Kinh hoàng bị bố đẻ hãm hiếp, bé gái bị cả làng đánh đòn

Cô bé tuổi mặc váy áo màu hồng, ngồi ở chỗ bẩn thỉu, trước mặt là 6 già làng. Một người ve vẩy ngón tay, giận dữ chỉ vào mặt cô bé hét lên: "Con bé này phải bị trừng phạt".
Một trong 4 bé gái ở bang Haryana, miền bắc Ấn Độ, bị hãm hiếp tập thể theo lệnh của hội đồng làng Panchayat vì tranh chấp đất đai trong cộng đồng. Ảnh: Washington Post

Một dân làng lấy dây thừng trói em lại, một tay giữ dây, một tay cầm cành cây. Cô bé đầu cúi thấp, cắn răng chịu cái roi đầu tiên quất vào người, cả thảy 10 cái, cuối cùng rên lên một tiếng, theo Washington Post.

"Đủ rồi đấy," đám đông bắt đầu thì thầm, nhưng không ai tiến lên ngăn cản. Cuối cùng, người đàn ông ném cái roi xuống đất, vụ trừng phạt kết thúc.

Bé gái chừng 13, hoặc 15 tuổi. Gia đình em còn không nhớ rõ. Cô bé chưa từng đến trường, cả ngày quanh quẩn làm việc nhà, thỉnh thoảng đi xin thức ăn hoặc biểu diễn cùng bố trong tiết mục nhào lộn mà em sẽ được cho khoảng 0,3 USD. 

Em có tội gì mà bị đánh? Em bị đánh vì đã quá sợ không dám kể cho người khác nghe chuyện bố đẻ hãm hiếp.

Ấn Độ có 1,2 tỷ dân, với nền kinh tế đang phát triển, dân số trẻ và một thủ tướng tràn đầy nhiệt huyết muốn đưa đất nước vươn mình trên thế giới. Một thế hệ phụ nữ đang nắm vai trò mạnh mẽ hơn trong lực lượng lao động, trong trường học, và trên mạng xã hội, không e ngại đấu tranh chống lại thói khinh miệt phụ nữ lỗi thời như tạt axit, hãm hiếp và quấy rối tình dục, hay hạ thấp nhân phẩm phụ nữ trong phim truyện và quảng cáo.

Tuy nhiên, định kiến gia trưởng đã ăn sâu nhiều thế kỷ không thể thay đổi trong thời gian ngắn. Nó vẫn tiếp tục ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng triệu người dân vùng nông thôn hẻo lánh, nơi cách xa với hệ thống tư pháp nhà nước.

Hội đồng già làng

Nam giới thống trị hội đồng già làng đã tồn tại ở Ấn Độ trong nhiều thế kỷ. Hội đồng có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp giữa láng giềng trong làng, thực thi các tập tục xã hội. Mặc dù chính phủ Ấn Độ đưa luật dân bầu chọn hội đồng làng từ năm 1992, nhưng những hội đồng không qua bầu chọn vẫn tiếp tục hoạt động khắp các làng quê Ấn Độ, đưa ra quyết định trừng phạt dưới danh nghĩa đảm bảo sự hài hòa giữa các tầng lớp xã hội. 

Họ thường ngăn cấm các đôi trai gái thuộc đẳng cấp khác nhau yêu đương, hay phá vỡ các cuộc hôn nhân này, xúi giục giết người vì danh dự. Phụ nữ là đối tượng chịu nhiều hình phạt khắc nghiệt nhất.

Họ cũng can thiệp vào các vụ tấn công tình dục, như làm trung gian giữa hai gia đình, cố gắng xoa dịu nạn nhân bằng vài trăm rupee phí bồi thường, thậm chí là buộc nạn nhân lấy kẻ hãm hiếp. 

"Trong các vụ án hiếp dâm, họ đóng vai trò ngầm, không chính thức hoặc công khai thừa nhận", Jagmati Sangwan, chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Dân chủ Ấn Độ, một nhà bảo vệ nữ quyền lâu năm cho biết. "Họ sẽ yêu cầu gia đình nạn nhân thỏa hiệp, ngăn cản mọi lợi ích mà nạn nhân lẽ ra nhận được".

Sube Singh Samain, trưởng hội đồng làng một ngôi làng ở bang Haryana, miền bắc Ấn Độ cho biết, họ đóng vai trò quan trọng trong huyện, nơi hệ thống tư pháp quá tải và quá tốn kém để giải quyết các vụ phạm pháp.

Ông cho biết các già làng đã ban hành lệnh cấm bán thịt, hạn chế thanh niên dùng điện thoại di động, thậm chí là cấm mở nhạc to tiếng ở đám cưới. 

"Nhạc nhẽo chẳng tốt lành gì, lũ trâu bò nghe thấy sẽ chạy hết", Samain nói. Họ cũng làm trung gian hòa giải bất hòa trong gia đình, thỉnh thoảng kêu gọi dân làng rút đơn khiếu nại gửi tới cảnh sát.

"Chúng tôi nói rằng, 'Đừng có kiện lên tòa, hãy tự giải quyết thôi'", ông nói. 

Nghị quyết tàn bạo khiến dư luận thế giới chú ý

Vào năm 2014, một hội đồng ở bang Tây Bengal đã ra lệnh hiếp dâm tập thể một phụ nữ, coi đây là hình phạt vì cô dám yêu đương một người đàn ông khác cộng đồng. Thậm chí, một trưởng làng đã hối thúc hội đồng "đi thưởng thức cô gái và chúc vui vẻ", cảnh sát cho biết.

Tại bang Maharashtra, trong vòng một năm, đại diện một nhóm vận động xóa bỏ tư tưởng lạc hậu đã làm việc với khoảng 100 người. Những người này đều là nạn nhân của hội đồng phân biệt đẳng cấp (panchayat), đa số là phụ nữ.

Họ bị ép phải vớt đồng xu từ thùng dầu sôi để chứng minh mình còn trong trắng. Một phụ nữ khác phải đi bộ, ăn mặc hở hang đi xuyên qua khu rừng trong khi các thành viên panchayat ném các miếng bột bỏng rãy vào lưng.

Trở lại với vụ bé gái bị trừng phạt trên. Trước khi chết, mẹ em là Anusuya Chavan luôn sống cuộc đời bấp bênh cùng với ông chồng làm nghề xiếc. Cô cố gắng che chở cho hai đứa con gái nhỏ khỏi những cơn lôi đình của ông chồng, nhưng cuối cùng mắc bệnh lao và qua đời năm ngoái.

Lúc đó, cô con gái lớn của Anyusuya đã năn nỉ bố cho đến ở cùng gia đình anh họ, nhưng Shivram Yeshwant Chavan không đồng ý. Ông ta cần có người nấu nướng, trông nhà và kiếm tiền.

Trước đó, mặc dù khó khăn, nhưng cuộc sống của cô bé vẫn được mẹ che chở. Cô bé không có bạn, đành cùng em gái 7 tuổi Laila vui đùa. Thỉnh thoảng, cô bé lại được ăn bánh gạo cay hay kulfi, một món tráng miệng đông lạnh.

Rồi một đêm tháng Giêng, ông bố trở về sau khi chơi trống cho một ban nhạc đám cưới, say túy lúy vì loại rượu mạnh địa phương. Cô bé đang ngủ trên sàn, em gái nằm cạnh. Ông bố ngồi xuống, lấy tay bịt miệng con gái.

Tội ác tiếp tục

Hồi đầu tháng ba, Sachin Tukaram Bhise, một nông dân kiêm nhà bảo vệ người lao động địa phương tới ngôi làng của bé gái, tìm thuê lao động theo ngày về làm trong trang trại mía đường của mình. Ông được tin hội đồng làng của cộng đồng Gopal đang được triệu tập. 

Gopal là một cộng đồng nghèo mù chữ, trước đây kiếm sống nhờ làm dân du mục và biểu diễn xiếc đường phố. Sau đó, họ định cư, làm công việc lao động chân tay trong các khu canh tác màu mỡ dưới bóng triền núi Sahyadri.

Bhise quan sát thấy người dân đứng tụ tập tại sân làng. Ông bố Shivram Yeshwant Chavan và con gái bị đưa ra quỳ trước hội đồng. Chavan cúi đầu thừa nhận đã hãm hiếp con gái, còn trưởng làng quay sang bé gái và bắt đầu trách mắng.

"Họ nói đó là lỗi con bé. Ông bố đã uống say, không thể tự chủ", Bhise kể lại. "Tôi vô cùng tức giận. Một cô bé con sao có thể làm ra chuyện câu dẫn bố mình? Các già làng trách mắng, 'Mày là đồ vô dụng, mày là thủ phạm'. Con bé chỉ biết khóc".

Bhise lấy điện thoại di động ra quay lén. Hội đồng làng phán quyết phạt tiền hai bố con 67 USD, ông bố phải chịu 15 gậy, còn cô bé chịu 10 gậy. Hai người bị đánh cho tới khi cái gậy làm bằng cành cây gãy đôi.

Bhise trình bằng chứng cho cảnh sát. 7 thành viên hội đồng làng bị bắt giữ, buộc tội âm mưu tống tiền và hành hung. Ông bố bị buộc tội lạm dụng trẻ em.

"Cháu không đau, vì họ đánh rất nhẹ", bé gái nhỏ nhẹ kể lại vào một tháng sau. Em sống cùng gia đình anh họ trong một túp lều dựng bằng cọc tre và đá trên sườn núi.

Nhắc lại chuyện cũ, cô bé bắt đầu rơi lệ. Em chạm vào chân một vị khách nói tiếng Marathi, ngôn ngữ của người miền Tây và Trung Ấn Độ, tỏ lòng kính trọng và nói chỉ biết trách cứ bản thân.

"Cháu xin họ đánh mình vì cháu có lỗi", cô bé nói. "Lỗi của cháu là không nói cho bất kỳ người nào biết chuyện này. Cháu chỉ nói là bố cầm tay mình. Đó là lỗi của cháu".

Jaya, chị dâu cô bé, đang ngồi cùng em trên tấm thảm, cũng đồng ý.

"Nếu em nó nói ra, các anh em trai trong nhà sẽ đánh ông bố. Panchayat sẽ không thể can thiệp và mọi chuyện sẽ được giải quyết trong nhà", Jaya nói. "Nếu cánh đàn ông không làm được, thì các chị dâu sẽ làm".

Giờ đây, nạn nhân chỉ muốn quên đi tất cả. Sau vụ tấn công, đã có một nữ cảnh sát tới thẩm vấn cô bé, đưa em đi kiểm tra sức khỏe. Cô bé còn nhận được ít tiền từ quỹ nạn nhân của nhà nước.

Tháng trước, chính quyền bang Maharashtra thông qua lệnh cấm hội đồng làng tụ tập để áp đặt trừng phạt tẩy chay lên dân làng. Một số quan chức chính phủ đã kêu gọi các bang khác làm theo.

Devendra Fadnavis, thống đốc bang Maharashtra cho biết, ông thông qua dự luật này vì không cho phép xảy ra thêm nữa các tội ác chống lại một cá nhân hay một nhóm người do các tổ chức phi nhà nước tiến hành.

Vào tháng 4, cộng đồng Gopal quyết định giải tán hệ thống panchayat và trình báo những vụ phạm tội trực tiếp cho cảnh sát, Dilip Dinkar Jadhav, người lãnh đạo cộng đồng cho biết.

Lấy kẻ hiếp dâm

Trong một thời gian dài, có vẻ như ít nhất một thành viên của một hội đồng panchayat không muốn người ta nhắc đến tên mình.

"Chúng tôi không biết ông ta", dân làng gần một đền thờ Hindu nhỏ nơi ông ta sinh sống nói.

Tuy nhiên, sau hàng loạt cú điện thoại, Arun Jadhav đồng ý xuất hiện. Ông ta đi cùng với Dilip Jadhav, một già làng khác, tới một nhà hàng ven đường cao tốc quốc lộ số 4. Xung quanh nhà hàng là các đại lý ôtô đắt tiền chuyên phục vụ cho các hộ nông giàu có hoặc giới công chức cổ cồn trắng. 

Sube Singh Samain (giữa), 60 tuổi, một nông dân trồng bông và lúa, trưởng hội đồng làng ở Hisar, bang Haryana, cho biết hội đồng đóng vai trò quan trọng trong việc hòa giải các mối bất hòa trong gia đình, cũng như đưa các vụ tranh chấp ra xét xử nội bộ chứ không kiện lên tòa. Ảnh: Washington Post

Arun Jadhav năm nay 45 tuổi, mù chữ, từng là người thổi kèn trumpet trong một ban nhạc, đội chiếc mũ Nike sụp xuống che mắt. Dilip Jadhav bằng tuổi, là quản lý một ban nhạc đám cưới, tay đeo đồng hồ vàng, ăn mặc chải chuốt.

Arun Jadhav cho biết được triệu tập tới làng ngày hôm đó để dự đám ma mẹ cô bé con bị trừng phạt.

"Có người yêu cầu tôi chịu trách nhiệm cho lệnh đánh họ, tôi chỉ làm có thế. Uống trà rồi rời đi".

Cả hai người đàn ông đều đồng ý rằng cô bé xứng đáng phải chịu hình phạt đánh đòn vì đã giấu giếm sự thật. Dilip Jadhav cho biết, ông đưa ra quyết định này chỉ để đảm bảo tương lai cho cô bé, mà chắc chắn sẽ rất khó khăn.

"Nếu chuyện tương tự xảy ra với con gái tôi, thì chúng tôi sẽ buộc nó phải cưới kẻ hãm hiếp", Jadhav nói. "Chúng tôi không bao giờ báo cảnh sát. Nếu họ đưa lũ trẻ tới đồn, mọi người sẽ biết chuyện về con bé, rắc rối của nó sẽ phình to. Tốt hơn hết là gả nó cho thủ phạm".

Jadhav nói rằng đã tìm thấy bạn đời phù hợp cho cô bé, một thanh niên góa vợ khoảng 20 tuổi, là nhạc công. Trong vòng 6 tháng tới, cô bé sẽ phải lấy anh ta.

Theo Theo Vnexpress