Ngày 24/1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục xét xử 7 bị cáo trong vụ án 9 người tử vong sau chạy thận nhân tạo ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình).
Tại phần tranh luận, các luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận BV Hòa Bình cho rằng việc kiểm sát viên cáo buộc ông Lương phạm tội “Vô ý làm chết người là không có căn cứ”; cần trả hồ sơ điều tra bổ sung một số vẫn đề…
Đối đáp lại, bà Bùi Thị Thu Hằng - kiểm sát viên VKSND TP Hòa Bình tái khẳng định, qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và quá trình điều tra, cơ quan công tố đã chứng minh được đường đi của chất hóa chất tồn tại sau sửa chữa đến người bệnh nhân. “Chúng tôi đã xác định nguyên nhân gây ra sự cố y khoa là do hành vi sục rửa của bị cáo Bùi Mạnh Quốc” - kiểm sát viên đánh giá.
Về quan điểm của luật sư cho rằng Hoàng Công Lương không phải người ra y lệnh quyết định để chạy thận, bà Hằng phản bác, cơ quan truy tố đã căn cứ văn bản trả lời của Sở Y tế và BV Hòa Bình cho thấy, tại thời điểm xảy ra sự cố, các bác sĩ Linh, Huyền không đủ điều kiện để ra y lệnh lọc máu và được bác sĩ Lương đã ký vào y lệnh điều trị.
Kiểm sát viên Bùi Thị Thu Hằng.
Tại công văn số 491, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cho hay về quy trình kỹ thuật nội khoa, bác sĩ chỉ được ra y lệnh khi đã được đào tạo về kỹ thuật thận nhân tạo. Về trách nhiệm của bác sĩ trong việc phối hợp với kỹ thuật viên khi vận hành máy, đại diện VKSND nhấn mạnh, đây là điều kiện tiên quyết để xác định nguồn nước phải đảm bảo thì mới được chạy thận. “Bệnh nhân là trên hết, với chức năng cứu chữa bệnh thì bác sĩ phải luôn đảm bảo sự phối hợp này để ưu tiên an toàn của người bệnh” - người giữ quyền công tố nói.
Về việc luật sư Trần Hồng Phúc phản đối VKSND vì cho rằng hành vi ra y lệnh của Hoàng Công Lương là “chốt chặt cuối cùng” trước khi xảy ra biến cố làm chết 9 người, bà Hằng tái khẳng định, chỉ khi bác sĩ Lương ra y lệnh, các điều dưỡng mới thực hiện bước cắm kim chuyền vào người bệnh nhân. Bên cạnh đó, điều dưỡng cũng khẳng định, nếu không có y lệnh của Hoàng Công Lương, họ không dám chạy máy lọc thận để đưa nguồn nước vào người bệnh.
Tiếp đến, luật sư Phúc nêu quan điểm gỡ tội cho Hoàng Công Lương, nhắc lại cáo trạng có nói đến việc sau sửa chữa phải có xét nghiệm nước. Kiểm sát viên cho biết không cáo buộc bị cáo Lương phải biết đó là xét nghiệm AAMI. Theo ý kiến các chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai, sau khi tẩy rửa màng RO hay sửa chữa màng, bắt buộc phải xét nghiệm. Có thể đó là xét nghiệm hóa chất tồn dư, không nhất thiết phải bao gồm cả AAMI.
Về cáo buộc Hoàng Công Lương phải chịu trách nhiệm chất lượng nước, kiểm sát viên nhấn mạnh, xuyên suốt phiên tòa lần một cho đến hiện tại luôn giữ quan điểm bị cáo Lương phải đảm bảo an toàn cho người bệnh. “Lương phải xác minh được thông tin từ người chịu trách nhiệm chất lượng nước rằng hệ thống này đã đủ an toàn hay chưa… Bị cáo đã bỏ qua mọi thông tin, mới chỉ nghe một điều dưỡng không có trách nhiệm báo cáo nhưng đã ra y lệnh. Đó chính là nguyên nhân gây ra sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng” - lời kiểm sát viên.