Có 2 thứ hôm qua được nhắc tới nhiều nhất ở Saint Petersburg, đó là bóng đá và lễ hội “Cánh buồm đỏ thắm”. Chính xác hơn thì sau nhiều ngày ăn ngủ với trái bóng, lần đầu tiên tại Saint Petersburg có một thứ khiến dân chúng và cả cánh du khách nước ngoài hào hứng hơn các trận đấu của World Cup.
Bóng đá thì chỉ lôi cuốn các CĐV, còn lễ hội hôm qua, diễn ra trên sông Neva, thì thu hút gần như toàn bộ khách du lịch ở Saint Petersburg. Cụ bà Renate, 60 tuổi, đã dành suốt 2 tháng vừa qua để đi qua nhiều thành phố của cả Đức và Nga, rồi dừng chân lại Saint Petersburg chỉ để được một lần ngắm cánh buồm đỏ trong câu chuyện cổ tích của Alexander Grin. “Ở đây mọi thứ đều đẹp, tôi đã nghe nhiều về nước Nga nhưng giữa thực tế và những gì trên báo rất khác nhau. Tôi sẽ ở lại đây hết ngày mai, xem lễ hội trước khi trở về Dusselfdorf thăm con gái”-bà Renate nói với tôi, khi gặp nhau tại một khách sạn ngày đầu tới Saint Petersburg. Nói khách sạn nhưng đây là một dạng nhà cho thuê trọ kiểu “dorm”. Tôi đã phải chuyển tới nơi khác vì không đặt phòng trước, còn bà Renate ở lại.
Lễ hội diễn ra lúc nửa đêm, dù rằng thời điểm này ở Saint Petersburg, thật khó gọi đó là đêm. Quá 23h nhưng trời vẫn sáng trắng. Từ khi đặt chân tới Nga, chúng tôi đã quen với những đêm trắng, từ Moscow tới Kazan hay Saint Petersburg.
Chập chiều, cảnh sát đã bắt đầu lập hàng rào chắn cấm đường, bao quanh khu vực Vườn mùa hè và cầu Trinity. Cây cầu nổi tiếng trên dòng Neva luôn thu hút rất đông khách du lịch. Tôi đã hẹn dăm người bạn Việt Nam để cùng đi xem hội. Thật chẳng mấy khi được chứng kiến một lễ hội lớn như vậy ở Saint Petersburg. Mỗi năm có hàng triệu du khách tới đây vào dịp này.
Dù đã hẹn nhau đến sớm để “giành chỗ”, chúng tôi vẫn phải bất ngờ với lượng người đông tới vậy. Tất cả chen nhau để có thể tiến sát ra bờ sông. Mọi ngả đường vào khu vực chính đều bị cấm. Chúng tôi đã thất bại với nỗ lực năn nỉ các cảnh sát đứng tại một trạm chốt gần khu vực Fan Fest. “Các anh phải có vé mới được vào. Ở đây chỉ ưu tiên cho các sinh viên tốt nghiệp”-Andrei, một cảnh sát ở đây nói. Nhưng vé không bán cho du khách!
Mất hơn 1 tiếng theo hướng dẫn của Andrei, chúng tôi mới tới được bờ sông Neva, nhưng xuống xa phía Cung điện mùa đông. Ngay tại đây, cũng phải rất vất vả, cả nhóm mới tìm được chỗ đứng tạm ổn để ngắm lễ hội. “Trâu chậm uống nước đục”, đành hài lòng với vị trí của mình. Thích nhất có lẽ là những người có nhà ở hai bên bờ sông khu vực trên, khi đó ban công hoặc cửa sổ là điểm ngắm lễ hội lý tưởng. 0h30, chân tôi đã mỏi nhừ, trong khi xung quanh, các thanh niên Nga liên tục nhảy, ca hát. Một chàng trai trẻ ôm cây đàn guitar, chơi một bài hát tiếng Nga sôi động. Thế là tất cả cùng nhảy múa, cùng hoà chung điệu hát. Những cặp đôi tranh thủ ôm nhau.
Khi tất cả đã bắt đầu sốt ruột, hai phía cầu Trinity và pháo đài Peter and Paul, những tràng pháo hoa chợt nảy lên. Tưng bừng, đầy màu sắc rực rỡ. Đám đông lập tức náo động trong tiếng reo hò. Xa xa từ phía cầu Trinity, con thuyền với những cánh buồm đỏ thắm dần tiến tới, rồi xuất hiện trong sự hứng khởi cao độ của những người trên bờ. Pháo hoa liên tục bắn lên không, thuyền di chuyển chậm dọc bờ sông để tất cả cùng được thưởng thức.
Lễ hội “Cánh buồm đỏ thắm” bắt đầu được tổ chức từ năm 2006, luôn cùng ngày với ngày tốt nghiệp của sinh viên Nga. Đây được xem là món quà dành cho những tân cử nhân, những người chủ tương lai của nước Nga. Lễ hội được lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích “Cánh buồm đỏ thắm” của Grin, kể câu chuyện của một cô bé với giấc mơ về chàng hoàng tử tuyệt vời với cánh buồm đỏ thắm.
Ngày hôm qua, các sinh viên ở Saint Petersburg đã diện những trang phục lễ hội đẹp nhất, tất cả đều xinh đẹp, rạng rỡ để tham dự lễ hội. Khu Vườn mùa hè đã ra thông báo mở cửa tới 23h đêm từ ngày 22-26/7, vừa để phục vụ lễ hội và cũng vì trong dịp này, khách du lịch luôn rất đông.
Tan cuộc, hàng nghìn người từ bờ sông đổ về các quán cà phê, quán bar ở khu vực xung quanh. Số khác tiếp tục các màn hát hò, nhảy múa ở khu vực quảng trường Konyushennaya. Hơn 2h sáng, tôi trở về tới phòng trọ với nỗi e ngại có thể làm phiền 2 người bạn Brazil cùng phòng vì cảnh đi hôm về khuya. Nhưng phòng trống, hoá ra tôi là người về sớm nhất.