Thời buổi sân khấu kịch phải tính chi li đồng vốn, đồng lãi thì việc dựng kịch thơ là điều quá xa vời. Vậy mà tháng 7 này vở Kiều Loan của thi sĩ Hoàng Cầm sau hơn nửa thế kỷ lận đận đã hiện hữu trên sân khấu, dù mới chỉ là vở tốt nghiệp khóa đạo diễn của NSƯT Anh Tú (Trưởng đoàn kịch I- NH Tuổi trẻ).
Về nhân duyên với Kiều Loan, NSƯT Anh Tú kể: “Tháng 4/2004, chọn ngày lành tháng tốt, tôi - một nghệ sỹ bé nhỏ đến 43 Lý Quốc Sư để gặp thi sĩ Hoàng Cầm…”.
Tìm đến đúng nơi, bấm chuông mà chẳng ai thưa, tôi bèn sang hàng bánh gối nổi tiếng đối diện hỏi thăm, họ nói bác ở trong nhà nhưng sức yếu không thể tự ra mở cửa, người nhà đi làm, phải tối mới gặp được. Tôi đi lại cũng đến 3- 4 lần, rồi gặp được. Cụ hay lắm, lại từng làm sân khấu nên mình định nói gì cụ hiểu hết. Cụ đồng ý cho dựng, từ đó tôi thường xuyên qua chơi, gặp cả cô Kiều Loan dịp Tết.
Chắc anh không muốn Kiều Loan chỉ dừng ở mức vở báo cáo tốt nghiệp để lấy bằng đạo diễn sân khấu?
Lúc đó tôi về nói với lãnh đạo nhà hát, bảo cháu chọn được vở rất hay, có muốn nghe đọc không, thì chỉ nhận được sự lạnh lẽo, nói kịch thơ, vở cổ điển thì lạnh ngay, nếu bảo hài kịch thì vui vẻ ngay đấy! Nhưng tôi đọc cho anh em trong đoàn nghe, ai cũng thích. Tháng 4 vừa rồi tôi vào trình Ban giám đốc xin dựng Kiều Loan làm vở tốt nghiệp, nếu NH hỗ trợ được chút gì thì hỗ trợ, NH đồng ý giúp địa điểm tập, cho phép dùng người của đoàn I.
Thế là tự tập với nhau, cho đến nay bản quyền tác giả của bác Hoàng Cầm tôi chưa đưa xu nào, tôi cũng nói với bác giả sử nay mai NH không nhận làm vở chính thức và không chạy được tài trợ thì cháu có đồng nào cháu biếu bác trong khả năng của cháu thôi, nếu bác đồng ý cho làm. Anh em diễn viên cũng thế, tôi cám ơn họ vô cùng, tất cả lao vào làm vì yêu vở quá chứ có ai nhận được một đồng thù lao đâu.
Nếu được đầu tư thêm hoặc Kiều Loan trở thành vở xã hội hóa, anh sẽ phải điều chỉnh lại, ví dụ độ dài của vở?
Kịch bản, lời của cụ hay lắm rồi, phải cắt tôi cũng xót lắm. Nhưng lên sân khấu dài 2 tiếng là vừa, chứ giữ nguyên phải 3 tiếng rưỡi.
Kiều Loan hay ở nhiều lẽ: Lý tưởng sống, số phận con người, nhân tình thế thái…, cả nhân vật Vũ tướng quân (người chồng đã phụ bạc Kiều Loan) có thể gói gọn trong một câu: Lẽ sống còn phải tùy cơ xử thế/Phu nhân trách tôi tôi chẳng bận lòng. Kinh không? Đọc lên tôi thấy cụ Hoàng Cầm phải dốc từ gan ruột ra mới được lời hay như thế, vai Kiều Loan thì khỏi nói.
Bây giờ tạm gói ở giai đoạn I, sau này tôi còn hoàn chỉnh tiếp nữa, nhiều thứ chưa đúng ý mình: ví dụ đáng lẽ phải có hẳn cái chiêng, nghe gõ cho rợn người nhưng hỏi mua họ bảo giá 500.000đ, không chịu được nên ra chợ Hôm mua cái mâm nhôm mấy chục nghìn về sơn màu lên sân khấu đập nghe “phẹt phẹt”; rồi cái giọ cũng phải đổi, phải đặt giọ to như giọ lợn khiêng ra ý là con người bị đối xử như con vật, đến phút cuối chẳng ai đi đặt đan giọ được, lại ra chợ Hôm mua cái nơm úp vào, nhìn buồn cười không?
Trừ những người thực sự quan tâm, liệu khán giả trẻ có xem Kiều Loan?
Đừng nghĩ cứ người trẻ là thích đề tài vũ trường, gái gọi…, có người thích sự sôi động hiện đại, có người yêu giá trị sâu lắng của những tác phẩm như Kiều Loan.
Kiều Loan không phải là vở bán vé như những vở khác, mà xếp nó vào vở nghệ thuật, sẽ được cho NH ở những khía cạnh khác: được cho nghề, cho nghệ sỹ. Đấy, nhăm nhăm đầu tư đề tài gái gọi, Diễm 500 đô đấy, có bán vé được nhiều đâu mà đầu tư hàng núi tiền? Tôi thấy buồn quá, đúng là cơ chế hiện nay không cẩn thận sẽ giết dần tài năng của nghệ sỹ sân khấu.
Diễn viên đi đóng phim tiền tươi thóc thật đấy nhưng khi sân khấu có vai là họ về đóng ngay, vì tôi nói với nghệ sỹ của mình: Sân khấu là nơi hiện hình nguyên vẹn, từ ngón tay, làn hơi đến ánh mắt của anh đều hiện ra trước mắt khán giả. Điện ảnh không thế đâu, bàn tay gì mà xấu thế, thôi quay hình ảnh cái tay khác thế vào, tiếng không hay thì lồng tiếng khác…, có vô vàn cái biến báo, sân khấu thì anh phải là anh 100%.
Từ Diễm 500 đô đến Kiều Loan, anh đánh giá Quách Thu Phương thế nào?
Phương lên đai. Vừa bị chìm trong Diễm 500 đô, tháng sau thăng luôn với Kiều Loan. Trước khi vào tập Phương nói thẳng “Em cực kỳ thích vai Kiều Loan. Tiền em rất cần, lên hình em rất cần, nhưng em dẹp hết vì Kiều Loan, em định sinh thêm con thứ hai nhưng cũng tạm dừng vì Kiều Loan”.
Tôi biết ơn sự hy sinh vì nghề của Phương. Lo nhất là giọng của cô ấy, âm vực kém, giọng bị mảnh, nhưng buổi tập đầu tiên không hề vất vả, Phương thuộc lời làu làu, giọng xúc cảm, tôi nhẹ cả người.
Nhưng không thể cứ đắm mình mãi trong lý tưởng nghệ thuật, cũng phải tỉnh giấc lo cơm áo cho anh em nghệ sỹ nữa chứ.
Tôi không mê man đâu, mê đắm quá sẽ không tỉnh táo: cái hay lại tưởng là dở, cái dở tưởng là hay thì hỏng. Đầu tuần này tôi khởi công một chùm hài kịch ngắn theo mô hình xã hội hóa. Thôi thì Kiều Loan là đam mê nghệ thuật, bây giờ phải cho anh em tồn tại chứ.