Kỷ niệm ngày 20/11: Bài ca sư phạm

TPO - Bước vào nghề dạy học, từ ý thức và tình cảm, tôi đã xác định phải là một giáo viên tốt vì học sinh, vì những con người trẻ tuổi như tôi ngày xưa cũng từng được các thầy cô yêu mến, dạy dỗ và khích lệ. 
Nhà giáo ưu tú, nhà thơ Đặng Hiển tại buổi giới thiệu tập thơ Mái trường mến yêu

Tôi còn nhớ năm 1955 học lớp 11, một hôm giờ ra chơi đang đứng dưới loa trường nghe hát bài hát của Nam Dương (Indonesia), tự nhiên tôi cảm hứng ngân lên trong lòng những vần thơ: "Tôi nghe bài hát Nam Dương / Như nghe tiếng sóng trùng dương vọng vào / Dừa xanh trong gió rì rào / Lời ca bạn hát vút vào không xanh / Chim trời vỗ cánh bay nhanh / Nước non nghìn đảo lượn quanh trăm vòng / Tôi nghe tiếng hát trầm hùng / Biết dân tộc ấy đã vùng đứng lên / Ngày ngày biển giục chân lên  / Đêm đêm biển lại êm đềm hát ru / Giữa đường Hà Nội ban trưa / Tưởng như đang đứng bên bờ biển xanh". Tôi chép vội bài thơ vào tờ giấy rồi đem lên văn phòng tặng thầy. Thầy dạy văn bắt tay tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: "Em sẽ trở thành một nhà thơ". Từ đó thầy cho tôi mượn sách, khuyến khích tôi sáng tác bằng những hoạt động ngoại khóa, những cuộc thi sáng tác và trước nhất, bằng những lời giảng tuyệt với của thầy. Và đúng như thầy đã tiên đoán, tôi đã trở thành một nhà thơ, một nhà giáo tốt, nhưng tôi được như thế là nhờ thầy, nhờ các thầy đã ươm mầm và nêu gương.

Lên đại học, vào ngành văn, tôi đã được đọc, được học Bài ca sư phạm của Makarencô và sau khi ra dạy, lại được đọc Người kỹ sư tâm hồn, truyện ký của Bôrix Tarơtacốpxki viết về thầy giáo lỗi lạc Xukhômlinxki. Tôi đã học được ở Makarencô, Xukhômlinxki nhiều điều tuyệt vời mà điều cơ bản nhất là lòng yêu con người, tin tưởng ở con người. Tôi tâm đắc câu nói của Makarencô mà sau tôi đã đưa lên làm đề từ cho tập thơ nhà giáo Mái trường mến yêu của tôi: "Dù tôi có gặp khó khăn đến thế nào chăng nữa, cuộc đời tôi hồi đó cũng là một đời sung sướng. Thực khó lòng tả được cái ấn tượng có một không hai của niềm hạnh phúc mà người ta cảm thấy trong một tập thể nhi đồng đã lớn lên cùng với ta, tin tưởng ở ta không bờ bến và cùng ta tiến bước. Trong một tập thể như vậy, ngay đến sự thất bại cũng không phiền muộn, ngay đến nỗi buồn và sự đau đớn cũng được điểm tô một giá trị vô cùng cao quý". (Bài ca sư phạm), Makarencô phụ trách công việc dạy toàn những trẻ không ngoan (nói dối, vô kỷ luật, lười học, hay trốn học và thích gây gổ); bằng tình thương yêu và phương pháp sư phạm của ông, ông đã biến chúng thành những thanh thiếu niên ngoan, những công dân tốt, những người lao động tốt, trong đó có cả những tài năng. Có một chuyện như thế này, nhân phải chuyển một số tiền khá lớn đến một nơi xa, ông đã mạnh dạn giao cho một học sinh lớn tuổi đã có tiền sử không hay làm công việc đó. Kết quả: Cậu ta đã giao đủ số tiền ấy đến nơi cần giao và trở về trường báo cáo với thầy. Phép thử của ông đã thành công. Phép thử lòng yêu tin con người sẽ nâng con người lên, làm con người trở nên tốt hơn.

Không phải ngẫu nhiên mà ông đã đặt tên trường giáo dục trẻ chưa ngoan là trường Gorki - vì với ông Gorki không chỉ là nhà văn mà còn là người thầy dạy cách sống.

Ông phản đối quan điểm cho rằng trẻ em hư hỏng là do di truyền và không thể thay đổi được. Viết đến đây, tôi nhớ đến bài thơ Nửa đêm của Bác Hồ trong Nhật ký trong tù: "Ngủ thì ai cũng như lương thiện / Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ hiền / Hiền dữ phải đâu là tính sẵn / Phần nhiều do giáo dục mà nên".

Makarencô đã đề ra và thực thi phương pháp giáo dục tốt nhất là kết hợp giáo dục với lao động, với sinh hoạt tập thể (rèn thể lực, trí lực…)

Ông còn quan tâm đến giáo dục gia đình, giáo dục của người lớn, ông viết cuốn: "Sách cho những người làm cha mẹ".

