Việc này nhằm khuyến khích các DN đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng.
Cục này cũng kiến nghị ưu tiên cấp đủ và kịp thời nguồn vốn với lãi suất phù hợp (khoảng 9%/năm), giúp DN đủ vốn thu mua, chế biến, xuất khẩu, nhất là ngành hàng cà phê, cá tra, gạo... Với các DN chế biến, xuất khẩu có phương án kinh doanh tốt, nên cơ cấu lại các khoản vay cũ, cho vay mới với lãi suất thấp hơn để tiếp tục sản xuất.
Về đề xuất trên, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, một trong 10 DN xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước cho biết, Cty gần như làm hàng xuất khẩu 100%, năm qua kim ngạch trên 90 triệu USD, chủ yếu là tôm.
Thủy sản là ngành xuất khẩu chủ lực, trong khi thị trường xuất khẩu tôm, cá tra, hải sản... năm 2014 dự báo rất nhiều rào cản, rủi ro. Các DN cần hỗ trợ tiếp cận vốn ưu đãi, để đầu tư nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của DN, tìm kiếm thị trường mới. “Chưa biết đề xuất được duyệt hay không, nhưng lúc khó khăn, được cơ quan quản lý quan tâm, chúng tôi thấy vui hơn”, ông Lĩnh nói.
Còn theo ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Tổng Cty Cà phê Việt Nam, ngành hàng cà phê đang rơi vào giai đoạn khó khăn, xuất khẩu giảm sút, nhiều DN thua lỗ, diện tích cây cà phê già cỗi, cần tái canh lớn. Lúc này với DN cà phê, tiếp cận được nguồn vốn vay, sau đó mới đến chuyện hạ lãi suất.