Trong quá trình tiếp cận các nhân vật và bản số hóa của tư liệu, báo Tiền Phong ghi nhận nhiều câu chuyện cảm động về hành trình xác minh thông tin, trao trả kỷ vật cho gia đình liệt sĩ và cựu chiến binh thông qua loạt bài “Kỷ vật chiến tranh về Việt Nam từ nửa vòng trái đất”.
Bài 1: Gần 3 triệu trang tư liệu từ chiến trường
Hầu hết thân nhân liệt sĩ và ngay cả những cựu chiến binh trở về sau kháng chiến chống Mỹ không ngờ rằng những tài liệu, kỷ vật quý giá của họ và người thân đang được lưu giữ ở bên kia bán cầu. Hành trình trở về của hàng trăm nghìn di vật, kỷ vật thời chiến được thắp thêm hy vọng nhờ bản thỏa thuận hợp tác giữa tổ chức Trái tim người lính Việt Nam và Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ tại Đại học Texas (Mỹ). Hai bên đều thực hiện một công việc phi lợi nhuận cao cả.
Tài liệu ít ai ngờ tới
Sau chiến tranh, hàng vạn cuốn sổ tay, nhật ký, thư tay, vật dụng cá nhân… là di vật và kỷ vật của bộ đội ta nằm lại chiến trường. Hầu hết bản gốc đã bị hủy trong thời chiến. Tuy nhiên, nhiều nội dung của các di vật và kỷ vật được Trung tâm Việt Nam và Lưu trữ (VNCA) tại Đại học Texas số hóa dưới dạng vi phim. Cả thảy 2,7 triệu trang tư liệu bằng vi phim đó được đưa vào dự án phi lợi nhuận mang tên Hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam. Những trang tài liệu này chứa nhiều thông tin về các hoạt động quân sự, bao gồm giấy báo tử, danh sách và địa điểm chôn cất liệt sĩ.
Trung tâm VNCA thành lập năm 1989, có nhiệm vụ thu thập và bảo quản các tài liệu, thông tin về chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Trong hơn 30 năm qua, VNCA đã hoàn thành bộ sưu tập thông tin phi chính phủ lớn nhất và toàn diện nhất về chiến tranh tại Việt Nam. Ngày 17/8/2007, trung tâm này trở thành tổ chức đầu tiên của Mỹ ký thỏa thuận trao đổi với Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Việt Nam).
Hầu hết thân nhân và ngay cả những cựu chiến binh trở về sau cuộc chiến không ngờ rằng những tài liệu, kỷ vật quý giá của họ và người thân đang được lưu giữ ở bên kia bán cầu. Hành trình trở về của di vật thời chiến được thắp lên hy vọng nhờ bản thỏa thuận hợp tác giữa tổ chức Trái tim người lính Việt Nam và VNCA, ký kết năm 2023. Tổ chức Trái tim người lính Việt Nam do Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng sáng lập, nhằm tri ân những anh hùng liệt sĩ, người có công với cách mạng.
“Thông qua mạng xã hội, đầu năm 2023, VNCA chủ động liên hệ với tổ chức Trái tim người lính Việt Nam để đặt vấn đề phối hợp trao trả hồ sơ di sản chiến tranh. Chúng tôi sẵn lòng kết nối và hỏi lại điều kiện của phía họ. Đại diện VNCA trả lời đơn giản, mong muốn tổ chức cuộc gặp trực tiếp, công khai để di vật được hoàn trả về đúng người, đúng gia đình liệt sĩ”, Đại tá Đặng Vương Hưng chia sẻ với Tiền Phong.
Theo Tiến sĩ Steve Maxner (Giám đốc VNCA), hai bên cùng phối hợp xử lý, khai thác những hồ sơ di sản chiến tranh Việt Nam đang được lưu giữ tại VNCA một cách hiệu quả. Mục đích cao cả kéo họ lại gần nhau, thiết lập cầu nối để chuyển giao lại hiện vật cho thân nhân các cựu chiến binh, liệt sĩ. Tiến sĩ Steve Maxner khẳng định, hoạt động trao trả kỷ vật góp phần xoa dịu vết thương chiến tranh ở Việt Nam. Đau đáu với những trang hồ sơ chứng tích chiến tranh Việt Nam, TS. Steve Maxner nhiều năm nay làm việc không có ngày nghỉ.
