Các đại biểu cho rằng, vấn đề biển và chủ quyền biển đảo dư luận rất quan tâm, do đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa đa dạng hóa các hoạt động dân sự trên biển.
Trong báo cáo tình hình cần có đánh giá kết quả chiến lược phát triển kinh tế biển để nhân dân nắm được tình hình phát triển biển của ta. Và cần mở rộng việc nghiên cứu khoa học biển, mời các nhà khoa học khắp thế giới cùng tham gia nghiên cứu, thông qua đó nói lên tiếng nói khẳng định chủ quyền.
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và đề nghị Quốc hội, Chính phủ bổ sung vào báo cáo chính thức ý kiến của các đại biểu.
Ông Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài cho rằng: việc chủ động thông tin của chúng ta trong vụ việc cá chết và nhiều vụ việc khác thời gian qua là quá yếu, thường để diễn ra rồi mới chạy theo, dẫn đến những bất lợi. Riêng vấn đề nhà máy Formosa và ô nhiễm biển miền Trung nếu báo cáo sắp tới có kết luận thì cũng đã đi sau Đài Loan.
“Vấn đề cá chết ở miền Trung nước ta không phải bên họ, nhưng phóng viên của họ đã vào cuộc và tivi của họ đã lên sóng, trong khi bên mình thì chưa. Không riêng gì vấn đề này, mà còn nhiều vấn đề khác, chúng ta cần chủ động thông tin nếu không sẽ bất lợi về sau cho nhà quản lý và người dân sẽ hiểu nhầm vì sự chậm trễ này”, ông Bình nói.
Công khai về ngân sách chi cho MTTQ
Về việc báo chí nêu MTTQ Việt Nam và 5 tổ chức đoàn thể tiêu tốn ngân sách Nhà nước, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ tọa đàm công khai với báo chí, cơ quan chủ quản và mời Ban Dân vận Trung ương tham dự.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã đọc được các thông tin trên trên báo chí nêu MTTQ và 5 tổ chức đoàn thể xã hội khác tiêu tốn ngân sách. Cụ thể những bài báo này nêu rằng, ngân sách Nhà nước phải chi cho 6 tổ chức đoàn thể là 1.503 tỷ đồng. Con số này nhiều hay ít, hiệu quả hay không cần phải bàn thêm.