Ngày 2/4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo thông báo tình hình KT–XH quý I/ 2024 và nhiệm vụ trọng tâm quý II. Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - chủ trì.
Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Quảng Nam cho biết, quý I tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2023, mức tăng trưởng âm này có phần cải thiện hơn so với các quý trước, tốc độ phục hồi chậm. Quy mô nền kinh tế đạt trên 26.000 tỷ đồng.
So với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, Quảng Nam có mức tăng trưởng thấp thứ 3 và xếp vị thứ 29/63 về quy mô GRDP. So với 5 tỉnh kinh tế trọng điểm miền Trung và 14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thì thấp nhất về mức tăng trưởng và xếp vị thứ 4/5 tỉnh và 8/14 tỉnh về quy mô nền kinh tế.
Kế hoạch vốn đầu tư công năm nay sau khi điều chỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là hơn 7.056 tỷ đồng, bằng 82,5% so với kế hoạch năm 2023. Tỉnh đã phân bổ chi tiết cho các ngành và các địa phương hơn 6.394 tỷ đồng, đạt 90,6%. Kế hoạch vốn còn lại chưa phân bổ là 662,2 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 26/3, kế hoạch vốn năm nay của tỉnh Quảng Nam đã giải ngân hơn 629,7 tỷ đồng, đạt 8,9%. Hiện các ngành, địa phương hiện đang tập trung rà soát, tổng hợp kế hoạch vốn năm 2023 ngân sách địa phương không giải ngân hết trình HĐND tỉnh cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024.
Tỉnh Quảng Nam cũng sẽ thể hiện quyết tâm cao trong giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và xuyên suốt trong năm 2024, phấn đấu mục tiêu giải ngân đạt 100%.
Tại buổi họp báo nhiều phóng viên quan tâm đặt câu hỏi về việc lãnh đạo địa phương chỉ đạo sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công chậm, đến nay thực hiện ra sao?
Trả lời vấn đề này, bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ - cho hay, trách nhiệm trong giải ngân vốn đầu tư công là một trong các tiêu chí đánh giá xếp loại tập thể, cá nhân người đứng đầu. Hiện nay UBND tỉnh đã đưa vào cụ thể tiêu chí thang điểm để cân nhắc xem xét trong đánh giá cuối năm.
“Đến thời điểm hiện nay, UBND tỉnh chưa xử lý trách nhiệm người đứng đầu nào, bởi vì chưa đến mức xử lý kỷ luật. Thời gian đến sẽ tiếp tục nghiên cứu để có giải pháp để thúc đẩy để giải ngân vốn đầu tư công” - bà Hoa nói.
Trong 3 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự phục hồi và đang phải đối mặt với những áp lực như thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao.
Số doanh nghiệp thành lập mới là 301 doanh nghiệp (vốn đăng ký đạt 1.643 tỷ đồng); tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 516 doanh nghiệp, tăng 5,74%. Bên cạnh đó, tổng số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể là 721, tăng 14,26%.