Kiểm ngư sẽ kiểm tra, kiểm soát những nội dung gì với tàu cá trên biển?

TPO - Bộ NN&PTNT vừa ban hành Thông tư 18 quy định về quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng kiểm ngư

Thông tư số 18/2022/TT-BNNPTNT được ban hành ngày 22/11/2022, gồm 3 chương, 22 điều và có hiệu lực từ ngày 9/1/2023. Đây là hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng kiểm ngư và tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thông tư này quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Kiểm ngư để thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, với nhiều nội dung quan trọng như: xây dựng, ban hành kế hoạch chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; thành lập đoàn tuần tra; lệnh điều động tàu; quy định đảm bảo an toàn, hiệu quả chuyến tuần tra, kiểm tra kiểm soát; các bước tiến hành tuần tra; các trường hợp dừng tàu cá để kiểm tra, kiểm soát; tổ kiểm tra; các bước tiến hành kiểm tra, kiểm soát trên tàu cá; nội dung kiểm tra, kiểm soát; xử lý, xử phạt vi phạm hành chính….

Lực lượng kiểm ngư thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển

Tàu cá cũng có thể bị dừng để kiểm tra, khi lực lượng kiểm ngư thực hiện theo chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên hoặc đề nghị của cơ quan có thẩm quyền; các dấu hiệu vi phạm pháp luật khác có liên quan theo quy định của pháp luật; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Theo thông tư trên, lực lượng kiểm ngư được dừng tàu cá để kiểm tra, kiểm soát khi trực tiếp hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khi nhận được thông tin, tin báo hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản từ các tổ chức, cá nhân.

Lực lượng kiểm ngư sẽ kiểm tra, kiểm soát hồ sơ, giấy tờ liên quan đến thuyền viên, người làm việc trên tàu cá như: giấy tờ tùy thân; văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy tàu cá; sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; bảo hiểm thuyền viên tàu cá.

Với tàu cá là kiểm tra, kiểm soát hồ sơ và các giấy tờ: giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá; giấy phép khai thác thủy sản; nhật ký khai thác thủy sản; báo cáo khai thác thủy sản; nhật ký thu mua chuyển tải; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tàu cá cũng sẽ bị kiểm tra, kiểm soát việc trang thiết bị lắp đặt trên tàu cá: trang thiết bị về hàng hải, cứu sinh, cứu hỏa; hệ thống thông tin liên lạc, tín hiệu; thiết bị giám sát hành trình.

Lực lượng kiểm ngư tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định, pháp luật thuỷ sản trên biển đến ngư dân.

Kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản: treo cờ theo quy định; đánh dấu nhận biết tàu cá; viết số đăng ký tàu cá; vùng khai thác thủy sản; chuyển tải thủy sản hoặc hỗ trợ cho tàu cá khai thác bất hợp pháp; nghề, ngư cụ khai thác thủy sản; sử dụng điện để khai thác thủy sản; tàng trữ, sử dụng chất cấm, hoá chất cấm, chất độc, chất nổ, thực vật có độc tố để khai thác thủy sản.

Lực lượng kiểm ngư sẽ kiểm tra, kiểm soát các nội dung khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên…Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đoàn tuần tra tiến hành xử lý, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Nâng cao năng lực, hiện đại hoá lực lượng kiểm ngư

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thực thi pháp luật thủy sản trên các vùng biển của Việt Nam, thời gian qua, lực lượng kiểm ngư đã đồng hành, hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất trên biển, tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia trên biển…

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư chỉ đạo hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lược kiểm ngư trên biển

Đặc biệt, thời gian qua, lực lượng kiểm ngư đã tăng cường tuần tra, kiểm soát các tàu cá để đảm bảo chống khai thác bất hợp pháp và tiến tới gỡ “thẻ vàng” IUU. Lực lượng kiểm ngư cũng phối hợp với lực lượng biên phòng, lực lượng cảnh sát biển, hải quân và các lực lượng khác trên biển để ngăn chặn các hành vi khai thác bất hợp pháp.

