“Truyền thống nó thế ấy…”
Thực ra, có rất nhiều thói quen chưa tốt vẫn được mọi người chấp nhận thậm chí là cổ vũ bằng cách viện những lý do vô cùng chính đáng. Ví dụ, trong trường hợp này thì những ông chồng hay tiệc tùng sẽ lấp liếm thói xấu của mình bằng những cớ như truyền thống ăn tết Nguyên đán của người Việt:
“Một năm là mấy tháng xuân
Ăn chơi cho thỏa phong trần ai ơi”
Cùng với truyền thống ăn chơi ngày tết, cánh đàn ông còn được cỗ vũ bởi rất nhiều quan điểm kiểu “Nam vô tửu như cờ vô phong”. Vậy nên, các ông chồng gần như tha hồ chén chú, chén anh trong những dịp lễ tết mà chả phải lo nghĩ gì.
Những hậu quả khôn lường của "vui" quá đà
- Đầu tiên là tai nạn giao thông, đột quỵ do bia rượu. Các bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy… mỗi năm lại công bố nhiều con số giật mình về các vụ tai nạn thương tâm trong dịp này.
- Tiếp theo là những mâu thuẫn trong gia đình được dịp bùng phát. Năm nào cũng vậy, cứ sau dịp nghỉ Tết là chúng tôi lại nhận được vô số các ca nan giải từ chuyện mâu thuẫn gia đình. Thường thì ngày Xuân với đàn ông là nghỉ ngơi, chè chén nhưng với phụ nữ là những ngày tất bật nhất năm. Người giúp việc nghỉ, con cái ở nhà không đi học, rồi việc làm cơm cúng, trang trí, dọn dẹp nhà cửa khiến chị em mệt mỏi, cuống quít, từ đó trở nên nóng tính hơn ngày thường. Thêm vào đó, cảnh người thì làm không hết việc, người chỉ bầy việc ra khiến các cặp vợ chồng không ít lần mâu thuẫn, nhỏ thì lời qua tiếng lại, nặng hơn thì đập bàn đập ghế và hơn thế nữa.
- Do sức khỏe đã phung phí trong cả chục ngày nghỉ nên nhiều người rất khó bắt đầu công việc năm mới với một cơ thể rệu rã hoặc hưng phấn quá đà.
- Còn một hệ lụy nữa mà nhiều khi chúng ta không thấy ngay hậu quả, đó chính sự ảnh hưởng theo kiểu vòng tròn với con cái. Những em bé trai sẽ học được từ cha rằng ngày Tết thì đàn ông được quyền vui chơi, nhậu nhẹt. Còn những em bé gái sẽ giống mẹ khi chấp nhận rằng, dịp lễ quan trọng nhất này, phụ nữ phải đảm đang nội trợ, chăm sóc nhà cửa và con cái… Chính những định kiến như thế sẽ tồn tại trong tiềm thức con trẻ hơn cả những gì mà cha mẹ dạy dỗ.
Các bà vợ có thể làm gì để thay đổi?
Thực chất, việc thay đổi một tập quán là không hề dễ dàng, nhất là bằng cách ôn hòa. Cái gì cũng cần có thời gian. Nếu chị em muốn chồng không nhậu nhiều quá trong dịp Tết thì có thể trước đó, từ khi chưa Tết, các bạn đã cần cùng chồng “đàm phán” về việc ấy rồi. Rất nhiều chị cứ đợi đến Tết mới ca với chồng rằng: “Anh phải giúp đỡ em việc nhà” hay “Anh không được đàn đúm bạn bè đấy nhé!”… mà không để ý rằng thói quen “chén chú, chén anh” đã trở thành bạn đồng hành của ông chồng từ lâu rồi, rất khó thay đổi.
