> Nhiều vùng ngập chìm trong lũ
Sự việc diễn ra trong đêm khuya, sức công phá của nước quá mạnh nên mọi nỗ lực cứu đê của hàng trăm người trở nên vô vọng. Lũ cuốn trôi một chiếc phà sắt, một xe honda, một máy phát điện và nhiều vật tư, phương tiện ứng cứu lũ. Vụ vỡ đê đã làm nhấn chìm hoàn toàn 360 ha lúa 1,5 tháng tuổi, thiệt hại ước tính khoảng 8 tỷ đồng.
Trước đó ngày 28-9, tuyến đê kênh Cả Mũi của xã Tân Thành A cũng đã bị vỡ làm hủy hoại hoàn toàn 500 ha lúa một tháng tuổi.
Ông Nguyễn Văn Dưỡng – Phó bí thư thường trực huyện Tân Hồng cho biết: “Mực nước lũ đã có dấu hiệu chững lại, tuy nhiên tất cả các tuyến đê đắp mới trên địa bàn huyện đều đặt trong tình trạng nguy cấp, cần tiếp tục gia cố, canh phòng ngày đêm. Nếu nước còn tiếp tục lên nữa thì rất khó có thể giữ được, bởi chân đê yếu, thân đê mỏng, trong khi áp lực nước quá lớn. Phương châm của huyện là tập trung toàn lực cho việc giữ đê”.
Trực chiến tại hiện trường đê bao Tân Hệ Cơ thuộc kênh Xa Rài, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng – ông Nguyễn Chi Lăng cho biết: “Mực nước chênh lệch giữa ruộng lúa và mặt nước ngoài đê đã trên 4m, nơi nào cũng có nguy cơ bị vỡ. Hầu như toàn tuyến đê dài 7 km này nơi nào cũng xung yếu, tập trung giải quyết các điểm nóng nhất, nhưng làm xong nơi này lại xì ra nơi kia”.
Nếu không giữ được tuyến đê này thì chẳng những 800 ha lúa tại chỗ sẽ bị mất trắng mà hơn 10 ngàn dân tại vùng Tân Hộ Cơ và 700 ha lúa, hoa màu trên cánh đồng Đuôi Tôm sẽ bị ngập lụt. Xác định đây là khu vực đê trọng yếu nhất, quan trọng nhất vì thế lực lượng quân đội thuộc quân khu 9 đã được tăng cường thêm 50 chiến sỹ, nâng toàn bộ số lượng hộ đê lên tới trên 500 người.
Sở NN- PTNT Đồng Tháp cho biết thêm: Hầu hết các tuyến đê bảo vệ lúa vụ ba trong tỉnh đang rất lâm nguy. Dù vậy tỉnh vẫn cố hết sức tiếp tục gia cố bảo vệ khoảng 24.000 ha lúa vụ ba, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ.