Phố tấp nập “vườn di động”
Thay vì bày bán hoa tràn lan trên vỉa hè như mọi năm, thời điểm này, nhiều chủ vườn chất hoa cây cảnh lên xe bán dạo để đỡ mất tiền thuê chỗ trong các chợ hoa xuân. Hầu hết các ngã tư đều có dăm ba xe máy bán hoa, cây cảnh mời chào khách như những “khu vườn di động”. Phổ biến nhất là các loại hoa “chơi xổi” như cúc, cẩm chướng, vạn thọ, dạ yến thảo… Tiếp đến là các loại giá cao như mai, đào, lan, cây kim tiền, cây phát lộc… So với mua hoa trong các chợ, mua hoa dạo nhanh, rẻ và tiện lợi dẫu khá nhiều rủi ro.
Vừa đưa giỏ hoa lan cho khách xem, chị Hoa - một chủ vườn ở Hà Nội vừa nhìn trước, ngó sau đề phòng công an có “quét” qua hay không. Thấy dân tình nháo nhác, chị không kịp lấy tiền hoa đã vội gạt chân chống xe máy, lập cập phóng xe vào một con ngõ gần đấy. Chị Hoa cho biết, những năm trước chị vẫn đứng trên vỉa hè đường Lê Văn Lương để bán hoa Tết. Nếu thời tiết thuận lợi, đợt hoa Tết, vợ chồng chị thu nhập có khi cả trăm triệu đồng. Năm ngoái, chị thuê một gian hàng ở chợ hoa Thanh Xuân nhưng vì thuê chỗ bên trong cho rẻ nên người mua ít vào xem hàng. Năm nay, chị quyết định chất hoa lên xe máy để bán dạo.
“Trước rằm tháng Chạp thì bán hoa, cây cảnh “thập cẩm”. Khoảng sau rằm tháng Chạp trở đi, tôi tập trung bán đào, quất. Bán dạo thế này, phải chạy trốn công an vất vả chút nhưng “tiền tươi, thóc thật”, không phải thắc thỏm chờ khách như ở chợ xuân”, chị Hoa nói. Tuy nhiên, chị Hoa bảo: “Vào chợ hoa phải tốn tiền thuê địa điểm, bán không đắt hàng thì chết toi. Nhưng bán hoa dạo, hễ thấy bóng công an là chạy bạt mạng. Có hôm lo chạy mà rơi cả mấy chậu hoa, có tiếc cũng không dám mon men quay lại nhặt...”.
Chỉ có một số cây đào, bưởi loại lớn vừa được chuyển đến chợ hoa ở đường Hoàng Minh Giám.
Chợ hoa vắng bất thường
Sáng 27/1, tại chợ hoa xuân ở đường Hoàng Minh Giám, ngoài cổng chợ, cờ hoa, băng rôn biểu ngữ rực rỡ đầy không khí Tết. Tuy nhiên, bên trong chợ mới chỉ có dăm chủ vườn chở hoa cây cảnh đến bán, chủ yếu là những chậu đào, bưởi cỡ “đại”. Mặc dù việc lập các điểm chợ hoa xuân là một việc làm thiết yếu, giúp người dân có nơi sinh hoạt văn hóa, phục vụ tốt nhu cầu mua bán vui chơi đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự đô thị, trật tự giao thông, nhưng xem ra còn nhiều chủ vườn chưa mặn mà.
Ông Trương Minh Long - chủ vườn hoa Nam Điền, một trong những người thuê sớm nhất ở đây và có vị trí mặt tiền rất đẹp, cho biết: “Đây là năm đầu tiên tôi thuê một vị trí ở chợ hoa xuân để bán. Cho đến thời điểm này, nhìn chung chợ vẫn còn ít người mang hoa đến bày bán lắm. Có lẽ một phần cũng bởi thói quen của người dân vẫn thích mua hoa Tết ở vỉa hè vì nhanh, tiện, không phải mất công đi xa và không phải gửi xe”.
Tuy nhiên, ông Long cho biết, người mua hoa bán dạo rất dễ gặp rủi ro vì có khi mua phải hoa “tân trang”, có muốn bắt đền cũng không biết tìm ai. Nhìn những cây sung trĩu trịt quả nhưng quả có thể đã được gắn keo 502 chặt đến mức không ai gỡ ra được. “Hoa là hoa thật, quả cũng quả thật nhưng được người ta gắn thêm vào bằng keo cho đẹp. Thậm chí, khách hàng muốn bứt được thì gãy cả cành luôn. Nhưng mua về để nhà vài hôm là hoa quả đều héo tất. Vì thế, vào vườn có thể giá cả cao hơn nhưng bù lại, rủi ro cũng thấp hơn. Có khi phát hiện thấy sự cố, chúng tôi phải thay cây cho khách ngay lập tức. Trong khi đó, nếu mua ở vỉa hè thì kiểu gì khách hàng cũng bị chối bay chối biến”, ông Long nói.
Ông Doãn, một thành viên BQL chợ hoa xuân ở đường Hoàng Minh Giám cho biết, khu vực này có gần 500 gian hàng cho thuê, nhưng đến thời điểm này còn rất nhiều gian hàng phía trong chưa có ai đăng kí thuê. Theo ông Doãn, khu bên ngoài là các gian hàng có mái che, chủ yếu dành cho các hộ kinh doanh hoa lan và một số loại hoa gọn nhẹ khác; còn sâu trong chợ thì chỉ kẻ vạch sơn và có giá cho thuê rẻ hơn, để dành cho các loại cây có kích thước lớn. Được biết, giá cho thuê của khu có mái che là 2 triệu đồng/gian, khoảng 9m2. Giá cho thuê của khu không có mái che là 1,4 triệu đồng/gian, cũng khoảng 9m2. Các hộ kinh doanh nếu đăng kí thuê thêm 1 bóng đèn thì có giá 300.000 đồng/bóng và 100.000 đồng tiền nước/gian.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt trên 50 điểm bố trí chợ hoa xuân. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm bán hoa hoạt động trái phép như: vỉa hè đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy), vỉa hè sông Tô Lịch (quận Đống Đa), dọc sông Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng)… gây mất mĩ quan đô thị và ảnh hưởng đến giao thông đi lại.
Theo Hạnh Nguyên
Post by Báo Tiền Phong.