Bộ phim được khán giả nhiệt tình theo dõi, đồng thời cũng có nhiều băn khoăn về sự khác nhau giữa một số nhân vật chính Tây Môn Khánh, Phan Kim Liên, Võ Đại trong hai bộ phim “Thủy Hử” và “Mối hận Kim Bình”.
Về tác phẩm văn học “Kim Bình Mai”, bộ sách tra cứu “Văn học từ điển” do Hà Lập làm Tổng chủ biên, Học uyển xuất bản xã ấn hành tại Bắc Kinh lần thứ nhất vào tháng 2 năm 1999, in lần thứ hai vào tháng 1 năm 2004, cho biết:
“Kim Bình Mai” là bộ tiểu thuyết trường thiên ra đời vào thời nhà Minh, mang đậm dấu ấn thời đại. Tác phẩm dẫn giải kéo dài câu chuyện “Võ Tùng giết chị dâu” trong tuyện “Thủy Hử”, cộng với sự phát triển mang tính sáng tạo, trở thành một tác phẩm khổng lồ có một trăm hồi, với trên mười triệu chữ Hán.
Tác phẩm này lấy cuộc sống gia đình phú thương Tây Môn Khánh làm hạt nhân, và thông qua mối quan hệ xã hội rộng rãi của gia đình này mà phản ánh các mặt của xã hội, từ đó mà miêu tả một thế giới hắc ám trên từ cơ cấu thống trị phong kiến, đến giới con buôn bọn vô lại cấu thành;
Đồng thời, nó biểu hiện ra sự quan tâm và suy ngẫm sâu sắc đến trạng thái đời sống chân thực của con người.
Tuy tác phẩm mượn danh thời đại nhà Tống, nhưng những điều mà nó phản ánh lại là hiện thực của triều Minh.
“Kim Bình Mai” có ý nghĩa khai sáng trong lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc, là một bộ tiểu thuyết đầu tiên lấy đời sống gia đình làm đề tài.
Trước đó, những tiểu thuyết trường thiên coi trọng tình tiết câu chuyện, hình tượng nhân vật đơn giản mỏng manh. Mà “Kim Bình Mai” thì miêu tả những chuyện vụn vặt trong cuộc sống bình thường rất tinh tế.
Từ đó nó miêu tả xã hội rộng lớn, xây dựng được hàng loạt hình tượng nghệ thuật sống động, đưa tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc chú trọng tính chất truyền kỳ, tiến lên một trình độ mới chú trọng tính chất tả thực, mở ra cho nó một phương hướng mới.
“Kim Bình Mai” có ảnh hưởng rất lớn đến tiểu thuyết thế hệ sau, những tác phẩm “Nho lâm ngoại sử”, “Hồng Lâu mộng” đều có tham khảo học tập ở nó.
Về những nhân vật chính trong tiểu thuyết “Kim Bình Mai”, thì bộ sách tra cứu đồ sộ “Trung Quốc văn học đại từ điển”, (Thượng Hải từ thư xuất bản xã ấn hành) cho biết:
Trong tác phẩm “Thủy Hử truyện” của Thi Nại Am, người triều Minh, chỉ có 5 nhân vật chính là: Lỗ Trí Thâm, Lâm Xung, Tống Giang, Võ Tùng, Lý Quì.
Còn trong tiểu thuyết “Kim Bình Mai” của tác giả “Lan Lăng Tiếu Tiếu Sinh”(?), người Sơn Đông, thời nhà Minh, chỉ có 3 nhân vật chính là Phan Kim Liên, Tây Môn Khánh, Lý Bình Nhi.
Phan Kim Liên là nhân vật trong tiểu thuyết thời Minh: “Kim Bình Mai”. Trước kia, đã thấy ở trong “Thủy Hử truyện”.
“Kim Bình Mai” thì nói kỹ hơn, cụ thể hơn, khi lên chín tuổi bán mình cho phủ Chiêu Tuyên, học tập đàn ca, sau khi Chiêu Tuyên chết, thì lại trở thành người của nhà giầu họ Trương, rồi tái giá lấy Võ Đại.
Kinh lịch đặc thù ấy, hình thành ở Kim Liên cá tính tranh cường hiếu thắng, ích kỷ nhỏ nhen, tạo thành nhân cách xấu xa tráo trở. Bị Tây Môn Khánh lấy làm vợ thứ 5, đã dâm dục xả láng với Tây Môn Khánh, lại vẫn thông dâm với những người đàn ông khác.
Trong cuộc đấu tranh lúc công khai khi bí mật trong nội bộ gia đình, Kim Liên bộc lộ bản lĩnh, lại giỏi mưu trước quyền biến, nhưng cuối cùng hại người cũng tự hại mình...
Tính cách của Phan Kim Liên vô cùng phức tạp, có ý nghĩa đặc thù trong lịch sử văn học Trung Quốc.
Tây Môn Khánh trong “Kim Bình Mai” trở thành nhân vật trung tâm quán xuyến toàn bộ cuốn sách. Vốn là một kẻ lang bạt kỳ hồ, sau khi phát tích, mở nhiều cửa hàng lớn.
Kinh doanh có kinh nghiệm, lại biết dựa vào các cửa quan Sái Kinh và Dương Tiễn, kiếm được một chức phó quan xử lý hình sự Sơn Đông, dựa vào quyền thế phong kiến lớn mạnh, tham ô hối lộ, trở thành bá chủ một phương, dục vọng vô cùng của y là tiền tài và đàn bà.
Nhà văn Trịnh Chấn Đạc đã từng cho rằng: Tây Môn Khánh “ đã đại biểu cho quá trình lịch sử phát tích của giai cấp lưu manh hoặc thổ hào trong xã hội Trung Quốc từ xưa đến nay” (“Bàn về Từ thoại Kim Bình Mai”).
Nói chung, người ta cho rằng, Tây Môn Khánh đại biểu cho thế lực phong kiến hợp nhất trong mình cả ba vai quan liêu, ác bá, phú thương, đặc biệt là đã phản ánh đặc trưng của thương nhân mới phất lên trong điều kiện kinh tế hàng hóa sau hai triều vua Gia Tĩnh và Vạn Lịch, vương triều nhà Minh.
Lý Bình Nhi là nhân vật trong tiểu thuyết thời nhà Minh “Kim Bình Mai”. Là vợ thứ sáu của Tây Môn Khánh.Vốn là vợ lẽ của Lương Trung Thư. Phủ Đại Danh bị các anh hùng Lương Sơn đánh phá, nhân lúc hỗn loạn, ả đã cuỗm hết đồ đạc chạy trốn, lấy chồng là Hoa Tử Hư.
Vì chán ghét Hoa Tử Hư yếu ớt về khả năng hoạt động tình dục, nên ái mộ Tây Môn Khánh, thông dâm không đếm xỉa tới liêm xỉ, lại hợp mưu giết chết Hoa Tử Hư.
Lý Bình Nhi được Tây Môn Khánh sủng ái, lại biết lấy lòng mọi người, nhưng không thành công trong tâm lý chiến, nên bị Phan Kim Liên lật tẩy phản đòn, sau khi con trai chết ít ngày thì bản thân Lý Bình Nhi cũng bị ốm chết, nhân tính của ả bị dày vò và số phận bi kịch bị kết liễu thê thảm.
Lý Bình Nhi là hình tượng phụ nữ vừa máu lạnh, ác độc lại vừa ôn thuận, đa tình, một nhân vật có tích cách đa chiều nhiều lớp.