Không thay đổi việc công nhận giáo sư, xã hội sẽ tiếp tục bức xúc

TPO - Cho rằng, việc công nhận giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) vừa qua chẳng qua là giọt nước tràn ly, là sự việc kéo dài nhiều năm, nhiều tháng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư Nguyễn Đình Cung cảnh báo, nếu không có sự thay đổi căn bản trong việc này thì xã hội sẽ lại tiếp tục bức xúc.
Ông Nguyễn Đình Cung bày tỏ sự không hài lòng khi chưa có sự thay đổi trong việc phong giáo sư. (ảnh Văn Kiên)

Đề cập đến việc phong GS, PGS tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Bộ GD-ĐT sáng 28/3, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, đó chẳng qua là giọt nước tràn ly, là sự việc kéo dài nhiều năm, nhiều tháng.

“Tôi tưởng rằng nhân vụ này làm lại. Phải thay đổi căn bản. Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi căn bản. Tôi nghĩ là như thế. Có thể chúng ta phải thành lập một nhóm thanh tra thực sự độc lập rà soát lại tất cả, nhưng chúng ta lại chưa làm như thế. Nếu không làm như thế tôi nghĩ xã hội tiếp tục bức xúc”, ông Cung bức xúc nói.

Ông Nguyễn Đình Cung (Ảnh Văn Kiên)

Ông Cung cũng chia sẻ thẳng thắn rằng có rất nhiều người là GS, PGS nhưng “ăn chẳng nên đọi, nói chẳng nên lời”. Ngay cơ quan tôi có người làm PGS về, yêu cầu tôi phải phong làm nghiên cứu viên cao cấp. Tôi nói tôi không làm như vậy, không phải tôi trả lương, phong cấp theo PGS, GS.

“Họ đi kiện khắp nơi, tôi nói tôi còn ngồi đây thì anh không được như thế. Tôi phải đánh giá con người theo kết quả công việc anh làm được gì chứ không phải dựa vào danh. Tôi nói tôi còn ngồi đây thì tôi không bao giờ đồng ý. Tôi ngồi đây, tôi biết anh làm được gì, anh phải làm được gì cho tôi. Tôi không trả lương theo bằng cấp, danh hiệu mà anh phải làm được những việc gì. Đánh giá con người theo kết quả, chứ không phải đánh giá con người theo danh, theo phận”, ông Cung nói.

Từ đó, ông Cung cho rằng, những thứ đó chúng ta phải thay đổi. “Mấy đời bộ trưởng giáo dục – chúng ta chưa thay đổi, chúng ta vẫn tiếp cận theo dáng dấp bao cấp hành chính, chứ chưa thấy có bóng dáng kinh tế thị trường”, ông Cung nói.

Ông Trần Đình Thiên (ảnh Văn Kiên)

Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên nói rằng “Đây không phải là câu chuyện ta giải trình với ta. Vấn đề là quốc tế và công luận. Đây là sự tin cậy, là uy tín của một đất nước”.

Theo ông Thiên, các tiêu chuẩn đào tạo, kể cả tiêu chuẩn phong hàm GS. PGS vốn là thực chất nhưng khi đáp ứng một nhu cầu, vừa là thật nhưng tính hư ảo trong đó cao, sẽ dễ bị “hình thức hóa”.

“Cần đánh giá tiêu chuẩn học hàm, học vị phải gắn với thực Thực là phải bám với chức năng của phong đó là gì. Nếu chỉ có danh không sẽ ào ào lên, ông không có thực thì ông cần tiền là xong thôi”, ông Thiên phân tích.