Lại kể chuyện nông nghiệp hữu cơ

TP - Chưa bao giờ xã hội quan tâm khái niệm “nông nghiệp hữu cơ” như bây giờ, trào lưu sản xuất nông sản xanh-sạch đã lan tỏa trên nhiều tỉnh thành cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh sự nhập cuộc mạnh mẽ của những doanh nghiệp lớn, nhiều người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ vẫn vướng nhiều trở ngại.
Rau quả hữu cơ rất ngon lành.

Ngày cuối năm 2017, trò chuyện với Tiền Phong, tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng (nhân vật 14 năm trước báo Tiền Phong đã giới thiệu trong bài “Người lập vườn rau hữu cơ đầu tiên ở Việt Nam”) cho biết ông vừa hoàn tất nhiệm vụ tham gia tổ tư vấn dự thảo Nghị định sản xuất Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) của Chính phủ. “Đây chính là lúc cả nước cần có lực lượng sản xuất đông đảo, thực hiện đúng các tiêu chí nghiêm ngặt của IFOAM (Hiệp hội NNHC Quốc tế), tạo ra nguồn sản phẩm hữu cơ lớn và ổn định, đủ phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông nói.

Nhu cầu ăn sạch

NNHC thời nay - theo IFOAM, là quy trình chăn nuôi, trồng trọt không sử dụng hoặc để bị lây nhiễm bất kỳ hóa chất độc hại nào, để thiên địch tự đối kháng đẩy lùi sâu bệnh, không dùng giống biến đổi gen mà vẫn bảo đảm năng suất và chất lượng cao, sinh thái cân bằng, tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng.

Sau nhiều thập kỷ con người lạm dụng hóa chất và phân bón vô cơ, tự hủy hoại sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường sống, cái giá phải trả quá đắt. Con số 94.000 người Việt chết do ung thư mỗi năm do Giám đốc Bệnh viện K trung ương chia sẻ bên lề hội nghị quốc tế về kiểm soát ung thư tháng 11/2017 tại Hà Nội, khiến công chúng thấy càng phải được “ăn sạch”, “uống sạch”, ngăn ngừa nguy cơ bệnh tật đến từ thực phẩm bẩn.

Phát biểu trước Diễn đàn quốc tế NNHC lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam ngày 16/12/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói phải thúc đẩy cả cộng đồng cùng cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường, theo hướng “toàn dân phải được dùng sản phẩm hữu cơ!”. Trước đó Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT mời các chuyên gia góp ý cho dự thảo Nghị định sản xuất NNHC.

Mấy năm qua, địa phương nào cũng có những người muốn làm NNHC, nhưng hàng hữu cơ thật cứ bị lẫn lộn, nhập nhèm giữa vô số thứ gắn đủ loại nhãn sạch, hữu cơ tự phong, giá rẻ hơn hẳn, nên chẳng bao lâu đã sập tiệm. Có thể nói: đây không phải là “sân chơi” của “con nhà nghèo”.

Một trong những người tiên phong hướng dẫn làm NNHC tại Đắk Lắk từ năm 2008 là ông Motoosa Katayama. Gần 10 năm trước, khi còn đang giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội đào tạo phi lợi nhuận Nhật Bản, ông Motoosa được lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cấp phép đặt một cơ sở đào tạo NNHC tại TP Buôn Ma Thuột. Ông thuê 5 ha đất, nhận phiên dịch và hàng chục lao động, mở các lớp tập huấn miễn phí, xén dần khoản tiền tiết kiệm tích cóp cả đời để trang trải, bù lỗ cho hoạt động của công ty.

Phần tuổi cao, phần “đứt vốn”, mới đây ông đã giao trang trại lại cho một đồng hương trẻ tuổi là anh Takano Motoyuki. Cộng sự khác của ông là anh Nguyễn Hoàng Anh tách ra mở trang trại gần đó, lập website goorganic.vn chuyên phân phối nông sản hữu cơ. Cách làm NNHC của ông Motoosa Katayama đã tác động đến nhiều chủ trang trại quanh vùng. Trong đó có tổ hợp nông trại rộng 20 ha dưới chân núi Cư Blim, soi xuống mặt hồ Ea Kao của bộ tứ nông dân Tiệp-Dần-Văn-Cầu chuyên nuôi gà Đông Tảo, dê lai sạch, vườn tiêu phủ cỏ đậu xanh biếc như nhung theo hướng cân bằng sinh thái. Sắp đón khách du lịch thì nghe tỉnh thông báo hơn 200 ha khu vực này sẽ bị thu hồi cho... dự án sân golf.

Vườn tiêu thâm canh theo lối nông nghiệp hữu cơ dưới chân núi Cư Blim.

Một trăm tỷ đồng không phải là nhỏ, nhưng dốc hết khoản tiền đó vào sản xuất gạo hữu cơ với thương hiệu Hoa Sữa Food ở Cà Mau, doanh nhân Võ Minh Khải (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú) thấy vẫn chỉ như “đá ném ao bèo”, mà việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tái cơ cấu sản xuất lại vô cùng khó khăn.

317 ha đất hoang hơn 10 năm trước ông nhận từ tỉnh Cà Mau, nay đã thành trang trại được cấp các chứng nhận NNHC theo chuẩn Âu-Mỹ cho 200 ha lúa và các loại thủy sản, rau quả khác. Năng suất lúa giàu dinh dưỡng của Hoa Sữa Food ban đầu 5 tạ, nay đã lên 2,5 tấn/ha/vụ, không đủ xuất khẩu.