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, hiện ngoài lực lượng kiểm ngư Trung ương đóng tại Hà Nội, Cục Kiểm ngư có 2 chi cục trực thuộc là Chi cục Kiểm ngư Vùng I và Vùng V; ngoài ra còn có các Chi đội kiểm ngư số 2, 3 và 4.

Ngoài hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, lực lượng kiểm ngư còn tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tặng cờ Tổ quốc tới ngư dân

Về lực lượng kiểm ngư địa phương, ông Quốc cho biết, theo Luật Thuỷ sản, với 28 tỉnh, thành ven biển được tổ chức trên cơ sở yêu cầu bảo vệ nguồn lợi thủy sản và nguồn lực của địa phương. Tuy nhiên, hiện chỉ 8/28 địa phương ven biển thành lập tổ chức kiểm ngư, trong đó có 7 tỉnh thành lập theo mô hình cấp phòng thuộc Chi cục Thủy sản và 1 tỉnh thành lập theo mô hình cấp Chi cục thuộc Sở NN&PTNT.

Ông Quốc cho rằng, trong điều kiện Việt Nam đang quá trình khắc phục “thẻ vàng” của EC, tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác thuỷ sản khá nhiều, các địa phương còn lại cần sớm thành lập tổ chức kiểm ngư để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, đặc biệt là kiểm soát tại cảng cá trước khi tàu xuất bến đi khai thác.

Theo lãnh đạo Cục Kiểm ngư, Việt Nam có bờ biển dài trên 3.260 km, có nhiều cảng cá, bến xuất phát. Nếu các địa phương thành lập được lực lượng kiểm ngư, chúng ta tổ chức được công tác quản lý, kiểm soát tàu cá ngay từ trong bờ sẽ ngăn chặn bớt tàu cá vi phạm.

Theo lãnh đạo Cục Kiểm ngư, lực lượng kiểm ngư đang từng bước hiện đại, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao trên biển.

Thời gian qua, Cục kiểm ngư đã chỉ đạo xuyên suốt lực lượng từ trung ương đến địa phương, nhất là công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát với các tàu cá chiều dài 15 mét trở lên.

“Qua tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, lực lượng kiểm ngư đã phát hiện nhiều lỗi vi phạm của tàu cá, trong đó có những lỗi nghiêm trọng như: không có giấy phép, không lắp thiết bị giám sát hành trình, nhất là ở các địa phương như Quảng Ngãi, Kiên Giang”, ông Quốc nói.

Tàu cá vi phạm sẽ bị lập biên bản, đồng thời lực lượng kiểm ngư xây dựng dữ liệu, và truy ngược vết tàu cá vi phạm từ xuất phát từ cảng, địa phương nào. Các kết quả trên sẽ được tổng hợp gửi cho các địa phương, yêu cầu các địa phương phối hợp với các lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, hệ thống các cảng cá, nhằm quản lý, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi ra khơi, đảm bảo các quy định của pháp luật.

Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Phú Quốc, tới đây lực lượng kiểm ngư cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, kiểm ngư viên chuyên ngành, nhất là khả năng tiếp cận tàu cá, kỹ năng đi biển và xử lý những vi phạm hành chính trên biển.

Lực lượng kiểm ngư khi đi biển không chỉ nắm rõ, tinh thông về pháp luật về thuỷ sản, cần phải tinh thông về luật pháp các quốc gia trong khu vực, nhất là pháp luật về Hàng hải, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, quy tắc tránh va, các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nếu trên biển gặp sự cố, lực lượng kiểm ngư cũng có thể tham gia ứng phó, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Theo ông Quốc, với đội tàu, hiện đã được trang bị tương đối đầy đủ, tuy nhiên cũng cần bổ sung thêm nguồn lực để duy tu, sửa chữa tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình trên biển.