Kiến trúc sư bóc mẽ vì sao nhiều chung cư cứ mưa là ngập

TP - Nhiều khu chung cư, nhà cao tầng và biệt thự, nhất là KĐT nằm ven các tuyến đường như đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương kéo dài, Vành đai 3, đường 70 (Hà Nội)… cứ mưa là ngập.
Phố cổ Hà Nội ngập nặng sau mưa.

Trong hai tuần vừa qua, Hà Nội đã xuất hiện 4 cơn mưa lớn, tất cả các trận mưa này đều làm nhiều tuyến phố bị ngập sâu từ 20cm đến 40cm. Chiều 27/5, cơn mưa kéo dài khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, làm cho hơn 10 tuyến phố Hà Nội ngập sâu trong nước.

Trận mưa đầu mùa tối 12/5 trong khoảng thời gian từ 20h đến 21h30 nhưng trận mưa này đã làm cho hầu hết các tuyến phố ở quận nội thành ngập nặng. Các tuyến phố Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Trần Duy Hưng... mực nước ngập đã hơn nửa bánh xe máy, ôtô. Các tuyến phố: Tô Hiệu, Bà Triệu (Hà Đông), Phạm Văn Đồng, Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy)… nước ngập đến yên xe máy.

Nhiều khu chung cư, nhà cao tầng và biệt thự, nhất là KĐT nằm ven các tuyến đường như đại lộ Thăng Long, Lê Văn Lương kéo dài, Vành đai 3, đường 70… cứ mưa là ngập. Riêng các KĐT Geleximco, Nam và Bắc An Khánh (ven đại lộ Thăng Long), Vinaconex 3, Dương Nội, An Hưng (ven Lê Văn Lương kéo dài)… cứ mưa là bị ngập nhiều ngày.

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, về nguyên tắc, các KĐT đều phải có khu thu gom và xử lý nước thải trong đó bao gồm cả nước mưa ở bề mặt. Chẳng hạn, nếu thấp thì phải có hệ thống bơm tăng áp, đẩy nước ra bên ngoài. Tuy nhiên, nhiều KĐT bị chủ đầu tư “ăn bớt” các hạng mục trong đó có thoát nước.

Dẫn chứng cho việc này, ông Tùng cho biết, trong quy hoạch đô thị quy định, khi xây dựng KĐT chủ đầu tư phải để lại ít nhất 20% diện tích để làm hồ điều hòa, đường đi và công viên cây xanh, nhưng hiện nay đếm trên ngón tay, có mấy KĐT ở Hà Nội có hồ điều hòa. Đây chính là nguyên nhân làm cho các KĐT mưa là ngập nhanh và rút lại chậm.

Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó Tổng Giám đốc Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn 15 điểm ngập úng.

Đề cập đến tình trạng úng ngập tại các khu chung cư, đô thị, ông Sương cho biết, hiện các khu vực trên chỉ có hệ thống thoát nước nội bộ, chưa có hệ thống thoát ra bên ngoài.

Cũng theo ông Sương, về nguyên tắc, khi xây dựng các công trình trên, chủ đầu tư phải có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan để tìm ra giải pháp, trong đó có trang bị hệ thống bơm cưỡng bức khi mực nước bên ngoài cao hơn nước trong KĐT.

Xây chung cư cũng phải xem việc thoát nước như PCCC; điện, nước đảm bảo mới cho phép đưa vào hoạt động… Tuy nhiên hiện hầu hết các khu chung cư, đô thị mới hiện nay, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến làm hạ tầng thương mại, bỏ lửng hệ thống đảm bảo cho cuộc sống người dân, trong đó có thoát nước ngập.