NHỮNG CON ĐƯỜNG NÁT
Khu tái định cư của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cách Quốc lộ 91B khoảng 300 m, mở ra khi triển khai dự án xây dựng Bệnh viện, do Bộ Y tế làm chủ đầu tư. Con đường vào khu tái định cư dài khoảng 300 m, vẽ trên giấy có lộ giới 14 m (lòng đường rộng 8 m và hai vỉa hè), tráng nhựa cùng hệ thống thoát nước, điện, cây xanh. Thực tế, chỉ có con đường được trải lớp nhựa mỏng, còn lại không có gì cả. Khi người dân vào ở, theo thời gian, lớp nhựa mặt đường cũng bị nát ra.
Cách khu tái định cư của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ một đoạn là khu tập thể Ngân hàng Công thương Cần Thơ. Mở ra năm 1997, được UBND tỉnh Cần Thơ chấp thuận là một dự án bán nền để giúp cán bộ công nhân viên ngân hàng có chỗ ở ổn định. Mỗi nền rộng 5m, dài 20m, bán vào năm 2000. Hạ tầng giao thông trên giấy là con đường lộ giới 10m (gồm lòng đường 6m và hai vỉa hè), dài 300m, có hệ thống cấp thoát nước, cây xanh.
Thực tế, con đường được tráng nhựa sơ sài, sử dụng vài năm đã hỏng. Cống thoát nước chỉ làm một bên và đặt quá sâu, không đúng với thiết kế nên chìm sâu dưới đường. Con đường hễ nắng là bụi, mưa thì thành sông, không có cây xanh. Ông Nguyễn Duy Phong ở số nhà 390 N/14B, than thở: “Sống đây khổ quá, năm 2012, chúng tôi gom góp được hơn 30 triệu đồng để sửa đường, năm nay hư lớn quá, đành buông xuôi”.
KHÔNG CƠ QUAN QUẢN LÝ
Trưởng khu vực 3 Nguyễn Việt Thắng cho biết, khu vực đã nhiều lần chuyển ý kiến của người dân lên UBND phường An Khánh, về con đường ở khu tái định cư bệnh viện nhưng không có kinh phí sửa chữa. “Chúng tôi chỉ biết vận động người dân tại chỗ đóng góp sửa chữa tạm”, ông Thắng nói.
Ông Phan Thanh Tòng, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, rằng bệnh viện không có trách nhiệm với khu tái định cư vì không được bàn giao. Hỏi trách nhiệm của ai thì ông “không biết”.
Theo ông Võ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND phường An Khánh chủ dự án tái định cư chỉ lo đẩy được dân vào nhận nền cho xong việc, còn dự án bán nền thì lo kiếm lợi lớn, nên hạ tầng kỹ thuật rất xấu, để lại cho người dân và chính quyền địa phương gánh hậu quả. “Nhưng ngân sách eo hẹp, không gánh nổi”, ông Tuấn nói.
Ông Tống Văn Tùng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều, cho rằng, lẽ ra phải có sự giám sát thi công với chủ đầu tư ngay từ đầu, sau khi hoàn thành hạ tầng thì lập thủ tục bàn giao cho địa phương quản lý.
Tại cuộc họp báo của UBND TP Cần Thơ chiều 22/10, PV Tiền Phong hỏi về việc quản lý cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở hai dự án khu dân cư nêu trong bài này. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tạ Chí Nhân cho biết, hạ tầng kỹ thuật ở hai khu dân cư chưa hoàn chỉnh nên chưa được bàn giao và chưa có cơ quan nào quản lý. Nhưng bao giờ hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, khi dự án đã hoàn thành, ban quản lý dự án không còn thì ông Nhân không nói rõ.