Bạn đọc Lê Kim Long (ĐH Swinburne, Úc) viết rằng “Đáng lo ngại hơn là tình trạng nhiều bạn sau một thời gian học tập ở nước ngoài dần quên tiếng Việt, không thể diễn đạt trọn vẹn một câu mà không chèn tiếng Anh”.
Đúng là đáng lo thật vì đang có nhiều vạn du học sinh Việt Nam đang ở nước ngoài. Khi về nước, nếu một bộ phận đáng kể của giới có thể nói là tinh hoa này nói thứ tiếng Việt lổn nhổn từ ngoại quốc thì sẽ là một hình mẫu tai hại cho nền quốc ngữ và văn hoá dân tộc.
Nhưng dù sao, đối tượng này ở một khía cạnh nào đó còn tương đối có thể cảm thông vì sống trong môi trường ngôn ngữ khác, chỉ cần cái gốc tiếng mẹ đẻ, cái gốc văn hoá dân tộc không vững một chút là ngôn ngữ xôi đỗ tiếng nước ngoài ngay, dù người đó không có ý thức làm thế.
Trớ trêu và đáng trách hơn là rất nhiều, rất nhiều người chẳng du học đâu, thậm chí cả đời chưa từng nói chuyện với ông tây bà đầm nào cũng vẫn nói những câu đại loại: “Weekend tao đi shopping, để tao show cho mày xem cái áo tao bought” (Cuối tuần tao đi mua sắm, để tao cho mày xem cái áo tao mua được).
Đành rằng trong thời buổi hội nhập hiện nay, việc các ngôn ngữ mạnh ảnh hưởng và xâm nhập vào các ngôn ngữ khác là không thể tránh khỏi. Và bản thân ngôn ngữ vốn là một hiện tượng sống động, không phải bất biến và luôn tiếp thu hấp thụ các yếu tố mới, kể cả ngoại lai. Nhưng không có lý do gì để xưng xưng dùng các yếu tố ngôn ngữ nước ngoài mà tiếng mẹ đẻ cũng đã có sẵn và cũng tiện dụng không kém.
Chỉ có khinh thường tiếng mẹ đẻ lắm mới có thể làm như vậy (điều kệch cỡm là có một số người dùng kiểu nói này trong giao tiếp với cả những người không hề biết ngoại ngữ!). Ở đây có thể bản chất vấn đề gắn với cái phông văn hoá. Một thực tế là những người trình độ cao và rất giỏi tiếng nước ngoài lại hay nói bằng thứ tiếng mẹ đẻ sạch.
“Chém cha không bằng pha tiếng”, câu răn của các cụ xưa cứ như đặt ra để dành cho chuyện này vậy.