Thành đồng, lũy thép
Phóng viên Tiền Phong có mặt tại Trạm kiểm soát BP cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc) đúng ngày Hội truyền thống Đồng Đăng, mồng 10 tháng Giêng Kỷ Hợi. Trước khi tổ chức cán bộ, chiến sỹ đi làm nhiệm vụ, đại úy Hà Trọng Dược, Trạm trưởng BP Hữu Nghị dẫn chúng tôi đến thăm, thắp nhang “Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ” được xây dựng trên một quả đồi cao, thoáng mát ngay cạnh nhà chỉ huy Trạm BP Hữu Nghị. Nơi đây, 40 cán bộ của đơn vị đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới.
Đại úy Dược tâm sự, hàng tuần các chiến sỹ trẻ được học tập, nghiên cứu 2 nội dung cuốn sách “Lịch sử đồn BP cửa khẩu Hữu Nghị giai đoạn 1959-1989 và 1990-2012”. Trong truyền thống oai hùng của đơn vị, có trang sử “Chống lấn chiếm và chiến đấu đánh trả quân xâm lược bảo vệ chủ quyền biên giới, lãnh thổ của Tổ quốc, giữ gìn trật tự trị an BP 1973-1979” gợi cho cán bộ, chiến sỹ nhiều cảm xúc, hình ảnh khó quên.
“3 giờ sáng ngày 17/2/1979, tại trận địa dân quân kết hợp ở khu vực Nà Pàn, xã Bảo Lâm (huyện Cao Lộc), các chiến sỹ BP tổ gác đêm phát hiện và báo cáo ngay với chỉ huy đồn BP Hữu Nghị rằng, có dấu hiệu bất thường với những âm thanh lạ: tiếng người lao xao, tiếng ngựa hí ở đoạn biên giới khu vực mốc 19-20. Tiếp đó, lực lượng cảnh giới lại phát hiện được dây điện thoại bọc nhựa rải rác theo đường biên ở khu vực mốc 23.
Thượng úy Hoàng Công Mươi, Đồn trưởng và đại úy Nguyễn Ngọc Linh, Chính trị viên đồn BP Hữu Nghị ngày đó hội ý chớp nhoáng, nhận định có dấu hiệu sắp xảy ra chiến sự nên đã ra lệnh cho trận địa Nà Pàn, khu vực mốc 23 cắt đứt dây điện thoại của địch, chuẩn bị chiến đấu. Lúc này có 254 cán bộ, chiến sỹ của đồn chia làm 5 mũi kháng địch, đồng thời phối hợp với các lực lượng vũ trang, dân quân sẵn sàng nghênh chiến.
4 giờ 30’, quân Trung Quốc đồng loạt sử dụng hỏa pháo, tiếp theo xe tăng yểm trợ, tràn quân tấn công vào các điểm chốt BP Hữu Nghị. 15 phút sau, khi tiếng pháo ngớt, một “biển người” có xe tăng hỗ trợ theo quốc lộ 1A tràn vào khu vực đồn BP Hữu Nghị.
Ngay lập tức, dòng người bị khựng lại khi gặp phải sự kháng cự mãnh liệt của ta. Gần 2 tiếng giao chiến, 2 chiếc xe tăng của địch bị bắn cháy, nhiều tên địch bị tiêu diệt.
Trong buổi sáng 17/2, tại trận địa bảo vệ khu vực đồn Hữu Nghị, cán bộ chiến sỹ đã đẩy lùi 12 đợt tấn công của địch. Trận địa của ta bị hỏa lực đối phương bắn phá tàn khốc. 2/3 quân số của đồn bị thương và hy sinh, trong đó có Chính trị viên Nguyễn Ngọc Linh. Tại các chốt tiền tiêu khác, lực lượng BP và dân quân địa phương đã bám trụ, chiến đấu ngoan cường đối mặt với quân số địch đông hơn gấp 10 lần.
