Trong bối cảnh chiến dịch không kích của Nga vào Syria tiếp tục diễn ra, một số nhà bình luận cho rằng động thái táo bạo này của Tổng thống Vladimir Putin có thể kéo Nga vào "vũng lầy" giống như ở Afghanistan.
Tuy nhiên, chẳng ai có thể nói chắc chắn rằng kết cục xấu này sẽ xảy ra, và ông Putin hiện còn có nhiều quân bài hơn những gì các nhà chỉ trích ông biết đến. Nga có thể đạt được những mục tiêu quân sự cốt yếu của mình ở Syria, trong khi Mỹ thì không. Và đây là cách ông Putin có thể đạt được kết quả mong đợi của mình ở Syria:
Trước hết, sức mạnh chính của chiến lược quân sự của Nga ở Syria nằm ở chính sự đơn giản của nó. Hiện chiến dịch ném bom của Nga chỉ tìm cách để ổn định phòng tuyến của chính quyền Syria quanh khu vực hành lang then chốt ở phía bắc, từ Damascus qua Homs và Hama.
Cách này giúp Tổng thống Syria thở phào nhẹ nhõm và cho phép chính quyền của ông thực hiện được Kế hoạch B đã được thảo luận từ lâu - đó là một nhà nước thu nhỏ nằm ở khu trung tâm của người Alawite dọc bên bờ Địa Trung Hải. Mặc dù chưa rõ liệu chính quyền Syria có thể lấy lại được phần lớn đất ở Syria hay không, song phe nổi dậy hiện đang thu về phòng thủ và chính quyền đã không còn để mất các vùng lãnh thổ quan trọng nữa.
Trái lại, chiến lược của Mỹ xem ra rất lòng vòng. Tổng thống Mỹ Barack Obama yêu cầu "ông Assad phải ra đi", trong khi lại thề "phá hủy và tiêu diệt" tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS). Dẫu vậy, tới nay Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cam kết đưa lực lượng quân sự cần thiết tới để đạt được bất cứ mục đích nào trong số đó. Không phải ngạc nhiên khi ông Assad tiếp tục nắm giữ quyền lực, trong khi IS kiểm soát các khu vực rộng lớn ở cả Syria và Iraq.
Ông Putin muốn tái khẳng định ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông và mong muốn này dường như đang thu được "trái ngọt". Bằng việc mời ông Assad tới Moskva ngày 20/10, ông Putin đã cho thấy rõ rằng Nga đang điều khiển mọi việc ở Syria.
Thực tế, việc dùng một máy bay quân sự để bí mật đưa ông Assad tới Moskva rồi mới đưa tin cho thấy ông Assad hoàn toàn phụ thuộc vào Nga, không chỉ về mặt quân sự mà còn cả về sự an toàn cá nhân. Việc ông Assad phải dựa vào Nga đã giúp ông Putin có một loạt biện pháp ngoại giao để đối diện với phương Tây.
Nhà lý luận quân sự thời đầu thế kỷ 19 Carl von Clausewitz đã nói một câu nổi tiếng rằng "chiến tranh là sự tiếp tục của chính trị bằng những phương tiện khác" và ông Putin rõ ràng muốn tìm cách biến chiến dịch quân sự của Nga thành một thành tựu chính trị.
Theo một tuyên bố của Tổng thống Nga trên trang web của Điện Kremlin, "những kết quả tích cực trong chiến dịch quân sự sẽ đặt nền tảng cho việc chuẩn bị một sự dàn xếp dài hạn dựa trên một tiến trình chính trị có liên quan tới mọi lực lượng chính trị, các nhóm sắc tộc và tôn giáo. Chúng tôi tất nhiên sẽ làm thế trong sự hợp tác chặt chẽ với các cường quốc khác trên thế giới và các nước trong khu vực mong muốn một sự dàn xếp hòa bình cho cuộc xung đột này".