Ông nói: "Trẻ em hư hỏng chỉ chứng tỏ rằng thầy giáo đã thất bại mà thôi". Câu này làm tôi nhớ đến câu của Kalinin: "Không có thanh niên xấu, chỉ có giáo dục bất lực".

Ông  tin ở giáo dục, đồng thời yêu cầu cao đối với giáo dục cũng như ông tin ở con người nhưng cũng chỉ ra con người phải được giáo dục. Ông nói: "Muốn có được hoa đẹp phải kịp thời dùng kéo cắt những cành khô hoặc dùng thuốc sát trùng mà tưới cho hoa".

Ông chống lại quan điểm gạt bỏ mọi hình thức kỷ luật, trừng phạt học sinh, nhưng ông quan niệm trừng phạt phải hợp lí, không làm hư hại cho con người và phải nhằm mục tiêu hình thành ở con người ý thức kỷ luật tự giác.

Từ năm 1905 đến năm 1939 (là năm ông mất), ông đã giáo dục được 3.000 thanh thiếu niên học sinh cá biệt thành những công dân tốt, người lao động tốt, cán bộ tốt.

Một điểm nữa trong quan điểm giáo dục của Makarencô là phương pháp giáo dục phải mang tính tập thể, kết hợp hài hòa giữa ý chí giáo viên và nguyện vọng học sinh. Tôi quan niệm đây là cách giáo dục bằng tập thể, trong sinh hoạt tập thể và giáo dục phải mang tính dân chủ, dùng học sinh để giáo dục học sinh và tôn trọng cá nhân học sinh, có phương pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh, không dùng phương pháp "đồng phục" (từ dùng của thời nay) trong giảng dạy và giáo dục.

Một đặc điểm nữa trong tư tưởng giáo dục của ông, mà sau này ta cũng thấy ở Xukhômlinxki, là chủ nghĩa lạc quan, chủ nghĩa lạc quan trong cuộc sống, trong giáo dục. Makarencô quan niệm cuộc sống phải vui tươi. "Nếu người ta không thấy cái gì vui tươi thì người ta không thể sống ở trên đời. Sự kích thích chân chính của cuộc sống của người ta là sự vui sướng của ngày mai. Sự vui sướng ấy của ngày mai là một cái đối tượng chính của kỹ thuật sư phạm".

Cuối cùng là sự đoàn kết thống nhất của tập thể sư phạm trong từng hoạt động giáo dục.

Những điều trên tôi đều ít nhiều thực hiện và trải nghiệm trong 40 năm dạy học. Đơn cử hai trường hợp, một trường hợp thắng lợi, một trường hợp thất bại trong giáo dục.

Trường hợp thứ nhất: Tôi cho các em trong lớp viết hồi ký, sau khi đã hướng dẫn về cách viết như tính chân thực, tính chọn lọc, tính truyền cảm… Qua những trang hồi ký của các em mà tôi biết được những éo le trong hoàn cảnh của từng em và tìm cách gần gũi, giúp đỡ. Ví dụ có em X, bố đánh bạc, hay đánh chửi mẹ em, em Y, mẹ bỏ đi khi em còn bé… Tôi đã gần gũi, động viên, hai em đều yên tâm học tập, em thứ hai trở thành học sinh giỏi toàn quốc, vào thẳng đại học.

Trường hợp thứ hai, một em học giỏi nhưng tính hơi kiêu. Sau khi giành giải nhất kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, em được dự thi toàn quốc. Trong buổi thi toàn quốc, em kê dưới tờ giấy thi một cuốn sách không liên quan đến đề thi nhưng thầy Chủ tịch hội đồng giám thị cứ chất vất, khiển trách em. Em cãi lí, thầy bực mình gọi phó Chủ tịch hội đồng giám thị đến hội ý. Phó Chủ tịch vốn có mâu thuẫn với bố em liền đề nghị hủy bài thi. Em bị đuổi khỏi phòng thi. Khi thi vào đại học, em được điểm cao, thuộc diện đi học nước ngoài, nhưng nhà trường lại phê "bị kỷ luật hủy bài thi học sinh giỏi". Em phải học đại học trong nước và mặc dù học vẫn tốt nhưng mang mối hận trong lòng, sau khi tốt nghiệp cử nhân, không xin được việc, phải làm bảo vệ để mưu sinh. Một lần va chạm với mấy người vào cơ quan, em bị họ đánh trọng thương. Thật là đau xót!

Bây giờ xin chuyển sang nói về thầy giáo lỗi lạc Xukhômlinxki (nguyên mẫu của truyện ký Người kỹ sư tâm hồn của nhà văn Borix Tatơracốpxki).

Xukhômlinxki là thầy giáo dạy phổ thông, sau làm hiệu trưởng, tác giả của cuốn "Tôi hiến dâng trái tim tôi cho trẻ em", một cuốn sách mà chỉ cái tên của nó đã nói lên lí tưởng của ông, cái cốt lõi của phương pháp sư phạm của ông.

