Sáng 15/10, ông Lê Minh Tuyên - Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Hà Nội cho biết, đơn vị vừa kiểm tra hiện trạng cây sưa đỏ trong khuôn viên chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính, Chương Mỹ). Qua đó, kiểm lâm nhận thấy cây sưa này trùng tên với loại thực vật quý hiếm nằm trong nhóm 1A, Nghị định 32 của Chính phủ.
“Tuy nhiên, cây sưa không nằm trong rừng mà nằm phân tán trong chùa Phụ Chính, nên không thuộc danh mục của Nghị định 32. Chùa này cũng không phải di tích cấp quốc gia hay cấp thành phố, do vậy cộng đồng dân cư hoàn toàn có quyền khai thác, sử dụng”, ông Tuyên nói thêm.
Cũng qua kiểm tra, nhà chức trách chưa xác định được hiện tượng mối mọt của cây sưa trong chùa Phụ Chính, "một số mầm non của cây vẫn phát triển”.
Chi cục kiểm lâm Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương làm các thủ tục để khai thác cây sưa đảm bảo minh bạch, đúng pháp luật. Đơn vị kiểm lâm sẽ phối hợp đóng dấu búa để khối gỗ hợp pháp.
“Cộng đồng dân cư cần họp lại, cử ra một nhóm người đủ uy tín lên phương án bán đấu giá cũng như việc sử dụng nguồn tiền. Sau đó, chính quyền xã tổ chức bán đấu giá công khai. Số tiền thu được phải được chuyển vào tài khoản chung do xã giữ hộ và thôn Phụ Chính toàn quyền sử dụng vào các mục đích công cộng”, lãnh đạo Chi cục kiểm lâm Hà Nội giải thích quy trình.
Về việc người dân nhiều lần đề nghị khai thác cây sưa nhưng chưa được chính quyền đồng ý, đại diện Chi cục kiểm lâm Hà Nội cho biết: "Trong những năm qua, đơn vị đã nhiều lần gửi văn bản hướng dẫn người dân quy trình, nhưng chính trong cộng đồng dân cư thôn Phụ Chính chưa có sự đồng thuận cao”.
Cụ thể, việc một số người dân cưa cành sưa bán với giá 20,5 tỷ đồng và bị cơ quan công an bắt giữ; qua kiểm tra thì việc mua bán có một số vấn đề cần được làm rõ, tiền bán chuyển vào tài khoản cá nhân chứ không phải tài khoản chung.
“Cành sưa sau đó được cơ quan chức năng đấu giá lại và bán với giá 30 tỷ đồng, chuyển tiền về xã để xây dựng công trình công cộng cho thôn Phụ Chính”, ông Lê Minh Tuyên nói.
Ngoài ra, số cành sưa còn lại sau vụ trộm năm 2013 đang được bảo quản trong căn phòng kín ở nhà văn hóa thôn Phụ Chính, cũng sẽ được khai thác theo trình tự tương tự với cây sưa ở khuôn viên chùa.
Trong khuôn viên chùa Phụ Chính (xã Hòa Chính, Chương Mỹ, Hà Nội) có hai cây sưa đỏ với 130 năm tuổi đời. Năm 2010, thương lái đến trả giá hơn 100 tỷ cho mỗi cây sưa. Trong năm này, người dân cưa một cành cây bán với giá 20,5 tỷ đồng để lấy kinh phí xây đình làng thì công an vào cuộc.
Năm 2013, trong lúc mưa bão một nhánh sưa lớn đã bị kẻ trộm lấy đi. Trước hiện tượng mối mọt, người dân nhiều lần đề nghị được bán cây sưa. Tháng 10/2018, Hà Nội có văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.
Theo Theo Vnexpress