Làng hương lao đao

TP - Nhiều cơ sở phải tạm dừng sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu điêu đứng, còn người lao động có nguy cơ mất việc làm sau khi Ấn Độ quyết định hạn chế nhập khẩu hương (nhang) và sản phẩm thuộc ngành hàng này từ Việt Nam.
Chị Nguyễn Thị Quyên bên nhà xưởng tạm ngừng hoạt động

Theo thông báo ngày 31/8 của Bộ Công Thương Ấn Độ, hương và các chế phẩm từ Việt Nam phải chuyển từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu”. Với Việt Nam, quyết định này lập tức gây tác động tiêu cực vì hương của Việt Nam luôn chiếm khoảng 90% thị phần hương nhang nhập khẩu vào Ấn Độ, trị giá hơn 76 triệu USD/năm.

Ðóng cửa nhiều cơ sở

Xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội)  - địa phương làm hương lâu đời chịu ảnh hưởng rõ rệt từ quyết định của Ấn Độ. Nhiều cơ sở dọc đường chính trong xã đã im tiếng máy. Chúng tôi ghé vào một nhà xưởng hé cửa tại thôn Đạo Tú. Chị Nguyễn Thị Quyên, chủ xưởng sản xuất tăm hương, than thở: “Hơn 10 ngày nay, tôi không bán được hàng nên phải cho công nhân nghỉ làm và đóng máy”.

Chị Quyên cho biết, xưởng nhà chị có ba máy làm tăm hương xuất khẩu sang Ấn Độ. Những năm trước, vào dịp này, xưởng hoạt động hết công suất, mỗi tháng bán được khoảng 10 tấn tăm hương, thu về gần 200 triệu đồng. Nhưng từ đầu tháng 9, hàng làm ra chất đầy kho.

Anh Lê Việt Hà, chủ cơ sở sản xuất chân hương lớn ở xã Quảng Phú Cầu với 20 công nhân, cho biết, trước đây, mỗi tháng xưởng của anh xuất sang Ấn Độ hơn 70 tấn chân hương, thu về khoảng 1,5 tỷ đồng, nhưng nay chỉ làm cầm chừng. “Nếu Ấn Độ vẫn tạm dừng nhập khẩu, cơ sở của tôi cũng tính đến chuyện đóng cửa”, anh Hà cho hay.

Theo ông Lê Văn Dịu, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, xã có 5 thôn với 3.300 hộ làm nghề hương, trong đó khoảng 200 xưởng sản xuất tăm hương, chủ yếu xuất khẩu sang Ấn Độ. Khoảng 2 tháng trước, tình hình xuất khẩu mặt hàng này bắt đầu đi xuống. “Việc hạn chế nhập khẩu hương của Ấn Độ đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của làng nghề, kéo kinh thế của xã chậm lại, đời sống của người dân khó khăn hơn, nhất là người lao động”, ông Dịu nói.

Các hộ làm hương ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) cũng trong tình cảnh tương tự. Anh Trần Văn Trãi, chủ sản xuất hương ở thôn Lưu Thượng (xã Phú Túc), phải cho 15 công nhân nghỉ việc. “Tôi sợ làm ra không bán được hàng nên tạm dừng sản xuất 4 ngày nay. Tôi dự kiến nghỉ làm nửa tháng, thiệt hại khoảng 30 triệu đồng”, anh Trãi nói.

Hiệu ứng dây chuyền

Anh Đinh Văn Tỉnh, người dân tộc Thái ở xã Sơn Điện (huyện Quan Sơn, Thanh Hóa) cùng một số bà con trong bản bắt xe khách đi suốt đêm để kịp sáng hôm sau có mặt ở Hà Nội mang theo mong muốn các cơ quan chức năng tìm giải pháp xuất khẩu hương trở lại thị trường Ấn Độ. Anh Tỉnh cho biết, nhiều năm nay, bà con trong bản sinh sống bằng việc trồng và khai thác vầu, luồng trên núi để làm nguyên liệu làm hương. Đây là nguồn thu nhập chính để nuôi sống gia đình anh và các hộ trong bản. Anh nhẩm tính, mỗi người thu về khoảng 3-4 triệu đồng/tháng từ nghề này. Khoảng 10 ngày nay, cuộc sống người dân trong bản bị thay đổi vì bà con có nguy cơ mất việc làm.

“Ấn Độ ngừng nhập hương, các công ty làm hương trong nước ngừng mua nguyên liệu nên hơn 400 người dân trong xã làm cho tôi phải nghỉ việc. Bởi vậy, họ không còn nguồn thu, cuộc sống rất khó khăn”, anh Tỉnh nói.

Nhiều người lao động trong lĩnh vực hương nhang có nguy cơ mất việc làm vì sự thay đổi chính sách nhập khẩu hương nhang của Ấn Độ - Ảnh: Nguyễn Thắng

Cùng tình cảnh, ông Tạ Văn Phong ở xã Điệp Nông (Hưng Hà, Thái Bình) cho hay, cơ sở sản xuất hương của ông phải ngừng hoạt động khoảng 10 ngày nay do không xuất được hàng sang Ấn Độ. Cùng đó, 50 công nhân không có việc làm, chủ yếu là người có tuổi và người có sức khỏe yếu không thể làm việc ở các công ty trong lĩnh vực khác.

Anh Trịnh Quốc Việt, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hương Việt (đường Nguyễn Văn Cư, quận Long Biên, Hà Nội), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu hương lớn sang thị trường Ấn Độ, cho biết: “Doanh nghiệp của tôi hơn 10 ngày nay điêu đứng vì không xuất được hàng. Nếu tình trạng này kéo dài một tháng, công ty tôi mất hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, người lao động trong lĩnh vực hương có rất nhiều người yếu thế như người già, người khuyết tật”.

Ngày 11/9, Bộ Công Thương Việt Nam làm việc với Đại sứ quán Ấn Độ về chính sách hạn chế nhập hương, nhang. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Đại sứ quán Ấn Độ trao đổi với các cơ quan chức năng Ấn Độ về những tác động tiêu cực của chính sách trên đối với các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam. Bộ Công Thương đề nghị, các cơ quan chức năng của Ấn Độ cần xem xét: Không yêu cầu giấy phép nhập khẩu đối với các lô hàng hương từ Việt Nam ký hợp đồng trước ngày 31/8/2019, tạm thời ngừng áp dụng biện pháp cấp phép nhập khẩu trong thời gian nhu cầu thị trường ở mức đỉnh điểm (tháng 9, tháng 10/2019). Về lâu dài, đề nghị Ấn Độ gỡ bỏ biện pháp quản lý nhập khẩu đối với hương. Đại sứ quán Ấn Độ cho biết, sẽ sớm phản hồi với Bộ Công Thương.

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, việc áp dụng hạn chế nhập khẩu của Ấn Độ đối với hương có thể xuất phát từ việc giá thành hương của Việt Nam quá rẻ so với giá thành sản phẩm của Ấn Độ, khiến nhiều doanh nghiệp Ấn Độ phải đóng cửa. Nguyên nhân hương của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường Ấn Độ là có lợi thế ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ với thuế nhập khẩu mặt hàng này là 5% (từ 1/1/2016).