Như trên đã nói trong quan điểm sư phạm của Xukhômlinxki có một điểm gần với Makarencô, đó là dạy học là đem lại niềm vui cho con người, có bổ sung thêm: Niềm vui từ vẻ đẹp của con người, của bản thân, của môi trường sống của con người. Kết hợp giáo dục đạo đức và giáo dục thẩm mĩ là một điều đặc biệt trong quan điểm giáo dục của Xukhômlinxki, nó làm tôi nhớ đến một câu nói nổi tiếng của Đốpxtôiepxki: "Cái đẹp cứu rỗi nhân loại" và câu nói có tính dự cảm của M.Gorki: "Mỹ học là đạo đức học của ngày mai".

Xukhômlinxki mở tâm hồn của học sinh ra trước vẻ đẹp của thiên nhiên, thế giới, vũ trụ. Vì thế ông chủ trương phải cho trẻ trải nghiệm trực tiếp trong thiên nhiên, trong công việc cải thiện môi trường xung quanh. (Điều này chúng ta đang thực hiện). Rồi cho các em tiếp cận và cảm thụ vẻ đẹp của các loại hình nghệ thuật, biết lắng nghe từ những âm thanh của tự nhiên như tiếng gió, tiếng lá, đến thưởng thức bức tranh do chính thiên nhiên tự vẽ.

Ông dạy trẻ có ý thức hơn về thế giới nội tâm của mình và người khác, tự phát hiện tài năng tiềm ẩn và tỏa sáng nó để đem lại niềm vui cho người khác.

Đây là quan niệm rất con người, rất hiện thực mà cũng rất nhân đạo.

Là một giáo viên phổ thông, tôi thấy Xukhômlinxki rất gần gũi với mình và tôi học tập ở ông nhiều điều trong mỗi việc làm. Ví dụ tôi rất ít khi làm tổn thương các em mà luôn khơi dậy ở các em niềm tự tin, niềm hứng khởi ở mỗi bước tiến dù nhỏ của mình. Khi có em nào học yếu, không đủ tiêu chuẩn học lớp chuyên, tôi từ chối sự cầu cạnh của gia đình nhưng bố trí cho em sang một lớp phổ thông khác và vẫn cho em học thêm ở lớp chuyên, tiếp tục trọ ở khu nội trú của lớp chuyên. Kết quả em ấy không buồn chán, không có mặc cảm tự ti mà vẫn yên tâm, vui vẻ học tập và cuối cấp vẫn đỗ vào đại học.

Có em có hoàn cảnh đáng thương, bố mất sớm, mẹ lương thấp phải nuôi 3 chị em, tôi ưu tiên cho em mượn tài liệu, và quan tâm đến em hơn và em nhanh chóng vươn lên vị trí số 1, 2 của lớp.

Có em có năng khiếu sáng tác, dự thi được giải ngang với tôi, tôi đèo em  40km đi lĩnh giải và lưu ý ban tổ chức về trường hợp của em…

Có một bài văn đề khó, cả lớp chỉ có một em làm được, còn sai hết, tôi cho em đó 9/10, còn tất cả không cho điểm, các em phấn khởi, mừng cho bạn và rút kinh nghiệm cho mình…

Tôi hay tổ chức các hoạt động ngoại khóa để bổ trợ kiến thức, giáo dục đạo đức và trau dồi mĩ cảm cho các em như thi học sinh thanh lịch, diễn tiểu phẩm, kịch nói.

Một lần tôi bố trí cho các em đi trồng cây ổi ở vườn ổi xưa của Nguyễn Phi Khanh ở Nhị Khê và viết tặng các em một bài thơ trong đó có những câu: "Trại ổi trưa nay biếc xanh tiếng trẻ / Những cây ổi non reo như được trở về / Đường ra ao Huê chen những bàn chân bé / khăn thắm hồng như những cánh sen quê".

"Đường ra về, rơm vấn vít bàn chân / Lòng trẻ còn mơ mai về rừng ổi / Nơi sáu trăm năm từ vườn tuổi thơ quê nội / Cánh chim bằng Đại Việt đã bay lên".

*        *        *

Từ tấm gương của hai nhà sư phạm, tôi tâm niệm 2 điều lớn nhất:

- Một là lấy "vì học sinh" làm lẽ sống.

- Hai là phát huy hết tiềm năng của mình, đem lại niềm vui cho mọi người và còn nhiều điều khác nữa mà trong đời dạy học tôi đã học và làm theo được phần nào. Cho đến nay, đã 15 năm không đứng lớp nhưng tôi vẫn gần gũi với nhà trường, với các đồng nghiệp trẻ và các thế hệ học sinh để học hỏi và để giúp ích được đôi phần trong trường hợp có thể.

Vì tôi nguyện mãi là người học trò nhỏ của Makarencô và Xukhômlinxki.