Ngày 29/12, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) triển khai tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2023.
Tổng hợp kết quả kiểm toán đến ngày 15/12 cho thấy, đối với 293 báo cáo kiểm toán đã phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý 55.906 tỷ đồng, trong đó tăng thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) 3.070 tỷ đồng, giảm chi NSNN 25.687 tỷ đồng, kiến nghị khác 27.149 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cũng kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 243 văn bản pháp luật không phù hợp.
Tổng hợp sơ bộ kết quả đến ngày 15/12, các đơn vị đã thực hiện kiến nghị 47.529,2 tỷ đồng, đạt 70,61%; kiến nghị về cơ chế chính sách, thực hiện 25/198 văn bản; 24/95 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.
Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ được giao, trong năm 2022, KTNN đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về báo cáo ý kiến về chủ trương đầu tư đối với 5 dự án quan trọng quốc gia: Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; vành đai 3 TPHCM; Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Mê Thuột; Dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.
Việc công khai, cung cấp thông tin kết quả kiểm toán, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trình báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2020 trước Quốc hội với nhiều phát hiện, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao.
Hay như báo cáo kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ” đã kiến nghị xử lý tài chính 66.963 tỷ đồng.
Chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ” kiến nghị xử lý 3.431,2 tỷ đồng.
“Kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm"
Trong năm 2022, KTNN đã chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT)để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; cung cấp 830 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an…
Cụ thể, cơ quan KTNN đã chuyển Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Tây Ninh để điều tra, xử lý hành vi trốn thuế của Công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp.
Chuyển Cơ quan CSĐT - Công an TP Hải Phòng để điều tra, xử lý hành vi có dấu hiệu vi phạm về công tác khai thác khoáng sản (cát) của 7 công ty, gồm: Công ty Cổ phần khai thác cát phục vụ Khu kinh tế; Công ty CP Thương mại Duy Linh; Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Thái Việt; Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Hải Nam; Công ty TNHH Đầu tư Công trình và Thương mại Hoàng Phát; Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Duyên Hải; Công ty CP Phát triển dịch vụ và TM Tín Thành.
KTNN cũng đã xây dựng xong “Đề án quy định về kiểm soát quyền lực để phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán” để phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng dự thảo Đề án và quy định của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Cùng với đó, hoàn thành báo cáo chuyên đề “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc lĩnh vực KTNN” gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội….
Năm 2023, KTNN đặt trọng tâm tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng trên tinh thần đổi mới toàn diện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán; tiếp tục coi trọng, đề cao đạo đức công vụ, văn hóa ứng xử, trách nhiệm và lòng tự tôn nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, kiểm toán viên…
Riêng cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ”, KTNN đã phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ ngay trong quá trình kiểm toán, kịp thời chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để biết và lưu ý khi thực hiện thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.