“Thiếu úy Hoàng Văn Mai, Đội trưởng trinh sát không quản ngại gian khổ hy sinh, luôn bám trụ, nắm tình hình, bảo vệ nhân dân sơ tán, kịp thời phát hiện các hoạt động của phần tử xấu, chỉ điểm cho địch. Mai lại khéo léo lợi dụng điều kiện địa bàn có sương mù, tổ chức dẫn dắt, đưa đường cho hơn 300 đồng bào xã Bảo Lâm vượt qua làn đạn, vòng vây của địch sơ tán về tuyến sau an toàn”. Đại úy Hà Trọng Dược thuật lại chiến công của lớp đồng đội đi trước trong niềm tự hào.
Bảo vệ dân về tuyến sau
Ông Lưu Văn Khoa (SN 1941, dân tộc Nùng), thời kỳ chiến tranh biên giới đảm nhiệm chức vụ Ủy viên Thường vụ Huyện ủy Văn Lãng, Phó trưởng ban Chỉ đạo “Ban đấu tranh giữ đất” tỉnh Cao - Lạng cho biết, trước khi quân Trung Quốc nổ súng tối 16/2/1979, Ban Thường vụ Huyện ủy Văn Lãng đã họp đột xuất để bàn việc bảo vệ biên giới.
“Trước đó 5 ngày, cấp ủy chính quyền địa phương phổ biến chủ trương và yêu cầu dân sơ tán khỏi thị trấn Đồng Đăng và các xã giáp biên. Nói chung, dân chấp hành di dời tài sản đến khu vực xã Bình Trung, xã Phú Xá (huyện Cao Lộc). Tuy nhiên, nhiều người vẫn nấn ná, muốn cùng bộ đội giữ đất, giữ làng nên còn khoảng 80 % số dân vẫn sinh sống ở địa phương. Khi chiến sự xảy ra, nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ dân, đưa họ về tuyến sau”, ông Khoa nhớ lại.
Theo ông Khoa, sáng 17/2 huyện Văn Lãng thành lập “Tổ công tác đặc biệt” gồm 5 người do ông Khoa làm Tổ trưởng tiếp cận khu vực chiến trường, rà soát tình hình sơ tán của nhân dân. Trưa 17/2, qua khảo sát, khoảng 700 hộ với gần 3.000 dân thị trấn Đồng Đăng đã vượt qua mưa đạn rút theo các đường mòn trên các quả đồi, ngách núi. Khi nhân dân vào đến hang Còn Khoang và Còn Quyển (xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc), Tổ công tác tiếp tục đi theo hướng biên giới để làm nhiệm vụ. Sau này, lính Trung Quốc có người chỉ điểm tiến hành vây hang Còn Khoang, Còn Quyển nhưng bị lực lượng dân quân do ông Trần Trung, Trung đội trưởng dân quân xã Hồng Phong chỉ huy kiên cường chống trả, đẩy lùi nhiều đợt tấn công. Sau ba ngày đêm chiến đấu, số lượng lớn người dân đã thoát ra khỏi hang, đi về hướng huyện Chi Lăng, Hữu Lũng an toàn.
Sau này, ông Lưu Văn Khoa được luân chuyển, bổ nhiệm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy thị trấn Đồng Đăng (giai đoạn 1989 - 1992), tiếp tục gắn bó với mảnh đất biên cương, tuyến đầu Tổ quốc.
Trước khi chia tay với phóng viên Tiền Phong, ông Lưu Văn Khoa cho biết: Bằng những thành tích xuất sắc của quân và dân Đồng Đăng, Ban thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ra chỉ thị biểu dương tinh thần chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đón niềm vui này, Đảng ủy, chính quyền thị trấn Đồng Đăng nhanh chóng họp bàn rút kinh nghiệm đợt chiến đấu trong tháng 2/1979, kiên quyết bám trụ, bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tiếp tục lập chiến công mới, viết thêm trang sử đánh giặc ngoại xâm của dân tộc!
2/3 quân số của đồn bị thương và hy sinh, trong đó có Chính trị viên Nguyễn Ngọc Linh. Tại các chốt tiền tiêu khác, lực lượng BP và dân quân địa phương đã bám trụ, chiến đấu ngoan cường đối mặt với quân số địch đông hơn gấp 10 lần.