“25 năm xuôi ngược thương trường, tôi hiểu thị trường cần gì, nên đã tiên phong làm NNHC. Mong nhà nước sớm có chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ những người làm NNHC góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng”- ông Khải nói.

Trang trại Organik Đà Lạt của Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng có những thời điểm sản xuất được tới 150 loại rau, củ, quả hữu cơ cung ứng cho chuỗi nhà hàng, siêu thị. Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn tái đầu tư và giúp cách ly vùng ô nhiễm của ông chờ mãi vẫn không được đáp ứng. Ông Hùng chia sẻ: Không nên để nông dân vừa chú tâm sản xuất, vừa lo cả chuyện bán hàng. Hy vọng Chính phủ kiến tạo sẽ sớm xử lý được vấn đề, bằng cách Nhà nước chuyên định hướng sản xuất, cung ứng công nghệ, tổ chức thị trường để bảo đảm đầu ra hàng hóa cho nông dân, như Malaysia, Thái Lan, Hà Lan, Pháp, Mỹ, Các tiểu vương quốc Ả rập đã làm được từ lâu.

Bức tranh NNHC ở Việt Nam đã có thêm những mảng màu đậm, giá trị xuất khẩu cao vọt, khi các doanh nghiệp lớn nhập cuộc, đầu tư với nguồn vốn hàng tỷ đô la, được chứng nhận sản xuất hữu cơ đáp ứng các tiêu chí quốc tế.

Việc Vinamilk, rồi TH True Milk đầu tư xây dựng những trang trại bò sữa đạt chuẩn organic châu Âu, đã ghi danh Việt Nam vào bản đồ những quốc gia sản xuất sữa hữu cơ trên toàn cầu. Tập đoàn TTC tiên phong làm NNHC trong ngành mía đường ở Tây Ninh, rồi góp vốn cùng Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre sản xuất nước dừa đóng hộp hữu cơ, xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia trên thế giới. Tiếp đến, là trái cây sấy xuất khẩu của Công ty cổ phần Vinamit; gạo organic xuất sang Pháp của công ty Trung An, Cần Thơ... 

Với các trang trại chuyên canh rau và dược liệu được Control Union cấp chứng nhận hữu cơ, TH True Milk đã ra mắt nhiều sản phẩm mang thương hiệu TH tại thị trường Mỹ, ra mắt các thức uống dược liệu TH ở thị trường Việt Nam. DN này vừa được vinh danh sản phẩm xuất sắc cho sữa hữu cơ trong Triển lãm thực phẩm quốc tế 2017 tại Liên bang Nga. Dự kiến năm 2018, tập đoàn TH mở rộng diện tích NNHC hàng trăm hecta ở Nghệ An, Thái Bình, Hà Giang, Sơn La...

Nhập nhèm chứng nhận

Theo thống kê của IFOAM, Việt Nam chỉ mới có bộ tiêu chuẩn PGS do Hội NNHC Việt Nam ban hành, chưa được pháp luật công nhận. Các doanh nghiệp muốn có chứng chỉ NNHC đều phải tìm đến các tổ chức chứng nhận NNHC Quốc tế như USDA -Bộ chứng nhận NNHC Hoa Kỳ, EU-Tiêu chuẩn liên minh châu Âu, JAS- tiêu chuẩn Nhật Bản.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng cho rằng nếu biết cách, chi phí để được cấp chứng chỉ NNHC là “chấp nhận được”. Doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về quy trình sản xuất trước khi mời những tổ chức chứng nhận NNHC độc lập từ Mỹ, Nhật hoặc châu Âu sang thanh tra, lấy mẫu gửi sang Đức phân tích trong gần 1 tháng. Nếu sản phẩm không có dư lượng nào trong 255 chỉ tiêu hóa học thì sẽ được cấp chứng nhận hữu cơ có giá trị 1 năm. Chi phí cho chứng nhận tùy năng suất và quy mô trang trại, có thể tăng giá thành bình quân từ 1.000đ-1.500 đồng/kg sản phẩm. Bù lai, sản phẩm bán được giá cao gấp đôi, gấp ba so với nông sản thông thường.

Thế nhưng, mạng xã hội vẫn xuất hiện không ít tổ chức tự xưng nhập nhèm, kiểu “Đơn vị cấp chứng nhận thực phẩm tiêu chuẩn hữu cơ trọn gói”. Phóng viên thử gọi vào một số điện thoại của “Phòng chứng nhận hữu cơ cấp quốc gia”. Cô trực máy khi biết người thắc mắc là nhà báo, vội vã giải thích chúng em chỉ là đơn vị tư vấn, “chắc đứa lập web đã chọn tên nhầm” (!)

“Năm 2018 sẽ có nghị định về NNHC. Hiện dự thảo nghị định đã được Bộ Tư pháp thẩm định, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành trong tháng 1/2018. Sau đó, Bộ sẽ xây dựng “Đề án về nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam”, làm cơ sở pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia phát triển NNHC, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tiến tới xử lý dứt điểm tình trạng “loạn” thực phẩm NNHC khiến người tiêu dùng lo lắng”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam