Một cuốn sách tình cờ, số phận tình cờ
Khoảng sáu năm trước, một hôm Kiều Bích Hương nói với tôi: Chị ạ, có khi em xin chuyển vào ban đại diện báo mình ở Sài Gòn, em muốn thay đổi.
Tôi nghe vừa giật mình lại có chút bực mình. Ban Văn Nghệ đang neo người, lại đùng đùng ra đi thế này. Định thần lại thì rồi cũng hiểu được. “Em thấy cuộc sống nhàm chán quá, nhất là chuyện riêng tư. Mẹ và họ hàng ở quê suốt ngày giục chồng con, trốn không được”.
Rồi Hương đi. Tôi giao hẹn nửa đùa nửa thật: Kiếm lấy tấm chồng rồi đẻ con trước 35 tuổi. Đồ nội khó quá thì chuyển sang đồ ngoại, ít ra cũng ăn chắc quả phạt đền là con sẽ đẹp, con lai chắc chắn đẹp. Công việc thì không phải dặn gì nhiều vì Hương đủ tự trọng.
Thế mà cô làm được thật. 34 tuổi cô đưa thiếp mời, rất hạn chế, chỉ hơn chục đồng nghiệp và những bạn bè thân thiết nhất. Đám cưới giản dị ở quê, cách Hà Nội khoảng 20 cây số.
Nhìn cô dâu chú rể dìu nhau trong tiếng nhạc, đứa bé gái lai Việt- Bỉ khoảng 5 tuổi con riêng của chồng Hương quanh quẩn bên cạnh, mừng cho cô nhưng không khỏi băn khoăn: Liệu có hạnh phúc? Hay lại giải pháp tình thế?
Hồi còn son và cả sau cưới, thỉnh thoảng Hương lại hỏi: Không biết em có biết sinh con không, nhìn người khác mang bầu mà khâm phục. Em đã sinh bao giờ đâu mà biết, em sợ mình không có khả năng ấy quá.
Trần Đăng Khoa- “thần đồng vĩnh viễn” có lần bảo tôi: Thím ạ, thiên hạ sẽ không bao giờ để ta yên đâu. Mình muộn vợ, họ bảo mình có vấn đề giới tính, vấn đề tâm sinh lý. Mình lấy được vợ, họ bảo chắc gì đã có con. Mình có con, họ bảo chắc gì đã phải con mình. Cứ thế…
Còn tôi hồi thấy anh mới có con gái Trâm Anh, thỉnh thoảng gặp thường hỏi thăm Bao giờ có Thế Phiệt? Âu cũng là sự tầm thường ở đời, thấy người ta có con gái phải chúc, mong con trai cho tròn.
Rồi Hương mang đứa bé có cái tên như người Nhật- Kianto về Việt Nam trình diện, y hẹn “vừa có chồng vừa có con trước tuổi 35”, lại “con ra con”- kháu khỉnh, ngộ nghĩnh, chúng tôi vẫn chưa tin ở hạnh phúc.
Cho đến khi đọc “Vợ Đông chồng Tây” của Kiều Bích Hương.
Chim lại hót trong bụi mận gai
Vào một ngày bình thường ở Sài Gòn, Hương đang lang thang quán xá cùng bạn bè, thấp thỏm tận hưởng tự do của mình thì nhìn thấy hai cha con “ông Tây” nọ trong quán, vẻ thiểu não, trên tay có tấm bản đồ.
Cô quan sát họ một chặp rồi tiến lại hỏi: Tôi có thể giúp gì? Có cần tôi chỉ đường? Lâu nay, vừa làm phóng viên báo Tiền Phong cô vừa cộng tác với một công ty du lịch lớn của TPHCM. Thế rồi chuyện bắt đầu.
Càng ngày người ta càng tin vào số phận. Nhưng vào cái ngày định mệnh đó, nếu Hương chỉ nhìn rồi đi thẳng, không dừng lại ở chiếc bàn của hai bố con người đàn ông Bỉ có tên là Walter, số phận cô đã khác.
Bản tính quan tâm đến người khác lại sẵn tí tò mò phóng viên và chút trách nhiệm của một hướng dẫn viên tự nguyện, khiến cô dấn bước.
Lúc đầu, nghĩ rằng chỉ thế là xong, chỉ dẫn cho họ những đường phải đi những nơi cần tới. Sau đó cảm tình nảy nở. Hai năm sau mới cưới. Người ta có số, tất nhiên rồi. Nhưng “gieo tính cách, gặt số phận” là thế.
Hương viết trong “Vợ Đông chồng Tây”: “Lúc đó tôi đã hư hao niềm tin vào đàn ông sau vài cuộc tình không đầu không cuối”.
Còn tôi vẫn đố cô đồng nghiệp nhỏ “lấy được chồng như ý đấy, khó hơn lên trời” bởi “chị tẩm” này như tôi thường giễu, trông thì tẩm thế thôi nhưng nổi loạn ngầm, và hơi bị lãng mạn. Hơn 30 tuổi còn bị những bộ phim Hollywood ám, nghĩ cuộc đời (trong phim) thế mới là đời.
Không chỉ mang lại hiểu biết về cách thức làm thủ tục lấy Tây, kinh nghiệm vượt qua những cuộc phỏng vấn, kiểm tra mức độ thật giả của các cuộc hôn nhân, bài học để hòa nhập cộng đồng mới, tự điều chỉnh khi gặp sốc văn hóa ở xứ người, còn vài điều nữa mà cuốn sách này có thể làm được: Giúp tăng cường sự hiểu biết, cảm thông và tránh hiểu lầm cùng định kiến cho những cặp vợ chồng đa chủng tộc. Nói vui, biết đâu nhờ vậy mà có thêm nhiều người lấy Tây và thực sự hạnh phúc”.
