Nhiều quy định giết chết cả ngành nghề
Tại hội thảo thúc đẩy cải cách, quản lý, kiểm tra chuyên ngành ngày 16/9, Hiệp hội Doanh nghiệp nêu hàng loạt bất cập. Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hơn nữa việc cấp mã HS cho nhóm thực phẩm chức năng. Hiện nay, nhiều công văn hướng dẫn có nội dung mâu thuẫn.
“Chúng tôi khuyến nghị Tổng cục Hải quan nên bỏ cụm từ thực phẩm chức năng trong một số công văn. Nếu có vướng mắc trong phân loại các sản phẩm thực phẩm chức năng, Tổng cục Hải quan nên hỏi ý kiến Bộ Y tế để xác định chính xác thực phẩm trong phân loại”, đại diện Eurocham kiến nghị.
Bên cạnh đó, vướng mắc trong hướng dẫn về ghi nhãn hàng hoá do Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng ban hành khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn. Đại diện Eurocham dẫn ví dụ cụ thể với chất axit citric. Đây là chất bảo quản thông dụng, hiện diện tự nhiên ở nhiều loại quả mọng như cam, chanh và trong chè, cà phê. Tuy nhiên, theo quy định ghi nhãn hàng hóa, nông sản ghi “không sử dụng chất bảo quản” không đúng theo quy định của pháp luật, vì khi xét nghiệm vẫn tồn tại chất axit citric. Điều này khiến nhiều nông sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ - VietGap nhưng không được phép ghi nhãn không chứa chất bảo quản.
“Chúng ta đặt ra quy định và có thể giết chết ngành nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Chúng tôi khuyến nghị Bộ KH&CN xem xét và thay đổi quy định này”, đại diện Eurocham kiến nghị.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), cộng đồng DN mong muốn chung tay giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, nhiều năm qua, số lượng văn bản kiểm tra chuyên ngành chỉ có tăng, không có giảm.
Ông Nam dẫn ví dụ, DN phản ánh những vướng mắc trong quy định đăng ký sử dụng mã số mã vạch (MSMV) nước ngoài trên bao bì các lô thủy sản xuất khẩu. Thủ tục đăng ký sử dụng MSMV nước ngoài đòi hỏi nhiều giấy tờ, không được làm trực tuyến và phải nộp hồ sơ trực tiếp tại Hiệp hội mã số châu Âu (GS1). Vì vậy, DN mất rất nhiều thời gian, thậm chí bị hải quan xử phạt vì thiếu giấy xác nhận của GS1. Trong khi đó, cơ quan chức năng lại đưa MSMV vào NĐ74/2018/NĐ-CP là không có cơ sở pháp lý. Trong hàng loạt quy định như Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá năm 2007, Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 về ghi nhãn hàng hoá không đề cập và không có bất ký quy định nào nói đến MSMV.
“Việc cấp giấy xác nhận sử dụng MSMV nước ngoài hoàn toàn không có ý nghĩa thực tế đối với công tác quản lý nhà nước. Đây là sự cản trở cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Do vậy, VASEP kiến nghị bỏ quy định này trong dự thảo Thông tư ghi nhãn điện tử; đồng thời sớm sửa đổi NĐ74/2018/NĐ-CP để huỷ bỏ quy định MSMV nước ngoài trong nghị định”, ông Nam kiến nghị.
Còn tình trạng “đẻ” thêm quy định
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, Việt Nam đã và đang có một số cải cách hành chính. Tuy nhiên, ở một số bộ ngành có hiện tượng “mọc” thêm rào cản, gánh nặng cho DN.
Theo bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), còn tới 12 nhóm bất cập trong kiểm tra chuyên ngành. Tiêu biểu như phí kiểm dịch thú y, vấn đề lấy mẫu kiểm nghiệm. Theo phản ánh của cộng đồng DN, Bộ NN&PTNT là đơn vị có số lượng mẫu nhiều nhất. Số lượng, khối lượng mẫu quá lớn, kết quả chỉ có 1 thử nghiệm nhưng tính phí theo số lượng mẫu, 5 mẫu thì tính phí tương tự như 5 thử nghiệm; phí kiểm tra chất lượng chăn nuôi.
“Hiện nay, có khoảng 25 nhóm sản phẩm, hàng hoá tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số và tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể. Đặc biệt, kiểm tra nhà nước về an toàn lao động thực hiện trước thông quan là quy định phi lý, được phản ánh nhiều lần, nhưng chưa có động thái sửa đổi nào từ Bộ LĐ-TB&XH. Trong khi đó, quy định về kiểm tra hiệu suất năng lượng tạo thêm nhiều gánh nặng chi phí và thời gian bất hợp lý cho DN. Đây là vấn đề được phản ánh nhiều lần nhưng chưa được bộ, ngành nào quan tâm” bà Thảo nhấn mạnh.
Chặt đứt “giấy phép con”
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho biết: Từ năm 2018 đến 2019, Việt Nam bỏ được nhiều thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với lúa gạo, gas, cùng hàng loạt giấy phép con. Tuy nhiên, việc gỡ bỏ, chặt đứt các giấy phép con, kiểm tra chuyên ngành không còn như trước nữa. Ông Cung lấy ví dụ như kiểm định an toàn thang máy, người sử dụng phải lắp thang máy vào chạy mới kiểm định được an toàn. Thế nhưng hiện nay, cơ quan chức năng kiểm định rời rạc các bộ phận theo tiêu chuẩn. “Nếu đúng tiêu chuẩn nhưng lắp đặt thiếu, sai thì có phải không an toàn, phi lý không?”, ông Cung nói.
“Nhiều quy định về kiểm tra chuyên ngành của bộ này, ngành này chồng lấn lên cơ quan khác, khiến cho nó đúng với bộ này nhưng lại sai với bộ kia, hay đúng với điều khoản này lại vi phạm điều khoản của quy định khác. Thậm chí, nhiều quy định đã và đang thiếu tính thực tiễn, không khoa học và phi lý”, ông Cung cho biết.
Theo thống kê của CIEM, số mặt hàng phải thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành giảm từ 100.000 (năm 2015) xuống còn 78.000 vào năm 2020. Tỷ lệ lô hàng xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan trước đây chiếm 30-35%, nay giảm còn 19,4%.