Ngay trong các ngày bình thường, vợ chồng cũng nên phân chia công việc theo trách nhiệm và năng lực, nguyện vọng của cả đôi bên. Nhiều người vẫn nghĩ bình đẳng giới nghĩa là vợ nấu cơm thì chồng rửa bát, còn khi chồng uống rượu thì vợ uống bia… nhưng đâu phải thế. Bình đẳng giới nghĩa là vợ và chồng được tạo điều kiện để làm tốt những việc mình có khả năng. Ví dụ, nếu anh chồng giỏi chơi với con thì cứ chơi với con, vợ giỏi trang trí, bầy biện nhà cửa thì cứ tha hồ sáng tạo. Phân chia công việc rõ ràng như thế cũng là cách để vợ chồng cũng được vui chơi ngày Tết, cùng được thấy hứng thú khi năm mới tới. Tôi tin chắc, nhiều ông chồng ngày nay luôn sẵn sàng cùng vợ chia sẻ việc nhà chứ không đến nỗi chỉ biết ăn nhậu và bầy bừa.
Ngoài ra, nếu chị em muốn dần giúp chồng từ bỏ thói quen xấu là nhậu quá đà, hãy tách biệt hành vi nhậu với con người chồng. Hãy xác định rằng nhậu quá đà là một thói quen chưa tốt và dù khó thì vẫn có thể kiên trì để thay đổi nó thành một thói quen tốt hơn, chứ nó không phản ánh bản chất của ông chồng. Có thể nói với anh ấy rằng “Anh là người chồng, người cha tuyệt vời, chỉ có điều hay nhậu quá đà”, thay vì “Anh chẳng làm được gì cả, chỉ suốt ngày say xỉn”…
Khi chia sẻ với chồng về việc nhậu, cần chọn thời điểm thích hợp. Trước hết, việc chọn thời điểm tốt sẽ giảm nguy cơ bị bạo lực từ chồng. Sau nữa, nói chuyện với một người tỉnh táo và không bị hạn chế về nhận thức cũng khiến họ hiểu hơn điều mình muốn nói.
Chị em hãy đưa ra các lý do thuyết phục cho câu hỏi “Tại sao anh cần từ bỏ thói quen nhậu nhẹt?” bằng các yếu tố liên quan đến sức khỏe, an toàn giao thông, việc dạy dỗ con cái, xây dựng hình ảnh tốt về bản thân. Đừng nói với giọng chì triết, buộc tội và kể lể thêm những điều chưa đúng của đối phương nhưng không liên quan. Ví dụ như nhiều bà vợ có thói quen nhân tiện chồng nhậu nhẹt thì kể hết các tật xấu khác như bẩn, lười tắm, để đồ lộn xộn… Điều đó thực tế lại khiến cho cuộc nói chuyện của hai vợ chồng trở nên căng thẳng và chẳng giải quyết được vấn đề cần thiết. Thay vì chỉ trích, hãy tôn trọng đối phương và giúp đỡ họ khắc phục nhược điểm.
Thay đổi thói quen của một người luôn cần sự kiên trì và khích lệ với mỗi thay đổi của họ. Nếu hôm 30 họ còn uống 5 chai mà ngày mùng một chỉ uống 4 chai, đó đã là một thành công cần được khuyến khích ngay. Thêm vào đó, nếu chồng bạn là người bố yêu con, hãy chọn những lúc anh ấy kiềm chế được bản thân mà khen ngợi ngay trước mặt con, chẳng hạn thể hiện mong muốn con sau này cũng giống bố vì bố rất tỉnh trước các lời mời hại cho sức khỏe.
Bên cạnh việc mềm mỏng, chị em cũng cần có thái độ cương quyết nếu xẩy ra các tình trạng quá đà. Nếu ông chồng là người lái xe đưa đón cả nhà thì phải yêu cầu không được lái xe, gọi taxi khi đã quá chén. Dù thế nào, điều quan trọng nhất vẫn là giữ gìn an toàn cho các thành viên trong gia đình. Sau đó, khi chồng đã tỉnh rượu thì vợ có thể đưa hóa đơn xe taxi để chồng thanh toán và đề nghị chịu trách nhiệm về hành vi quá đà của mình.
Cuối cùng thì chúc các chị em và gia đình một năm mới dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng và yên ấm trong gia đình.
Theo Vnexpress
Post by Báo Tiền Phong.