Nhà văn Hồ Anh Thái (trích lời tựa cuốn Vợ Đông chồng Tây, NXB Trẻ)
Chồng Hương, hơn cô 9 tuổi, bị vợ gọi “Ivan ngốc” vì ngoại hình khá Nga, hóa ra cũng là một tay nổi loạn. “Du côn du kề lắm chị ơi. Ngày xưa làm bảo vệ ở vũ trường, suốt ngày lẳng bọn quậy phá ra cửa, có sợ ai đâu. Và từng lái xe tải hạng nặng nên bây giờ làm kỹ thuật viên nhưng đi đường trường vẫn thói cũ, hơi tí nổi nóng, em toàn phải dọa nếu còn thế em xuống đi bộ”.
Kỳ lạ là anh này cứ nhìn thấy người Việt, gái Việt, lại trở nên cả thẹn. Nguyên do ngày xưa anh xem bộ phim (lại phim) hình như Rambo, có Sylvester Stallone đóng vai người hùng che chở một cô gái Việt đáng yêu, cuối phim cô bị chết.
Xem xong thương cảm mãi rồi từ đó thề chỉ yêu người Việt. Hồi mới lấy nhau thỉnh thoảng anh lại hỏi Hương có phải em lấy anh chỉ cốt có đứa con xong sẽ bỏ anh đúng không.
“Tôi tan ra hay đặc lại”- Hương tự hỏi mình, trong cuốn “Vợ Đông chồng Tây”, khi bước vào một thế giới xa lạ, đầy khác biệt văn hóa. Vật chất không hề dư giả.
Riêng trong gia đình, Hương cũng phải dành tình thương yêu đáng kể cho đứa bé con chồng để bé khỏi bơ vơ không mẹ. Ngẫm ra người càng tốt càng bị trêu già, càng bị số phận thử thách, để xem họ có tốt thật không.
Bây giờ, anh chồng chỉ ước mơ kiếm được việc làm ở Việt Nam để về đây sinh sống bởi “ở Việt Nam quá sướng” từ chuyện uống ăn cho đến những chuyến du lịch biển, rừng tuyệt diệu.
Mỗi khi Hương lười nấu cơm, làm bún bò Huế, bún chả…, anh lại cằn nhằn Anh cả đời ăn đồ Tây em còn nỡ bắt ăn tiếp. Hương cũng đang lo học tiếng Hà Lan để có cơ hội sẽ về mở lớp dạy tiếng Hà Lan cho người Việt vì thứ tiếng này còn ít người biết.
Một phóng viên không “dấn thân”
Trong một tiểu luận, Phạm Thị Hoài viết đầy chế giễu: Đâu rồi các nhà văn chuyên phanh phui ung nhọt và băng bó vết thương chiến tranh? Đâu rồi các ký giả dấn thân, các tổng biên tập run cầm cập?
Nếu hiểu dấn thân theo nghĩa sấn sổ tìm mọi cách đạt mục đích riêng, hoặc có được bài báo hay với bất cứ giá nào, thì kiểu phóng viên như Kiều Bích Hương hoặc Nguyễn Quỳnh Chi của báo Tiền Phong, quả là những người kém dấn thân nhất mà tôi biết.
Hơn ba năm sống ở TPHCM, khôn ra nhiều, quan niệm thoáng lên, nhưng nghề nghiệp thì không hẳn dễ dàng. Những câu chuyện thế này không hiếm: “Đi họp báo, ông ca sĩ ngôi sao ngồi cái ghế tít trên cao, bố trí ghế của các phóng viên thấp tịt.
Cuối buổi chặn ở cửa, tự tay phát phong bì cho từng phóng viên chứ không để người quản lý phát, để đỡ lọt lưới. Thái độ kẻ cả ngông nghênh lắm nhưng phong bì nặng nên mọi người cũng nhịn. Em thấy nhục quá”.
Phóng viên gì mà không biết viết bịa lấy một câu. Cảm giác xấu hổ thường trực trước những cảnh huống trớ trêu của giới mình hoặc showbiz.
Đọc Vợ Đông chồng Tây để hiểu thêm những cảnh đời trôi dạt ở trời Âu, những vợ những chồng. Hiểu thêm có những người viết “không thuộc kiểu người ấy”, và những phụ nữ “không thuộc típ phụ nữ ấy”.
Qua cuốn sách đầu tay, Kiều Bích Hương cho thấy cô luôn thành thật nhất có thể. Nhưng tôi chờ ở cô sự tinh quái, tinh khôn hơn nữa, có thể là cuốn thứ hai chăng. Như tôi vẫn nói với cô: “Tốt, chân thành, viết đúng sự thật là chưa đủ. Phải nhiều hơn thế nữa”.
Ngoài cuốn Vợ Đông chồng Tây của Kiều Bích Hương, trong Hội chợ sách quốc tế, NXB Trẻ còn giới thiệu tác phẩm mới của các nhà văn: Hồ Anh Thái (Dấu về gió xóa, Họ trở thành nhân vật của tôi), Nguyễn Ngọc Tư (Sông), Y Ban (Trò chơi hủy diệt cảm xúc), Thụy Anh (Gió trắng).