Ký sự Caribe - Nam Mỹ: Argentina - bông hoa thép, khu phố sắc màu và quán phở Việt

TP - Những chuyện dưới đây tạo ra vẻ đẹp rất riêng của thủ đô Argentina và để lại trong tôi những ấn tượng đậm nét.

Bông hoa thép biểu tượng cho hi vọng tái sinh

Hôm đó ở Buenos Aires, đến chiêm ngưỡng bông hoa khổng lồ làm từ thép và nhôm nặng 18 tấn, cao 23 mét ở một trong những công viên lớn nhất của thành phố, người mà tôi đi cùng là một cán bộ cao cấp ngắm công trình nghệ thuật độc đáo, nhìn bao quát toàn bộ công viên rồi trầm ngâm nói: Câu hỏi đặt ra là tại sao đất nước mình lại không làm được những công viên đẹp như thế này?!

Bông hoa thép Floralis Genérica trong công viên

Trong đầu tôi loáng loáng điểm qua những công viên của nước mình và phải thừa nhận câu hỏi-cảm thán trên là đúng.

Một không gian rộng lớn đủ tạo sự sảng khoái và khoát hoạt cho tầm nhìn, những lối đi được sắp xếp hợp lý nổi bật trên thảm cỏ xanh mướt. Vành đai cây bao quanh, trong công viên điểm xuyết những cây xanh, trong đó có những cây Palo Borracho đang mùa hoa đỏ. Và ở chính giữa, như trái tim của công viên, nổi bật lên bông hoa làm bằng thép và nhôm lấp lánh ánh mặt trời giữa một hồ nước nhỏ (được biết, ngoài việc tạo cảnh quan, hồ nước còn làm chức năng bảo vệ bông hoa khi nó khiến không ai có thể tiếp cận quá gần công trình – tác phẩm đặc biệt này).

Bông hoa này có tên là Floralis Genérica là tác phẩm của kiến trúc sư nổi tiếng Eduardo Catalano, được hoàn thành từ năm 2002. Bông hoa này có 6 cánh, làm bằng thép không gỉ, đặt trên trụ bê tông cốt thép, khung nhôm. Điều độc đáo là các cánh hoa có thể mở ra khép lại tuỳ theo cường độ của ánh sáng mặt trời nhờ một hệ thống thủy lực dùng động cơ điện được một cảm biến quang điện điều khiển. Nghĩa là bông hoa sẽ khép lại vào ban đêm và mở dần ra vào buổi sáng, nở cực đại vào ban trưa và dần khép lại khi trời ngả chiều, đóng hẳn cánh lại khi trời tối. Khi nở rộng nhất, đường kính bông hoa là 32 mét.

Lúc đầu tôi nhầm, nghĩ bông hoa này chính là hoa Palo Borracho thấy nở nhiều và rất đẹp của thủ đô Argentina nhưng sau đọc trên mạng mới biết thực ra sáng tạo của kiến trúc sư Catalano, như chính ông từng giải thích, là sự tổng hợp của tất cả các loài hoa. Ý tưởng cho tác phẩm điêu khắc này đến với ông vào một buổi tối mùa hè khi ông ngắm một bông hoa dâm bụt khép lại trong đêm. Và ông nghĩ phải tạo ra một công trình biểu tượng cho thành phố. Bông hoa nở, khép cánh mỗi ngày như là niềm hy vọng tái sinh.

Màu sắc tạo nên sự khác biệt

Những ngôi nhà sơn sặc sỡ ở La Boca

Thả bộ ở La Boca, một khu phố ở rìa thành phố Buenos Aires, tôi luôn có được cái cảm giác vui tươi. Cảm giác đó đến từ sắc màu đa dạng, sặc sỡ của tất cả các ngôi nhà, các đồ vật trên đường. Đi vào đây, ta tưởng như lạc vào thế giới của những họa sĩ của trường phái ấn tượng. La Boca được liệt vào danh sách những địa danh màu sắc sặc sỡ nhất thế giới cùng với khu Balat ở thủ đô Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), thành phố St. John’s, Newfoundland (Canada), đảo Burano (Ý), khu Bo-Kaap ở Cape Town (Nam Phi), thành phố Willemstad - thủ phủ của Curacao ở Caribe…

Một du khách thuê cô người mẫu tạo dáng cùng để chụp ảnh lưu niệm

Tất cả các ngôi nhà, các bức tường đều được sơn bằng nhiều màu, thường là các màu tươi như đỏ, vàng, xanh, tím… Thêm vào đó là các hình vẽ, hình nộm, hình nhái các nhân vật nổi tiếng như Maradona, Messi, thậm chí cả Giáo hoàng với tạo hình hài hước, vui nhộn và người ta có thể đứng vào chụp ảnh cùng. Các cửa hàng, cửa hiệu, nhà hàng, quán xá trong khu đều chung một tinh thần như vậy. Đây thực sự là một khu phố đi bộ với những đường phố đặc trưng, phố thì bán nhiều thứ hàng lưu niệm, phố để các họa sĩ bày bán tranh, phố ẩm thực... Và thật nhiều chỗ để khách có thể chụp những bức ảnh lưu niệm bắt mắt.

Đặc biệt, ở đây còn có cả các cô người mẫu ăn mặc đẹp để các khách nam có thể thuê cùng tạo hình trong một vũ điệu tăng gô hay một tư thế gợi cảm để ghi lại những kiểu ảnh “để đời”. Tuy nhiên, tôi tin rằng đó chỉ giống như là những thứ quà ghém, bởi du khách đến với La Boca trong đầu chỉ có một ý niệm: đến với khu phố sắc màu.

