Kỷ luật hạt trưởng kiểm lâm vụ 'lâm tặc khoét núi phá rừng'

TPO - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai vừa có quyết định kỷ luật 3 cán bộ Kiểm lâm liên quan đến vụ “Lâm tặc khoét núi, phá nát cánh rừng Gia Lai”.
Gỗ lậu được vứt rải rác dọc đường núi

Ngày 21/4, ông Dương Hoàng Nguyện - Trưởng phòng Thanh tra pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết: Chi cục vừa có quyết định kỷ luật 3 cán bộ Kiểm lâm huyện Chư Păh liên quan đến vụ “Lâm tặc khoét núi, phá nát cánh rừng Gia Lai” mà Tiền Phong phản ánh.

Cả 3 cán bộ Hạt kiểm lâm Chư Păh trên đều bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách gồm: ông Nay Vân (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh), Phạm Trọng Thích (kiểm lâm địa bàn phụ trách xã Đắk Tơ Ver) và Ksor Uyn (kiểm lâm địa bàn phụ trách xã Chư Đăng Ya).  

Một cây gỗ quý bị đốn hạ.
Thân gỗ dài hơn 50m bị cắt thành nhiều lóng

Trước đó, Chi cục kiểm lâm tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án trên, đồng thời chuyển hồ sơ sang Công an huyện Chư Păh điều tra, làm rõ nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra chủ gỗ. Theo ông Dương Hoàng Nguyện, qua kiểm tra, xác định tại tiểu khu 208, thuộc địa phận xã Đắk Tờ Ver (huyện Chư Păh, thuộc quản lý của Ban quản lý dự án 661 Tây Bắc Đắk Đoa Gia Lai, Tỉnh đội Gia Lai) có 95 gốc bị khai thác, còn tại tiểu khu 250 (thuộc UBND xã Chư Đăng Ya quản lý) có 42 gốc bị khai thác, khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường là hơn 27,8m3 (nhóm II đến VI).

Ông Nguyễn Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, cho biết: Ngay sau khi Tiền Phong phản ánh vụ phá rừng tại địa bàn, xã đã triển khai nhiều biện pháp như cho tổ liên ngành gồm 9 người chia làm hai tốp liên tục chốt các cửa vào, ra lên núi. Tại sào huyệt phá rừng cũng đã được Ban quản lý dự án 661 cho người tuần tra liên tục. Ngoài ra, xã đang xem xét xin các dự án phát triển an sinh xã hội để cho những gia đình hồi trước phá rừng có việc làm. 

Trước đó, cuối năm 2017, PV Tiền Phong vào hiện trường ghi nhận việc lâm tặc dùng cáp tời kéo hàng trăm thân gỗ lớn từ cánh rừng giáp ranh giữa hai huyện Chư Păh và Đắk Đoa ra tiêu thụ trong thời gian dài. Hiện trường để lại trên các ngọn núi với chi chít cung đường ngang dọc bị cày nát, sình lầy bởi máy cày, máy kéo.