> Nghị lực của cậu học trò côi cút
Cũng như bao đứa trẻ khác, tôi sinh ra trong một gia đình êm ấm và hạnh phúc. Có bố, mẹ và một em trai.
Tuổi thơ của tôi trôi qua rất là bình thường, ai có cái gì thì tôi có cái đó, tôi không thiếu thốn thứ gì cả và tôi cứ thế lớn lên trong sự yêu thương và bảo bọc của cha mẹ.
Năm 14 tuổi, một biến cố lớn đến với gia đình tôi. Cha tôi đau nặng rồi đột ngột qua đời, bỏ lại ba mẹ con tôi bơ vơ trên cuộc đời này. Cha tôi mất đi, cuộc sống của ba mẹ con tôi bị đảo lộn, vô cùng khó khăn.
Việc buôn bán của gia đình kém đi hẳn. Mẹ tôi không thể cáng đáng công việc buôn bán nên kinh tế gia đình càng ngày càng đi xuống và chuyện gì đến cũng phải đến. Cửa hàng gia đình tôi đã phải đóng cửa. Cuộc sống của ba mẹ con tôi vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Thời gian đầu mẹ tôi bị khủng hoảng tâm lý rất nặng sau sự ra đi của ba. Thấy mẹ đau khổ như vậy tôi rất thương, nhưng với cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nên tôi không thể giúp được mẹ được gì ngoài việc chỉ biết động viên mẹ cố gắng lên vì cuộc sống của 3 mẹ con.
Mẹ tôi không có nghề nghiệp ổn định, nhưng vì lo cho 2 anh em chúng tôi nên mẹ không ngại việc gì cả. Mẹ làm tất cả mọi việc để lo cho anh em tôi ăn học đến nơi đến chốn.
Tôi cũng cố gắng học để không phụ lòng mẹ, sau bao cố gắng dù không đậu đại học, tôi cũng đậu vào Trường cao đẳng dưới TPHCM ngành tài chính ngân hàng.
Khi tôi đang học năm học cuối cùng thì một biến cố lớn nữa lại xảy ra với gia đình tôi, mẹ tôi bị bệnh nan y: Suy thận giai đoạn cuối!!!
Lúc nghe tin này, tâm trạng tôi rối bời, hoang mang cực độ… Trời đất như sụp đổ!!! Tôi bỏ hết tất cả chuyện học hành trở về Đăk Lăk để lo cho mẹ.
Được sự trợ giúp của họ hàng và bà con xóm giềng, tôi đã đưa mẹ tôi ra Hà Nội để điều trị.
Bác sĩ Bệnh viện Hoè Nhai (Hà Nội) một lần nữa khẳng định, mẹ tôi bị suy thận giai đoạn cuối… Bác sĩ nói, cuộc sống của mẹ tôi bây giờ phải gắn liền với máy đến suốt đời, chỉ có kéo dài thời gian sống cho mẹ cháu chứ không thể nào chữa khỏi được và thời gian sống của bà cũng không còn nhiều… gia đình hãy chuẩn bị tâm lý trước! Nghe điều này từ chính bác sĩ điều trị cho mẹ, thực sự là một tin sét đánh!!!
Tôi đi ra ngoài tìm một góc để ngồi suy nghĩ; Ba mất rồi bây giờ còn mẹ thì mẹ lại lâm bệnh nặng, em trai thì lại còn nhỏ dại; Bản thân thì lại học hành chưa xong, công ăn việc làm chưa có; Gánh gia đình đè nặng trên vai tôi.
Tôi không biết chia sẻ cùng ai, nước mắt nuốt ngược vào lòng… Tôi thương mẹ, thương em, thương cái gia đình mình biết bao mà chưa biết phải xoay sở cách nào để sống? Giá có ai đó cho tôi một lời trong lúc này…
Thời gian đầu, 2 mẹ con trọ nơi đất khách quê người, tôi suy nghĩ rất nhiều. Phải làm sao để lo cho mẹ, cho em trong khi bản thân thì lại không có bằng cấp, nghề nghiệp? Có ba mẹ con lại ở 2 nơi, nơi nào cũng cần tiền.
