Ngoài những người kinh doanh lớn là số ít, lao động Việt Nam ở Moscow đủ ngành nghề, từ buôn bán quán ăn, rau quả, tới lái xe. Nhiều trong số này hiện chưa có giấy tờ hợp pháp, ở lại Nga nhờ có sự đảm bảo của những người liên quan. Một trường hợp tôi gặp là Tú, năm nay vừa đúng 30 tuổi, đã có 7 năm làm lái xe ở Moscow. Công việc hằng ngày của cậu là đánh hàng cho chủ tới chợ Chim, rồi từ đây hàng được chia đi các nơi.
Ở chợ Chim, ngoài khu sâu nằm sâu nhất, nhiều người Việt nắm các quầy hàng ở khu ngoài, chủ yếu là quần áo. “Hàng trắng” và “hàng đen” là cụm từ người Việt ở đây dùng để chỉ các loại quần áo có nguồn gốc rõ ràng, chịu thuế với hàng do các xưởng may bất hợp pháp cung cấp. “Hàng đen” thì có lãi hơn, nhưng cũng đối diện khả năng bị chính quyền xử phạt rất nặng.
Tú cho biết, cậu đang làm thủ tục để xin cư trú lâu dài ở Nga, một bước tiến lớn đối với những người Việt Nam tại đây. Tú có phần may mắn khi mới đây, cậu được thông báo đủ tiêu chuẩn để hoàn tất giấy tờ cư trú. Có giấy tờ đồng nghĩa được nhận nhiều quyền lợi ở Nga, việc làm ăn thuận lợi hơn, không lo bị kiểm tra.
Nhưng tôi cũng được nghe kể, ngoài chạy xe thì việc làm ăn “phụ” của Tú và một bộ phận thanh niên người Việt ở Moscow là lô đề, cờ bạc hoặc “ôm bóng”. Chính quyền sở tại dường như khá dễ dãi với các hoạt động này, không có ngăn cấm nào với cả người Nga hay lao động nước ngoài.
Người ổn, kẻ lao đao
Sau ngày chợ Vòm cháy, đã nhiều lần ở Moscow rộ lên tin chợ Liu và cả chợ Chim có thể bị dẹp bỏ. Giới tiểu thương Việt không khỏi hoang mang, thấp thỏm. Dù hiện tại công việc kinh doanh vẫn ổn, nhưng nhiều người nói rất lo lắng vì không biết lúc nào có thể rơi vào cảnh bơ vơ.
Ngay cổng ngoài lối vào khu vực kinh doanh của người Việt ở chợ Chim là tiệm cắt tóc của vợ chồng anh Định, quê Bắc Giang. Cả 2 đã làm hơn 10 năm ở Nga. Một thanh niên nói với tôi, tầm 10 năm thì chỉ là “lính mới” với cộng đồng người Việt Moscow. Một cái dở của nhiều người Việt khi sang Nga là lười học tiếng, vì vậy lắm lúc rơi vào tình huống thiệt thòi khi bị chính quyền “sờ” tới, mà việc kinh doanh cũng chậm phát đạt.
Anh Định cho biết, trước đây thu nhập còn tạm ổn, nhưng vài năm trở lại, đặc biệt sau khi Nga bị Mỹ và phương Tây cấm vận, mọi thứ trở nên hết sức khó khăn. Đồng rúp rớt giá, mọi thứ phí đều tăng vọt. Phí đóng cho Ban quản lý tăng mấy lần, lên tới 1.000 USD/tháng.
Phía trái chợ Chim, người Trung Quốc đã mua hẳn một khu xây thành tổ hợp, một nửa buôn bán và một nửa làm căn hộ cho thuê. Giá rất “chát”, khoảng 1.000 USD/tháng cho một căn phòng diện tích khá hẹp. Người Nga gọi là “ki-tai” còn người Việt hay gọi là “ốp đỏ” hay “ốp Tàu đỏ”. Toà nhà rất dễ nhận biết với cổng lớn được sơn màu đỏ chót, thêm 2 chú sư tử to “vật vã” ở lối vào.
Hai vợ chồng anh Định phải chung với nhiều đồng hương thuê một căn ở đây để chia sẻ chi phí, mọi hoạt động gói gọn trong khu vực này, rất ít khi ra ngoài. Ra ngoài có thể không an toàn. Kế bên tiệm cắt tóc của anh Định là một cửa tiệm khác, cũng của người Việt Nam đang làm.
Không bấp bênh như vợ chồng anh Định, một cửa hàng bán đồ ăn khác ngay sát “ốp Tàu”, công việc kinh doanh khá ổn. Cửa hàng rộng rãi, sạch sẽ, bán nhiều đồ ăn phục vụ người Việt Nam. Bát phở ở đây độ 100.000 đồng tiền Việt.
Tôi thực sự ái ngại khi nghĩ tới cảnh 2 vợ chồng phải bươn chải kiếm sống, đóng đủ thứ phí để được ở lại Nga làm việc, thường trực mối lo có thể mất việc bất kỳ lúc nào. Họ không có quyền quyết định tương lai của mình ở đây, dù vẫn cần cù lao động mỗi ngày. Một quyết định của chính quyền nước bạn có thể khiến nhiều lao động Việt Nam xa xứ bị đẩy vào cảnh lao đao, dù hiện giờ đã vô cùng vất vả.
Người ta sinh ra, ắt ít ai muốn rời xa nơi quê cha đất tổ, phải bươn bả kiếm sống ở nơi xa. Người Việt xa quê có lẽ cũng phần nhiều như vậy.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.