Kiểm soát xe công nghệ, đưa Grab, Uber quản lý như taxi

TP - Trước việc xe Grab, Uber hoạt động bất bình đẳng, phá vỡ các quy hoạch về giao thông, UBND thành phố Hà Nội vừa đưa các loại xe này vào Đề án hạn chế xe cá nhân để quản lý như taxi. Quyết định được đưa ra, sau khi thành phố Hà Nội và một số tỉnh thành kiến nghị Bộ GTVT xem xét lại hoạt động của xe Grab, Uber và tạm dừng thí điểm loại phương tiện này.
Cùng với biển cấm taxi, sắp tới Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ bổ sung biển cấm xe công nghệ trên các tuyến phố cấm. Ảnh: Anh Trọng.

Đưa xe Grab, Uber vào quy hoạch taxi

Sau hơn một năm xây dựng, Đề án Tăng cường quản lý phương tiện nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 tầm nhìn 2030 (Đề án hạn chế xe cá nhân) vừa được UBND thành phố hoàn thành. Sau khi được UBND thành phố trình, HĐND thành phố Hà Nội cũng vừa ra nghị quyết để đưa ra thảo luận, thông qua tại kỳ họp HĐND vào đầu tháng 7 tới.

Để giảm lượng phương tiện trên đường, chống ùn tắc, trong lộ trình 13 năm tới, cùng với ô tô, xe máy, Hà Nội sẽ kiểm soát chặt các loại phương tiện kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ. Điểm mới của đề án so với một năm trước đây đưa ra lấy ý kiến nhân dân, là UBND thành phố Hà Nội đã đưa thêm loại hình xe công nghệ trong đó có Grab, Uber vào diện quản lý, kiểm soát chặt như taxi.

Dự thảo Nghị quyết về Đề án hạn chế xe cá nhân vừa được Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc ký, nêu: Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2018, Hà Nội tập trung quản lý chặt số lượng phương tiện tham gia giao thông trên đường.

Cụ thể, thành phố lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn đến năm 2030. Trong đó, lộ trình từ năm 2017 đến 2020 với xe kinh doanh hợp đồng đến 9 chỗ ngồi có sử dụng phần mềm công nghệ được quản lý như xe taxi (quản lý về số lượng, quản lý về chất lượng, quản lý phạm vi hoạt động).

Loại phương tiện này sẽ được đưa vào trong Quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030. “Đối với xe taxi và các phương tiện hoạt động kinh doanh tương tự taxi (xe Uber, Grab...) trên địa bàn thành phố: cấp hạn ngạch phù hợp với điều kiện giao thông và năng lực của kết cấu hạ tầng”, Nghị quyết nêu.

Có biển cấm với xe công nghệ

Lý giải về việc Bộ GTVT đang cho xe Grab, Uber hoạt động dưới hình thức xe hợp đồng tại Việt Nam, trong khi Hà Nội lại đưa loại phương tiện vào quy hoạch để quản lý như xe taxi, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội (đơn vị xây dựng Đề án) cho rằng, Grab, Uber đang hoạt động như taxi nhưng lại áp hình thức “xe hợp đồng” là chưa đúng bản chất. Điều này đã gây ra những bất bình đẳng trên thị trường vận tải, phá vỡ các phương án tổ chức, quy hoạch giao thông tại Hà Nội.

Để phù hợp với các quy định, tạo môi trường vận tải công bằng, lành mạnh, từ năm 2015 đến nay Sở GTVT Hà Nội đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Bộ GTVT về việc trên. “Tuy nhiên đến nay, các nội dung này vẫn chưa được Bộ GTVT ghi nhận, điều chỉnh, xe Grab, Uber vẫn gia tăng không kiểm soát; logo, biểu trưng nhiều xe không có… Điều này gây khó khăn cho công tác tổ chức, điều hành giao thông, gây bất bình đẳng trên thị trường vận tải”, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang nêu thực tế.

Căn cứ vào các quy định được pháp luật cho phép, đặc biệt Luật Thủ đô, Sở GTVT Hà Nội đã tham mưu cho thành phố đưa xe Grab, Uber và các loại hình phương tiện tương tự vào diện phải hoạt động, quản lý như taxi. Mục đích của việc này nhằm giúp thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức giao thông, kiểm soát phương tiện, ngăn ngừa những hệ lụy xấu có thể xảy ra trên địa bàn Thủ đô.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, nếu Đề án hạn chế xe cá nhân được HĐND thành phố thảo luận, thông qua tại kỳ họp vào đầu tháng 7 tới, Sở GTVT sẽ thực hiện song song hai giải pháp với xe công nghệ trong đó có Grab, Uber. Về giải pháp lâu dài, Sở xây dựng quy hoạch taxi trong đó xe công nghệ cũng được quản lý, kiểm soát như taxi.

Với giải pháp trước mắt, toàn bộ các doanh nghiệp tham gia thí điểm xe công nghệ tại Hà Nội sẽ được Sở GTVT thanh kiểm tra để làm rõ số lượng xe thực tế là bao nhiêu. Nếu thừa với số lượng xe taxi đã được quy hoạch tại thời điểm hiện tại, chủ DN phải cắt giảm, đưa ra khỏi Hà Nội.

Cùng với đó, xe phải có logo, biển hiệu, thậm chí màu sơn để khi hoạt động trên đường hành khách, cơ quan chức năng thấy là nhận biết được ngay; trên các tuyến đường, khu vực có biển cấm taxi sẽ bổ sung tạm thời các biển cấm xe công nghệ.