Thương mẹ, thương em nhưng không lẽ bất lực? Không lẽ bó tay chịu chết!? Tôi xin đi làm ở quán cà phê.
Đồng lương ít ỏi không đủ trang trải các chi phí như: Tiền thuê trọ, tiền ăn, tiền viện phí, thuốc thang, tiền cho em ăn học … Tôi xin làm tăng ca, từ 7h30 sáng cho đến 24h đêm cộng thêm việc đổ rác, dọn vệ sinh, để có thêm chút tiền chi phí cho cả gia đình.
Trong suy nghĩ của tôi lúc này là làm sao để có tiền lo cho mẹ lo cho em, vì thế tôi không nề hà bất cứ việc gì, thậm chí phải hạn mình đến tận cùng miễn kiếm được tiền bằng chính sức của mình thì tôi cũng chấp nhận.
Hàng ngày tôi cứ đi làm từ sáng cho đến đêm mới được nghỉ, mỗi ngày ngủ 5 tiếng, ăn uống thất thường, nhiều lúc cảm thấy kiệt sức, tôi nằm miên man nghĩ về bản thân mình, nghĩ về ngày mai mà thấy tủi.
Học hành thì chưa xong, tương lai sau này rồi sẽ ra sao? Trong lòng như có cái gì đó đang đè lên rất nặng!
Trong lúc ngủ, tôi luôn phải tỉnh táo để mắt, coi ngó mẹ. Nhìn mẹ thoi thóp, mong manh bao nhiêu, tôi lại mạnh mẽ, cứng rắn hơn bấy nhiêu… Tôi không thể cứ mãi sống trong dằn vặt, rên xiết, kêu ca, oán thán số phận, càng không thể gục ngã được.
Tôi chấp nhận hy sinh tương lai của mình để lo cho gia đình, chỉ đôi lúc nghĩ thoảng qua, thấy tiếc vì công sức, tiền bạc mình bỏ ra mà cuối cùng lại không thể theo học cho đến cùng để có được tấm bằng. Buồn…
Dù tôi không học nữa nhưng tôi cũng sẽ cố gắng để lo cho đứa em trai tôi ăn học đàng hoàng.
Em trai tôi chính là tương lai của gia đình tôi! Tôi thương em nhiều lắm, nó còn nhỏ quá mà lại rơi vào hoàn cảnh như vậy.
Anh với mẹ thì ở xa, một mình ở nhà phải lo cho cuộc sống hàng ngày, nó còn quá nhỏ mà phải đối mặt với cuộc sống khó khăn thiếu thốn đủ thứ.
Em ngày học 1 buổi, buổi còn lại phải đi làm thêm để có tiền lo cho chính bản thân nó, vừa đỡ cho tôi được 1 phần.
Càng nghĩ càng thấy thương em quá! Ở xa quá nên hàng ngày tôi chỉ gọi điện động viên em là hãy cố gắng lên, cả 2 anh em mình đều phải cố gắng để vượt lên số phận.
Bây giờ tôi chỉ cầu cho bản thân mình có sức khỏe để lo cho gia đình thôi chứ không cần gì cho bản thân mình nữa!
Những lúc đi làm về, thấy mẹ khỏe thì tôi an tâm phần nào, nhưng cũng có những ngày mà mẹ thấy mệt trong người, không ăn uống được gì, tôi chỉ ước giá như có thể gánh thay nỗi đau cho mẹ…
Tôi hận bản thân mình không làm được gì, tôi chỉ biết động viên mẹ hãy cố gắng chịu đựng, hãy nghỉ ngơi và đừng suy nghĩ nhiều, cố gắng thời gian nữa rồi sẽ được về nhà.
