Không tiếc tín dụng cho tỉnh nghèo

TP - Hai ngày cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã vào làm việc với các tỉnh Tây Nguyên. “Tận mắt thấy tai nghe” đời sống bà con, Thống đốc Bình thừa nhận: Tây Nguyên còn nhiều nơi rất nghèo khó và hứa chắc chắn, Ngân hàng Nhà nước sẽ dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi không nhỏ cho các tỉnh này.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình làm việc với tỉnh Đắk Nông sáng 5/4. Ảnh: Khánh Huyền

Vượt 300 km từ Gia Lai sang Đắk Nông, nghe trình bày khó khăn của một tỉnh nghèo với 10 kiến nghị liên quan tới vốn, tín dụng, xóa nợ cho doanh nghiệp cà phê phá sản trên địa bàn, và ước muốn hoàn thành chương trình cả ngàn căn nhà cho người nghèo của lãnh đạo tỉnh, vị Thống đốc lập tức trấn an: “Cái khó của địa phương chúng tôi rất hiểu và chia sẻ”.

Rồi nhìn vào bức tranh tín dụng của Tây Nguyên ông phân tích: hiện trên 80% cơ cấu kinh tế tại các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Nông vẫn là nông lâm và thủy sản, cho thấy điều kiện phát triển nông nghiệp vẫn to lớn. Nhưng cái khó là dù rất cố gắng huy động vốn, nhưng địa bàn như Gia Lai mới chỉ đáp ứng 54%, còn Đắk Nông chỉ được 40% cho vay. 

Vì thế, vẫn phải nhận vốn điều chuyển từ NHTM cấp trên và vay vốn từ các tổ chức định chế tài chính và dẫn tới bị động nguồn. Lưu tâm và chia sẻ điều này, Thống đốc lập tức lưu ý các ngân hàng nên hướng dòng vốn vào đây. 

Bởi chính tại những địa bàn khó khăn, trách nhiệm của DN và người dân vay vốn luôn cao hơn. Tỷ lệ nợ xấu hầu hết đều ở mức rất thấp nhất là cho vay NNNT chỉ trên dưới 1,5%. Tỷ lệ nợ xấu thấp, vì ở đây không có các “anh” bất động sản, chứng khoán, không có những ông đại gia làm ăn lớn mà chỉ có người dân vay vốn làm ăn thì rất có trách nhiệm”- Thống đốc nhấn mạnh. 

Theo ông, hiện dư nợ tại đây chủ yếu là tam nông nên trần lãi suất theo quy định chỉ 8%/năm, nên lãnh đạo NHNN yêu cầu chi nhánh NH trên địa bàn rà soát lại không để bà con vay ngắn hạn với lãi suất quá 8%/năm, còn trung dài hạn tối đa chỉ 8% - 10%/năm để vực dậy khu vực Tây Nguyên.

Bài học về cơ cấu cây trồng, cách thức sản xuất, đầu ra lẽ tất yếu phải thuộc về các bộ ngành như nông nghiệp, công thương. Nhưng bằng kinh nghiệm đi khắp mọi miền của mình và từ chương trình mới của Chính phủ, Thống đốc đề xuất: Nếu cứ giao đất cho đồng bào, chủ yếu là dân tộc thiểu số, vốn liếng và trình độ sản xuất chưa cao thì hiệu quả chưa cao hay chính xác chưa hiệu quả. Việc này, nếu có các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất nông nghiệp thì hiệu quả sẽ cao hơn. 

Như Tập đoàn Cao su, vẫn là đất của người dân, nhưng họ tham gia vào tổ chức, áp dụng công nghệ, chế biến, xuất khẩu… giá trị gia tăng lớn hơn nhiều; thu nhập bình quân của công nhân tại 4 công ty trực thuộc tại Gia Lai là 4,5 triệu đồng/tháng.

Hồi kết câu chuyện với lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, vị Thống đốc ngân hàng trầm ngâm kể lại những suy nghĩ của mình.

“Tôi đi nhiều tỉnh mới thấy thu nhập bình quân đầu người báo cáo cực kỳ cao, nhưng thực tế người dân vẫn khổ lắm. Như Quảng Ngãi chẳng hạn, bình quân thu nhập báo cáo cao lắm, hơn nhiều địa bàn khác, do khu công nghiệp tính cho địa bàn nhưng lại nộp về Trung ương, người dân không được thụ hưởng nhiều. Trong khi có tỉnh như Lâm Đồng thu nhập bình quân không vượt trội nhưng người dân nhờ làm nông nghiệp công nghệ cao, thu nhập tốt nên đời sống rất khấm khá. Từ thực tế trên, tôi cho rằng dù làm gì cũng phải lo cho đời sống người dân.”- ông kết luận.