Không tính thuế trường hợp có quan hệ gia đình

TP - Tổng cục Thuế vừa có Công văn hướng dẫn về chính sách thuế đối với những trường hợp công chứng ủy quyền giao dịch bất động sản.

Tiếp bài “Tranh cãi pháp lý đề xuất đánh thuế hợp đồng ủy quyền BĐS”:

Không tính thuế trường hợp có quan hệ gia đình

Theo văn bản này, ủy quyền giao dịch bất động sản là giao dịch dân sự được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, việc cá nhân có đầy đủ năng lực dân sự mà ủy quyền cho cá nhân khác không thuộc đối tượng được miễn thuế theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 4, Luật Thuế thu nhập cá nhân (được toàn quyền thực hiện việc chiếm hữu, quản lý, sử dụng và định đoạt bất động sản của mình bao gồm cả việc cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng…) thì thực chất đây là hoạt động mua bán chứ không phải ủy quyền. Do đó, người ủy quyền phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, dẫn chiếu theo các điều luật trên, chỉ những quan hệ sau đây khi thực hiện hợp đồng ủy quyền và nhận uỷ quyền giao dịch bất động sản mới không phải nộp thuế: vợ với chồng; cha, mẹ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau. Ngoài những trường hợp vừa nêu, việc thực hiện hợp đồng ủy quyền giao dịch bất động sản đều phải nộp thuế thu nhập cá nhân (thay cho thuế chuyển nhượng trước đây - PV).

Tiền Phong ngày 7-1 và 11-1 có bài phản ánh tình trạng nhiều hồ sơ công chứng ủy quyền nhà đất của Hà Nội bị ứ đọng không được giải quyết do địa phương này chưa biết áp dụng chính sách thuế ra sao đối với loại giao dịch này. Dư luận sau đó dấy lên cuộc tranh cãi về việc áp thuế hay không khi nhiều người cho rằng nhiều trường hợp mua bán nhà đất đã núp bóng hình thức công chứng ủy quyền để trốn thuế.

Theo Báo giấy