Trao trả một phần di sản
Lần trao trả đầu tiên tổ chức tháng 6/2023, bản chụp vi phim 5 cuốn nhật ký và 30 lá thư của gần 10 liệt sĩ được gửi lại cho các gia đình. Sự kiện trao trả lần hai, diễn ra sau đó đúng một năm, 30 cuốn sổ tay, 10 lá thư thời chiến đã trở về bên 12 gia đình liệt sĩ. Đặc biệt có hai trường hợp, chủ nhân của kỷ vật còn sống. Đó là thương binh Đỗ Xuân Thuyên tại Thái Bình, thương binh Nguyễn Tiến Đồng tại Hà Tĩnh.
Để có gần 100 hồ sơ trao trả thành công trong suốt hai năm qua, TS Alex Thái (Đại học Texas) làm việc cật lực nhiều tháng trời, đọc và xử lý hàng vạn trang tài liệu được phóng to từ vi phim. Nhiều tài liệu trong số đó đã nhòe mờ, thậm chí mất chữ… Vừa diễn đạt, tóm tắt nội dung hồ sơ, TS Alex Thái đồng thời tìm kiếm, đối chiếu, xác minh địa chỉ, tọa độ trên bản đồ và nhân thân của liệt sĩ.
“Công việc này không mang lại lợi nhuận, nhưng đây là việc cần làm. Ban đầu, mục đích của VNCA là chuyển các tư liệu thành vi phim để phục vụ mục đích nghiên cứu. Sau này, những tài liệu lưu trữ góp phần quan trọng trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và hàn gắn quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ. Khi vừa bắt tay thực hiện, tôi không dám tin công việc của mình mang lại kết quả”, TS Alex Thái nói.
Để tìm được đúng thân nhân của liệt sĩ, anh Thái phân tích, hệ thống hóa thông tin trong tài liệu, chủ yếu là thư và nhật ký, quyết định phân công công tác. Từ những manh mối như tên, quê quán, địa chỉ gửi thư, nơi viết thư, phiên hiệu, đơn vị công tác của người viết, thông tin của họ được gửi về tổ chức Trái tim người lính Việt Nam. Thông qua mạng xã hội và đội ngũ cộng tác viên đặc biệt, nhiều gia đình liệt sĩ nhận ra bút tích và kỷ vật của người thân.
“Mỗi lần đọc thư, xem hình ảnh kỷ vật của bộ đội, tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là bức thư của những chàng trai tuổi đôi mươi tham gia chiến đấu. Đôi khi là thư của người chồng gửi cho vợ, ba mẹ gửi về cho các con... Nội dung thư chỉ là những dòng hỏi thăm bình thường, chuyện vụn vặt trong cuộc sống nhưng để lại sự rung cảm lớn. Người lính viết những điều bình dị, trong tâm thế không có ngày trở về. Sự tàn khốc của chiến tranh được cảm nhận thông qua những dòng thư vốn chẳng nhắc đến bom đạn”, TS Alex Thái tâm sự.
Ở chiều ngược lại, khi nhận được những hồ sơ do VNCA (đầu mối là TS Alex Thái) gửi qua thư điện tử, Đại tá Đặng Vương Hưng đọc và biên soạn lại lần nữa để đăng tải thông tin tìm kiếm. Hành trình đưa kỷ vật chiến tranh trở về Việt Nam có không ít câu chuyện xúc động, khó khăn. Có cả những cuộc tìm kiếm tưởng chừng đi vào ngõ cụt. Thế nhưng, theo lời một cộng tác viên đặc biệt của tổ chức Trái tim người lính Việt Nam, dường như có sự run rủi, “đưa đường chỉ lối” của chính chủ nhân những kỷ vật chiến tranh. Mỗi kỷ vật kể một câu chuyện riêng đặc biệt, là minh chứng nhắc nhớ về một thế hệ ra đi không tiếc đời mình. Đó cũng là tài sản vô giá với những người ở lại.
(Còn nữa)
Nhận được lời trăng trối của cha sau gần 60 năm
"Hoa con! Ba đã kiên quyết xin vào tuyến đầu miền Nam để thử thách với gian khổ và ác liệt. Ba đi như vậy vì ba nghĩ không có lúc nào đáng sống hơn giai đoạn đánh Mỹ này. Nếu ba có hy sinh thì đây là lời trăng trối cuối cùng với con"- trích nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Quang Số, vào Nam chiến đấu năm 1967.
Sau gần 60 năm, trong sự kiện trao trả hồ sơ chiến tranh do VNCA và Trái tim người lính Việt Nam tổ chức năm 2024, những lời nhắn nhủ của người cha mới đến được với con gái. Bà Nguyễn Thị Hoa, con gái liệt sĩ Nguyễn Quang Số xúc động chia sẻ, hàng chục năm qua gia đình không có tin tức gì về sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Quang Số. Nay nhờ cuốn nhật ký, gia đình có một tia hy vọng tìm được mộ của ông.