“Điều đặc biệt quan trọng ở thời điểm này là tránh làm tăng thêm căng thẳng. Tất cả các bên liên quan nên kiềm chế và tránh làm gia tăng căng thẳng”, ông Trương Quân phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an vào tối 23/2.
Đại diện Trung Quốc cho rằng “cánh cửa dẫn đến một giải pháp hoà bình cho vấn đề Ukraine vẫn chưa đóng lại hoàn toàn”.
“Trung Quốc sẽ thúc đẩy đối thoại hoà bình theo cách của mình, đồng thời hoan nghênh và khuyến khích những nỗ lực hướng đến một giải pháp ngoại giao”, ông Trương Quân nói.
Cũng tại cuộc họp, Đại sứ Ấn Độ tại Liên Hợp Quốc T. S. Tirumurti cho rằng tình hình ở Ukraine “có nguy cơ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng lớn”.
“Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các diễn biến mà nếu không được xử lý cẩn thận sẽ làm suy yếu hoà bình và an ninh của khu vực”, Đại sứ Tirumurti nói, đồng thời kêu gọi “xuống thang ngay lập tức”.
“Ấn Độ nhất quán ủng hộ Liên Hợp Quốc, sự cần thiết phải giải quyết hoà bình các tranh chấp theo luật quốc tế và bằng những thoả thuận giữa các bên liên quan”, ông Tirumurti phát biểu.
Ngày 24/2, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng tình hình Ukraine “rất căng thẳng” và ông sẽ phối hợp với các nước khác trong G7 về vấn đề này.
“Tình hình đang rất căng thẳng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cộng đồng quốc tế, trong đó có các nước G7. Chúng tôi sẽ làm hết sức để thu thập thông tin và nắm tình hình”, ông Kishida nói với các phóng viên.
Ngày 23/2, ông Kishida tuyên bố Nhật sẽ áp các biện pháp trừng phạt Nga vì những hành động ở Ukraine.
Ông cho biết Nhật sẽ dừng cấp visa và đóng băng tài sản của những người liên quan đến việc công nhận độc lập cho Donetsk và Lugansk. Nhật cũng sẽ cấm xuất khẩu đến và nhập khẩu từ 2 khu vực này, cấm phát hành và lưu hành trái phiếu của Nga ở Nhật Bản.
Đại sứ quán Hàn Quốc ở Kiev đã thúc giục công dân sẵn sàng sơ tán đến khu vực an toàn nếu xảy ra tình huống khẩn cấp.