Ngân hàng tăng lãi suất huy động
Lãi suất liên ngân hàng diễn biến 2 tuần đầu tháng 6 tiếp tục giảm mạnh so với hai tuần trước. Tuy nhiên, theo UBGSTC, việc giảm là do thanh khoản hệ thống được hỗ trợ thêm do tiền gửi của Kho bạc nhà nước tại các ngân hàng tăng trong bối cảnh giải ngân đầu tư ngân sách chậm.
Cụ thể hơn, từ ngày 1-15/6, NHNN tiếp tục hút ròng với khối lượng giảm mạnh còn 1264 tỷ đồng qua kênh repo, trong khi NHNN không phát hành tín phiếu ở bất kỳ kỳ hạn nào và cũng không có lượng tín phiếu đáo hạn trong thời gian này. Đối với kênh repo, NHNN đã bơm 726 tỷ đồng trong khi lượng vốn đáo hạn là 1990 tỷ đồng. Không có tín phiếu đáo hạn trong thời gian này.
“Theo như chúng tôi dự báo, quy mô hút ròng đã giảm mạnh và có khả năng duy trì trong thời gian tới do tính dư thừa có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Mặc dù lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong hai tuần qua do hiệu ứng KBNN gửi tiền trong hệ thống do vấn đề tiến độ giải ngân vốn bị chậm”.
“Tuy nhiên, tình hình này sẽ khó diễn ra trong trung và dài hạn do nhu cầu vốn ở các ngân hàng vẫn cao mặc dù trong tháng 5 tỷ lệ cho vay/huy động ở các TCTD này đã giảm nhẹ từ 88% trong tháng 4 xuống còn 87%. Số lượng ngân hàng tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn trung và dài hạn (0.1 -0.2%/năm) tiếp tục tăng”, Bản tin tiền tệ SSI nhận định.
Cụ thể, nhìn lại trung tuần tháng 6 này, số lượng ngân hàng tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn trung và dài hạn (0.1 -0.2%/năm) tiếp tục tăng. Đơn cử, từ ngày 8/6, Sacombank áp dụng mức tăng này đối với kỳ hạn từ 15 -36 tháng, Eximbank cũng điều chỉnh tăng ở một số kỳ hạn từ 24-36 tháng với lãi suất cao nhất 8%, Bắc Á tăng thêm 0.1 - 0.15%/năm đối với kỳ hạn 6 -36 tháng, NCB tăng 0.6% đối với kỳ hạn 9 tháng lên 7.3% năm.
“Động thái này của các ngân hàng là để cải thiện chỉ số cho vay ngắn hạn/huy động trung và dài hạn trong khi vẫn chịu áp lực tăng tín dụng đối với nền kinh tế theo thông tư 12”, một chuyên gia tài chính nhận xét.
Cập nhật bức tranh tiền tệ cho thấy, mức lãi suất cho vay tiếp tục giữ nguyên so với 2 tuần trước, duy trì phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, vay sản xuất kinh doanh thông thường ngắn hạn là 6.68- 9.35% và trung và dài hạn là 9.3-11%/năm.
“Chúng tôi cho rằng lãi suất cho vay sẽ khó tăng trong ngắn hạn do ưu tiên chính phủ vẫn tập trung vào kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, lạm phát vẫn còn nhiều rủi ro tăng trong hai quý cuối năm và lãi suất huy động trung và dài hạn ở các ngân hàng có xu hướng nhích nhẹ trong thời gian vừa rồi sẽ khiến lãi suất cho vay có xu hướng tăng nhẹ trong trung và dài hạn”, bản tin thị trường nợ MBS phân tích.
Lãi suất USD ảnh hưởng từ FED
Ngày 15/6, FED tăng lãi suất cơ bản thêm 0.25 điểm phần trăm lên khoảng 1-1.25%, chúng tôi cho rằng lãi suất huy động USD sẽ tăng trong thời gian tới, hiện tại lãi suất huy động USD vẫn đang ở mức 0%. Tỷ giá trung tâm VND/USD trung bình tiếp tục tăng 24 đồng lên mức trung bình 23,076 so với hai tuần trước. Tỷ giá tại giao dịch các NHTM ở mức 22,662 (giảm 3 đồng so với hai tuần trước). Từ ngày 1-15/6, tỷ giá trung tâm VND/USD tiếp tục chịu sức ép, tăng 24 đồng lên mức trung bình 23,076 so với hai tuần trước.
Theo TCTK, ước tính hết tháng 5, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt gần 2.7 tỷ USD. Đồng đô la Mỹ tiếp tục chịu sức ép giảm giá mặc dù nhiều tín hiệu kinh tế lạc quan và dự kiến của FED tăng lãi suất tháng 6 (chỉ riêng trong tháng 5, chỉ số ICE USD đã giảm từ 98.8 xuống còn 97.2).
“Xét về cán cân thanh toán thì nhập siêu thương mại đạt 2.7 tỷ đô la Mỹ tiếp tục là một sức ép lớn đối với đồng VND tuy nhiên những dấu hiệu tích cực của dòng vốn FII và FDI tăng trưởng tốt tiếp tục hỗ trợ tỷ giá. Mặc dù FED đã có những tín hiệu sẽ tăng lãi suất trong tháng 6, tuy nhiên theo UBGSTC thì đồng VND hiện tại vẫn được nắm giữ nhiều hơn do lãi suất VND vẫn tốt hơn USD và việc tăng lãi suất của FED sẽ không gây áp lực nhiều lên tỷ giá VND/USD”, Nhóm phân tích MBS khẳng định.
CPI tháng 5/2017 đã giảm 0.53% so với tháng trước, và tăng 3.19% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0.37% so với tháng 12 năm trước. CPI bình quân năm tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 4.47%. Giới phân tích nhận định: CPI có thể tăng nhẹ do yếu tố giảm giá thực phẩm chỉ mang tính thời điểm trong khi ảnh hưởng của việc tăng giá cả dịch vụ y tế và giá điện nước sinh hoạt tiếp tục tăng trong mùa hè, tạo áp lực tăng lạm phát trong trung và dài hạn.