Dù ở xa nhưng tôi vẫn tận dụng các mối quan hệ của mình và gia đình, làm sao để có thể tìm mọi cách liên hệ với bệnh viện ở trong nhà để có thể chuyển mẹ về cho gần nhà gần cửa, cho gần mẹ gần con.
Để lỡ như có chuyện gì xấu nhất xảy ra tôi còn có thể xoay sở được, chứ nếu lỡ mẹ có mệnh hệ gì mà lại ở nơi đất khách quê người thì vừa tội cho mẹ, tội cho đứa em trai của tôi nữa!
Với chi phí đắt đỏ ở ngoài Hà Nội, hai mẹ con tôi không thể trụ lại lâu thêm được nữa, bây giờ chỉ cầu mong sao có ai đó giúp tôi để tôi có thể đưa được mẹ về nhà.
Nếu như có ai đó giúp tôi đưa được mẹ về để mẹ được sống những ngày cuối cùng thật vui vẻ, để có một tâm lý thoải mái thì số mẹ con tôi vẫn còn may mắn, còn nếu như tôi không nhờ được ai giúp thì coi như đó là định mệnh đã an bài cho mẹ con tôi vậy !
Nhất Vương giới thiệu
Tự sự của
Nguyễn Cảnh Trung
Trò chuyện giữa cô Bảo Oanh, chủ quán cà phê Bảo Oanh-Hà Nội, nơi Cảnh Trung đang làm thuê nuôi mẹ, số điện thoại 0943.035… với PV Tiền Phong lúc 19h tối ngày 3-10-2012:
- Chào chị Oanh, Cảnh Trung đang giúp việc ở quán chị cho tôi biết cậu ấy thật may mắn khi vừa chân ướt chân ráo ra tới Hà Nội mà gặp được một chủ quán tốt bụng như chị…
-Vâng, tôi vừa đọc được bài “Nghị lực của cậu học trò côi cút”, viết về em trai của Trung đăng trên báo Tiền Phong, qua đó càng hiểu hơn về hoàn cảnh ngặt nghèo rất cần được sẻ chia giúp đỡ của gia đình cậu ấy. Trung là một chàng trai hiếm có, chị ạ. Cậu ấy rất ngoan hiền, hiếu thảo và vô cùng chịu khó. Quán có 100 bàn, khách đông, Trung xin được phục vụ 2 suất nên cậu ấy làm ở đây từ sáng sớm đến tối mịt, gần đây lại còn xin làm luôn việc dọn vệ sinh nữa…
-Vậy còn thời gian đâu mà Trung thăm nuôi mẹ ?
- Cứ hoàn thành nhiệm vụ lúc nào là Trung lại tranh thủ chạy sang thăm mẹ lúc đó, 2 mẹ con thuê phòng trọ cách quán 2 cây số, cách Bệnh viện Hòe Nhai cũng 2 cây số mà. Tôi cũng dặn các nhân viên khác của quán phải thông cảm với Trung, không được so sánh kèn cựa, dù cậu ấy mới vào làm việc được mấy tháng đã được hưởng mức lương cao nhất. Ở đây ai cũng quý trọng cậu ấy. Nếu báo Tiền Phong hoặc bất kỳ ai giúp đỡ được nhiều hơn nữa cho mẹ con cậu ấy thì quý hóa quá…
Hoàng Thiên Nga
ghi
Món quà đặc biệt cho gia đình Trung-Hiếu
Báo Tiền Phong số ra ngày 28-09-2012 đã đăng bài “Nghị lực của cậu học trò côi cút”, kể về nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, làm thuê tự nuôi mình để được tiếp tục đến trường, học tốt của em Nguyễn Dũng Hiếu 15 tuổi, học sinh lớp 9C Trường THCS Đoàn Thị Điểm TP Buôn Ma Thuột.
Anh trai của Hiếu là Nguyễn Cảnh Trung, nguyên sinh viên năm 3 khoa Tài chính ngân hàng trường Cao đẳng Bách Việt TP Hồ Chí Minh, từ cuối năm 2011 đã phải xin nhà trường cho bảo lưu kết quả học tập để ra Hà Nội kiếm việc làm thuê nuôi mẹ đang điều trị ở khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Hòe Nhai.
Trước ngày Tiền Phong đăng bài, Trung đã nhờ một người em họ chăm sóc mẹ, quay về Đắk Lắk tìm cách đưa mẹ về điều trị gần nhà theo lời khuyên bác sĩ.
Chiều Chủ nhật, đại diện báo Tiền Phong đến thăm, gặp Trung đang giúp Hiếu chuẩn bị đi múa lân đêm Trung thu. Hiếu cho biết đội lân này đa số là học trò nghèo, tranh thủ ngoài giờ học để tập luyện và phục vụ theo đặt hàng.
Mỗi sô đội lân phủ rồng, đánh trống nhảy múa leo trèo mướt mồ hôi, mỗi cậu được trả công đôi ba chục nghìn. Chi tiêu tằn tiện như Hiếu, mùa Trung thu này tiền chạy sô múa lân góp nhặt cũng tự nuôi mình được vài tuần để đi học.
Cô Lê Thị Minh chủ nhiệm lớp 9C xác nhận: Thầy cô, bạn bè đều yêu quý Hiếu vì tính cách lễ phép, xông xáo, chăm ngoan. Nhà trường cũng biết rõ hoàn cảnh mồ côi cha, mẹ đau ốm nên miễn hết cho Hiếu mọi khoản đóng góp. Nếu có điều kiện sống thuận lợi hơn, hẳn kết quả học tập của Hiếu không chỉ là học sinh tiên tiến.
Còn Trung, anh trai của Hiếu kể xa quê ra Hà Nội, may gặp được chủ quán cà phê B.O tốt bụng, tin người, thấy hoàn cảnh mẹ con Trung quá cơ cực nên nhận ngay. Hai tháng đầu Trung xin nhận chân bảo vệ, ngày trực liên tục 2 ca, được 4,1 triệu đồng/ tháng.
Dù có bảo hiểm y tế gánh đỡ đến 95% viện phí theo chế độ hộ nghèo, nhưng do mẹ yếu thường bị tràn dịch màng phổi, phải dùng nhiều thuốc đặc trị, nên từ tháng thứ ba trở đi Trung lại xin chủ quán cho kiêm thêm việc vệ sinh, đổ rác mới đủ trang trải tiền thuê nhà, thuốc men, mua thêm thức ăn cho mẹ bồi dưỡng.
Ngày 1-10-2012, trao đổi với Đại diện báo Tiền Phong, bác sĩ Bùi Trường Phong Giám đốc bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (BV) cho biết ông rất xúc động về tấm lòng hiếu thảo, nghị lực vượt khó của hai anh em Trung-Hiếu.
Hiện BV mới có 6 máy chạy thận nhân tạo, số bệnh nhân còn xếp hàng chờ lên đến 150 người, nhưng bệnh viện sẽ ưu tiên giúp đỡ cho gia đình Trung- Hiếu bằng cách… xin tạm ứng trước 1 trong 2 máy chạy thận mà Sở Y tế đã hứa trang bị thêm cho bệnh viện, để mẹ Trung-Hiếu có giường điều trị khi về sống gần con.
Hiện Trung đã quay lại Hà Nội thu xếp mọi việc chuẩn bị cho mẹ hoàn tất thủ tục chuyển viện từ BV Hòe Nhai về BV Đa khoa Đắk Lắk vào đầu tuần tới.
Quỹ học bổng “Đọt Chuối Non” của báo Tiền Phong cũng đã quyết định tặng Hiếu một suất học bổng đặc biệt trị giá 5 triệu đồng, trao vào giữa tháng 10-2012. Hy vọng học bổng sẽ giúp Hiếu học tốt hơn, đem lại niềm an ủi ấm lòng cho cả ba mẹ con Trung-Hiếu.