'Không thể chỉ suốt ngày đi siết thuế khoá'

TP - Ðánh giá về các giải pháp thu ngân sách nhà nước vừa qua của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ cho rằng, ngành Tài chính cần phải có “nghệ thuật” điều hành tài chính, không thể chỉ suốt ngày đi siết thuế khóa, thắt ngân sách.
Nếu thu 1.500 tỷ đồng thuế tài sản thì cũng rất nhỏ so với 70.000 tỷ đồng nợ đọng thuế. Ảnh: C.H.

Không để ngân sách trung ương “è cổ” bù tỉnh hụt thu

Chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ đề nghị Bộ Tài chính cùng các tỉnh thành rà soát thu ngân sách tại 20 địa phương còn dưới 50% dự toán. Trong đó có Hà Nội và TPHCM chỉ đạt xấp xỉ 50%, nhưng lại là những địa phương trọng điểm thu ngân sách.

“Ðừng để nước tới chân mới nhảy, cần rà soát vì sao thu thấp, do dự toán hay quản lý thu yếu kém? Trách nhiệm trung ương và địa phương ra sao? Nếu không khéo, lại có tình trạng cả nước vượt thu nhưng ngân sách trung ương vẫn phải è cổ ra cấp bù cho tỉnh hụt thu”, ông nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính, các địa phương phải áp dụng các biện pháp để năm nay vượt thu ngân sách ít nhất 5% dự toán của Quốc hội giao theo yêu cầu của Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Thực tế vừa qua, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ cho phép một số dự án nhà máy điện chuyển nợ bảo lãnh thành nợ tự vay tự trả trong nước, đồng thời sử dụng nợ bảo lãnh để dùng cho các công trình cấp bách.

“Ðây là nghệ thuật điều hành tài chính. Từ kinh nghiệm này, Bộ Tài chính phải nhân rộng ra chứ không phải chỉ suốt ngày đi siết thuế khoá, thắt ngân sách”, Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ yêu cầu.

Không làm méo mó chính sách thuế

Ngoài việc nghiên cứu sắc thuế tài sản phù hợp với Việt Nam, Phó Thủ tướng cũng cho biết, sắp tới một loạt thuế khác sẽ được sửa để phù hợp với tinh thần cải cách thuế.

“Việc sửa đổi phải trên tinh thần đúng bản chất các sắc thuế, cải cách nhưng đừng làm méo mó chính sách thuế, VAT là VAT chứ ko phải thuế doanh thu, và thế nào là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập cá nhân. Ðề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình sớm để Chính phủ cho ý kiến vào kỳ họp cuối năm là tốt nhất”, ông nói.

Theo Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ, thuế tài sản (gồm thuế nhà và đất, đất phi nông nghiệp và đất nông nghiệp) vẫn là vấn đề Bộ Tài chính cần nghiên cứu. Bởi đây là nguồn thu của các địa phương, đồng thời liên quan đến nghĩa vụ của người dân với vấn đề kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, theo ông, dư địa để tăng ngân sách từ số thuế bị thất thu, đặc biệt từ trốn thuế, chuyển giá và nợ đọng còn rộng hơn rất nhiều.

“Cả nước thu được 2.900 tỷ đồng nếu đánh thuế tài sản với ngưỡng tài sản trị giá trên 700 triệu đồng và thu 1.500 tỷ đồng nếu lấy ngưỡng trị giá tài sản 1 tỷ đồng. Thử tính, 1.500 tỷ đồng này chỉ bằng một phần bao nhiêu của số nợ đọng thuế hơn 70.000 tỷ đồng? Trong khi đó, trên thế giới, một số nước phải mất 2 đồng cho chi phí quản lý thuế nhà đất mới thu được 1 đồng thuế”, Phó thủ tướng lý giải và cho rằng, để tăng thu ngân sách, chống thất thu và nợ đọng thuế mới là quan trọng.

“Ðồng tình với tinh thần của Bộ trưởng Bộ Tài chính, ta phải nuôi dưỡng nguồn thu là chính, khoan thư sức dân. Ðôi khi giảm thuế, giảm tỷ lệ thu và điều tiết nhưng tăng được tổng thu mới là đúng đắn. Tôi đánh giá cao tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi không tăng thuế VAT. Ðây là quyết định dũng cảm và trách nhiệm”, Phó Thủ tướng chia sẻ. 

“Cả nước thu được 2.900 tỷ đồng nếu đánh thuế tài sản với ngưỡng tài sản trị giá trên 700 triệu đồng và thu 1.500 tỷ đồng nếu lấy ngưỡng trị giá tài sản 1 tỷ đồng. Thử tính, 1.500 tỷ đồng này chỉ bằng một phần bao nhiêu của số nợ đọng thuế hơn 70.000 tỷ đồng?

          Phó Thủ tướng Vương Ðình Huệ 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, tổng thu ngân sách 6 tháng ước đạt 651.700 tỷ đồng, bằng 49% dự toán, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2017.