Quán phở ở Buenos Aires

Hình bát phở tạo bằng đèn màu trên cửa kính của quán phở

Anh chàng lái xe người Argentina nói biết một quán ăn Việt Nam và chở chúng tôi đến quán phở mang tên Saigon Noodle Bar tại địa chỉ Marcelo Torcuato de Alvear 818 ở Buenos Aires. Trên ô kính là chữ Phở, bên dưới là hình bát phở với đôi đũa gắp lên những sợi phở trắng tinh nhìn là tôi thấy ưng ngay. Vào trong thì bài trí rất Việt Nam: Những bức tranh, đồ vật trên tường đậm chất Việt hoặc Á đông: những tranh quảng cáo các món phở, bánh mì bằng tiếng Việt, các bức ảnh danh thắng Việt Nam. Rồi thì gạch men trang trí ốp tường viên thì viên có hình rồng, viên hình đầu hổ, trên trần thì đèn lồng. Bàn ghế, bát đũa, lọ tương ớt, miếng chanh cắt tạo khung cảnh rất gần phở.

Trên tường là tấm biển lớn ghi thực đơn, dùng luôn chữ Việt (tôi cứ ghi chính xác như trên bảng): Bùn bo, Bún ga, Bún tom, Bún thit nuòng, Bún xao chay, Banh – mi, Phó bô, Bo luc lac, Thit heo xao gun, Nem… Tôi kinh ngạc thấy trong tủ lạnh của quán có những lon bia nhãn “Viet Cong” không biết sản xuất ở đâu.

Phở trộn trong quán

Đó là kiểu quán bếp mở, tức gian bếp chỉ có bức tường thấp ngăn với phòng ăn, và những gì đầu bếp làm bày ngay ra trước mắt thực khách. Các đầu bếp và phục vụ đều là các chàng trai trẻ người Argentina. Họ làm việc rất chăm chú và bận tíu tít. Chúng tôi 3 người gọi phở bò nước và phở trộn.

Phải đợi khá lâu vì quán đông khách. May hôm đó, trong một nhóm người Việt đặt bàn ăn ở quán có một người sống ở Buenos Aires nên tôi biết thêm là quán này hoàn toàn do người Argentina làm, không có người Việt. Chủ quán đi du lịch Việt Nam, thích ẩm thực Việt nên bỏ công học và về mở quán phở. Ở nơi mà cộng đồng người Việt vô cùng ít người như Argentina thì quán phở như thế này là của hiếm.

Các nhân viên quán phở làm việc rất cố gắng

Người lái xe

Tôi muốn dành đoạn cuối kỳ này để kể về anh chàng lái xe dịch vụ mà tôi cảm mến và chịu ơn rất nhiều vì nếu không có sự nhiệt tình của của anh thì tôi không thể biết được nhiều chuyện trong số những gì tôi kể trong 2 kỳ ký sự liên quan đến Argentina này.

Đến Buenos Aires, Đoàn đại biểu T.Ư Đoàn được cán bộ sứ quán ta giới thiệu cho thuê một chiếc xe dịch vụ để chở đi làm việc và thăm thú. Và anh chàng tài xế tên là Daniel Chof Cronos ăn mặc rất lịch duyệt này (luôn cà vạt, com lê chỉnh chiện có cả gi lê mặc trong) là người đã đi cùng chúng tôi gần trọn 2 ngày. Sự bất đồng ngôn ngữ được anh giải quyết bằng cách sử dụng phần mềm cài trong điện thoại dịch từ tiếng Tây Ban Nha sang tiếng Anh và ngược lại.

Người lái xe cho đoàn rất chuyên nghiệp và tận tâm

Điều tôi bất ngờ là Daniel không chỉ chở chúng tôi đến các địa chỉ cần thiết mà còn luôn đi cùng để hỗ trợ, giúp giao tiếp với người khác và thuyết minh, giới thiệu các địa điểm, di tích, danh thắng (đương nhiên anh giới thiệu có cái đúng, cái sai mà sau tôi phải gạn lọc bằng cách tra cứu trên mạng).

Khi chúng tôi vào cửa hàng, người lái xe không chỉ giúp hỏi giá cả, quy đổi tỷ giá sang đồng đô la để chúng tôi hình dung đắt rẻ mà còn có trường hợp anh kín đáo nháy mắt ra hiệu để khi mặc cả với người bán hàng, chúng tôi ra được quyết định tốt nhất. Khi xong thì anh lại đề nghị được cầm hộ túi đồ vừa mua. Hôm trên quảng trường trước dinh tổng thống, khi tôi muốn biết vì sao người dân lại dựng lều ở đó thì anh nhiệt tình đi tìm chủ nhân của cái lều để hỏi và sau đó giúp chúng tôi giao tiếp với họ.

Kinh ngạc nhất là khi tôi muốn mua chuối mà không có tiền lẻ thì anh rút ví đưa ngay một tờ 100 peso Argentina đủ mua 2 cân chuối chín. Có lần anh phát cho mỗi người một cái bánh gần giống như bánh Chocopie ở ta.

Ngoài một số người Argentina mà chúng tôi tiếp xúc trong các cuộc làm việc chính thức thì anh chàng lái xe là người dân bình thường duy nhất mà chúng tôi có dịp tiếp xúc hơi sâu. Và thành thực mà nói, tuy bất đồng ngôn ngữ không nói chuyện được nhiều nhưng anh để lại những ấn tượng rất khó quên.