40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Kỳ 4:

Bản hùng ca những người giữ đất

Người dân địa phương thắp nhang mong quốc thái, dân an tại đền Quan Trấn Ải. ảnh: Duy Chiến
Người dân địa phương thắp nhang mong quốc thái, dân an tại đền Quan Trấn Ải. ảnh: Duy Chiến
TP - 40 năm trôi qua nhưng hình ảnh mảnh đất, con người kiên trung nơi tuyến đầu Tổ quốc xứ Lạng vẫn là bản hùng ca. Lạng Sơn đã và sẽ tô thắm trang sử nước nhà về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại mà người tạo nên nó là những con người hết sức thân thương, bình dị.

Âm mưu thâm độc

Chiều tà, ánh nắng buông dần trên núi con Voi ở thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn), nơi tiếp giáp biên giới hai nước Việt - Trung, bà Chu Ngọc Lan (SN 1947, dân tộc Nùng Cháo), với mái tóc bạc phơ trong cơn gió chiều bà trầm tư và đăm chiêu xa xăm. Đã qua mươi ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi song các cây đào vẫn hồng thắm. Cây gạo sát đường biên trổ những bông rực đỏ như những ngọn đèn thức canh thâu.

Bà Lan chậm rãi đến bên hiên đền Quan Trấn Ải, tự tay pha nước vối mời chúng tôi. Bà bảo, vào những ngày xuân này, ký ức 40 năm trước thổn thức ùa về...

Năm 1978, bà Lan là Phân chi trưởng phụ nữ khu Vườn Sái. Ngày ấy khu phố có khoảng 1.000 nóc nhà, đa phần là người dân tộc thiểu số với gần một nửa chị em tham gia vào Hội Phụ nữ.

“Giữa năm ấy, tình hình biên giới Việt - Trung trở nên căng thẳng, âm mưu chống Việt Nam được nhà cầm quyền nước láng giềng đẩy đến một bước nguy hiểm và đầy toan tính. Sau khi dựng lên câu chuyện “nạn kiều”, lôi kéo hàng vạn người Hoa đang làm ăn sinh sống, lũ lượt bỏ nhà, bỏ xí nghiệp về nước qua các cửa khẩu gây nên tình trạng lộn xộn, phức tạp, nhất là trên một số cửa khẩu biên giới phía Bắc…”, bà Lan nhớ lại và kể.

Cửa khẩu Hữu Nghị (khi đó thuộc huyện Văn Lãng), ứ đọng người Hoa do phía Trung Quốc đơn phương tuyên bố đóng cửa khẩu. Ban đầu con số chỉ là 360 người, sau tăng vọt lên trên 4.000 người. Họ dựng lều lán hai bên đường đến tận cổng sắt đóng kín giáp ranh biên giới dài hàng trăm mét để chờ đợi “về với Tổ quốc vĩ đại”.

Tình hình người Hoa ở khu vực cửa khẩu ngày càng hỗn loạn, ăn ở thiếu vệ sinh, môi trường bị tạp uế, bệnh tật bắt đầu lây lan. Từ bên kia biên giới, bọn côn đồ, lực lượng quân sự cải trang lẻn sang ta, trà trộn, kích động người Hoa, bày mưu tính kế cho bọn xấu nổi loạn, gây căng thẳng làm cho tình hình “nóng như chảo lửa”.

Bản hùng ca những người giữ đất ảnh 1 Bà Lan chỉ cho thấy nơi anh hùng Lê Ðình Chinh chiến đấu và hy sinh. ảnh: Duy Chiến

Theo chỉ đạo của cấp trên, các cấp Hội Phụ nữ là lực lượng tiên phong tiếp cận với số người Hoa, giúp đỡ họ vượt qua đói rét, bệnh tật đồng thời tuyên truyền, khuyên họ trở về nơi đã sinh sống ở Việt Nam. “Chúng tôi mang thuốc chữa bệnh cho bà con. Bên cạnh đó, một số chị em cán bộ  ở “Cửa hàng ăn uống thị trấn Đồng Đăng” tổ chức nấu cơm 2 bữa mang đến cho họ. Trước sự quan tâm chu đáo, chân tình như vậy, nhiều người Hoa cảm động và có ý định quay trở lại”. Bà Lan kể.

Theo lời ông Lưu Văn Khoa, ngay sau khi Lê Đình Chinh hy sinh, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã yêu cầu Đồn trưởng Trương Văn Tự của Đồn BP Nam Quan bên Trung Quốc sang làm việc.
“Cuộc đấu tranh chính trị giữa ta và họ diễn ra hết sức căng thẳng, kéo dài từ 11 giờ trưa đến 4 giờ chiều 25/8/1978. Cuối cùng, phía Trung Quốc đã phải ký vào biên bản, thừa nhận việc Công an biên phòng Trung Quốc vượt biên giới sang sát hại Lê Đình Chinh ngay trên đất Việt Nam”. Ông Khoa nói. 

Rạng sáng ngày 25/8/1978, đoàn công tác phụ nữ (trong đó có 3 chị em người dân tộc Hoa đang sinh sống tại thị trấn Đồng Đăng) lên khu vực cửa khẩu Hữu Nghị. Khoảng 10 giờ, mọi người đang mang cơm đến khu vực Pò Cốc Phung ở km số O, bất ngờ xuất hiện một nhóm côn đồ lăm lăm gậy gộc, dao quắm, gạch đá trong tay cùng sự hỗ trợ của rất nhiều công an Trung Quốc tràn sang xông vào hành hung đoàn cán bộ.

“Cơn mưa đá và gậy gộc đổ xuống đầu những người phụ nữ chân yếu, tay mềm làm một số người bị thương, trong đó có bà Trần Thị Nhạc, hội viên phụ nữ khu Dây Thép bị thương nặng. Chị Lý Kim Lệ, người dân tộc Hoa, hội viên phụ nữ khu Vườn Sái biết võ, tránh né được những đòn gậy của địch nên chỉ bị thương nhẹ”. Bà Lan nhớ lại.

Ông Lưu Văn Khoa, Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy Văn Lãng, Phó ban Chỉ đạo “Ban đấu tranh giữ đất” tỉnh Cao - Lạng cho biết, khi đó ông đang ở đài quan sát cách hiện trường chừng 200 mét nghe thấy nhiều tiếng kêu thất thanh: “Các anh ơi, nó đánh người rồi”. Lập tức Ban chỉ đạo triển khai công việc, huy động lực lượng lên cứu người.

“Các chiến sỹ Biên phòng (BP) Hữu Nghị bỏ bữa cơm trưa tay không ào lên đồi Pò Cốc Phung. Không quản hiểm nguy, các chiến sĩ dùng võ thuật đánh gục nhiều tên côn đồ. Anh em ta vừa chống đỡ lực lượng lớn từ bên kia biên giới tràn sang, vừa mở đường cho các đoàn phụ nữ chạy xuống chân đồi. Một cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch tiếp tục diễn ra ác liệt. Sát cánh cùng lực lượng BP có chiến sỹ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12 cơ động vũ trang. Anh Lê Đình Chinh, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 cứu được một cán bộ phụ nữ tên Thuận đang nằm ngất xỉu. Sau đó, nghe tiếng kêu cứu của một đồng đội, Chinh chạy tới giữa quả đồi thì bỗng nhiên bị một viên đá ném vào gáy, máu chảy đầm đìa nhưng anh vẫn xông vào trận chiến. Một tên côn đồ nấp sau chiếc lán dùng gậy vụt ngang ống chân Chinh khiến anh ngã sấp xuống đất. Bốn tên áo đen từ bên kia biên giới lao sang, dùng dao quắm chém tới tấp xuống người chiến sĩ trẻ. Lê Đình Chinh hy sinh lúc 10h30 gần sát km số 0”. Ông Khoa nhớ lại và kể.

Thế trận lòng dân

Bà Chu Ngọc Lan cho biết, sau sự cố xảy ra vào ngày 25/8/1978 bọn phản động đã buộc tháo chạy kéo theo toàn bộ người Hoa đang ùn tắc tại cửa khẩu Hữu Nghị sang bên kia biên giới…

Lãnh đạo tỉnh, huyện, thị trấn linh cảm điều chẳng lành đang như bóng ma lởn vởn, tình huống rất xấu đang đe dọa mảnh đất biên cương.

Trò chuyện với phóng viên Tiền Phong, bà Phạm Thanh Hà (SN 1960, trú tại khu Ga, thị trấn Đồng Đăng) cho biết, khi đó bà đang học lớp 7 Trường cấp 2 thị trấn Đồng Đăng, sau giờ nghỉ học hoặc cuối tuần, các chi đội thiếu niên thường lên sân đồn BP chẻ tre, vót chông rồi thi đua nhau lên tuyến đầu cắm chông, giữ đất, bảo vệ phên giậu thiêng liêng của Tổ quốc.

Bà Chu Ngọc Lan kể: “Chỉ một buổi sáng, nhưng đã có hàng nghìn người dân đã cắm xong chông dọc biên giới từ khu vực 06 (thị trấn Đồng Đăng) đến mốc 23 xã Bảo Lâm dài gần chục km. Không khí rất sôi nổi với những lá cờ đỏ sao vàng phất phới cùng các  cánh hoa đào nở rực, tạo nên một phên giậu rất hào hùng, sinh động thắm thiết tình quân dân”.

(Còn nữa) 

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.