiểu thuyết Một tiểu thuyết Pháp, độc giả Việt Nam sẽ tìm thấy một Beigbeder với nồng độ giễu cợt hài hước đậm đặc hơn trong Kẻ ích kỷ lãng mạn. Có lẽ, cả sâu cay chua chát và nhiều câu văn ăn sâu vào tâm trí hơn.