Phương Tây phải coi một kết cục như vậy là có thể chấp nhận được. Mối lo ngại lớn của châu Âu là ngăn chặn được dòng người tị nạn từ Syria, trong khi mục tiêu cốt lõi của Mỹ vẫn là làm suy yếu IS. Mặc dù cả châu Âu lẫn Mỹ không thể nào nói rõ ra như thế, song vẫn có khả năng phương Tây sẽ chấp nhận một thỏa thuận để ông Assad tại quyền, với vai trò danh nghĩa hoặc để chuẩn bị cho một sự chuyển giao quyền lực lâu dài.
Mặc dù Mỹ sẽ cần phải quay trở lại với chính sách áp đặt “ông Assad phải ra đi”, song châu Âu chắc sẽ nắm ngay lấy bất cứ cơ hội nào ít ra có thể giúp giảm bớt gánh nặng người tị nạn của mình. Để cho thỏa thuận thêm phần hấp dẫn, ông Putin thậm chí có thể còn chấp thuận thực hiện những vùng “cấm bay” an toàn ở bắc Syria, nơi các tổ chức nhân đạo có thể giúp hàng triệu người Syria bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến - một giải pháp mà tới nay Nga vẫn từ chối.
Đương nhiên, ông Putin sẽ yêu cầu phương Tây phải trả giá cho sự hợp tác này. Trước tiên, ông sẽ đòi Nga phải được một vị trí trên bất kỳ bàn thảo luận nào có liên quan tới việc kiến thiết địa chính trị và an ninh rộng hơn cho Trung Đông. Thực ra, dù không có sự hỗ trợ của phương Tây, Nga cũng đã có những bước tiến tới mục tiêu này.
Có tin cho biết ông Putin đã nói chuyện với các lãnh đạo quan trọng thuộc dòng Hồi giáo Sunni ở các quốc gia vùng Vịnh và Jordan để thông báo sơ bộ cho họ về cuộc trao đổi giữa ông và ông Assad. Thậm chí, còn hơn cả việc mở rộng ảnh hưởng của Moskva ở Trung Đông, ông Putin có thể tìm cách tận dụng chiến dịch của mình ở Syria để buộc phương Tây phải chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine.
Mặc dù Mỹ chưa chắc sẽ chấp thuận sự "đổi chác" Syria với Ukraine nhưng châu Âu thì rất có thể. Dù sao đi nữa, nhiều nước châu Âu và các doanh nghiệp ở đây đã mong muốn chấm dứt các lệnh trừng phạt (đối với Nga), và nếu ông Putin cho châu Âu dù chỉ một chút hi vọng giải quyết được vấn đề người tị nạn, Liên minh châu Âu sẽ phải chịu một áp lực không thể cưỡng lại được từ các nước thành viên buộc phải chấm dứt trừng phạt (đối với Nga). Và kịch bản tối ưu của ông Putin là châu Âu có thể gây áp lực buộc Mỹ cũng phải giảm bớt các lệnh trừng phạt đó.
Đây là một kịch bản giả thuyết và vẫn có thể có những thứ không thuận lợi cho Nga. Nhân sự của Nga có thể bị bắt giữ làm con tin, người Nga có thể phải hứng chịu những vụ tấn công khủng bố trả đũa do những kẻ cực đoan thực hiện ở ngay nước Nga. Ông Assad có thể tiếp tục không giữ được đất cho dù được Nga hỗ trợ bằng không kích, và dư luận trong nước Nga có thể chống lại ông Putin nếu chiến dịch ở Syria kéo dài hoặc nền kinh tế Nga tiếp tục đi xuống.
Hơn nữa, phe nổi dậy ôn hòa hiện đang phải hứng chịu các vụ không kích của Nga có thể sẽ phản đối Nga tham gia vào việc tìm kiếm một giải pháp chính trị, khiến ông Putin khó có thể chứng tỏ một cách rõ ràng rằng sự can dự của Moskva là không thể thiếu trong việc giải quyết khủng hoảng Syria.
Cho dù có những yếu tố tiêu cực đó, nếu tình hình diễn ra tốt đẹp, ông Putin có thể vẫn khiến mọi người ngạc nhiên khi giành được một chiến thắng địa chính trị.