Trả công cho nhà khoa học theo Thông tư 55:

Không nói dối nhưng lo ngại cào bằng cho nhà khoa học

TP - Được kỳ vọng sẽ giúp nhà khoa học không phải “nói dối” khi thanh, quyết toán các đề tài nghiên cứu, thế nhưng khi vào thực tế, Thông tư 55 “hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ, quyết toán kinh phí với nhiệm vụ khoa học dùng ngân sách nhà nước” bộc lộ nhiều bất cập, nhất là nguy cơ cào bằng trong nghiên cứu khoa học.
Hạn chế lớn nhất của Thông tư 55 là lương của cán bộ nghiên cứu tính theo ngày công lao động. Ảnh: Hồng Vĩnh

Thông tư 55 ban hành ngày 22/4/2015, có hiệu lực từ 8/6/2015. Trước Thông tư 55, việc thanh quyết toán đề tài nghiên cứu thực hiện theo Thông tư 44. Nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho hay, 

Thông tư 44 trả công lao động cho các nhà khoa học theo số lượng chuyên đề còn Thông tư 55 tính công lao động của các nhà khoa học theo số ngày công. Với Thông tư 44, do định mức chi tối đa một chuyên đề rất thấp (khoảng vài chục triệu đồng), một đề tài nghiên cứu khoảng 6 tỷ đồng, nhà khoa học phải vẽ ra tới 200 chuyên đề. Nhiều nhà khoa học khốn khổ vì không thể nghĩ ra được tên của 200 chuyên đề sao cho khác nhau. Nhiều khi phải đối phó, nói dối.

“Có định lý khoa học, người này cả năm không chứng minh được, người kia một tháng chứng minh được. Thông tư 55 trả công theo ngày công lao động, mà giá trị ngày công lao động lại giống nhau và như vậy là cào bằng trong nghiên cứu”.

            GS.TSKH 

Dương Ngọc Hải,

Phó Chủ tịch 

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Với Thông tư 55, một đề tài cần bao nhiêu người làm, mỗi người bao nhiêu ngày công, từ đó tính ra công lao động trực tiếp. Ngoài ra còn có các khoản chi khác như mua vật tư, thiết bị, sửa chữa, mua sắm tài sản, thuê chuyên gia nước ngoài, chi quản lý chung cho các cơ quan nghiên cứu, chi hội thảo, công tác phí trong và ngoài nước… Từ đó dự toán ra kinh phí một đề tài nghiên cứu và tiền lương mà từng nhà khoa học được hưởng.

Khi ban hành, Thông tư 55 được kỳ vọng sẽ giúp nhà khoa học không phải nói dối. 

Trước đây công nghiên cứu không được tính vào lương nên muốn được trả công, nhà khoa học phải dồn vào công tác phí, có khi phải nói dối ngày công tác, tăng hóa đơn tiền ăn, tiền ngủ khi đi công tác để được tính công. Nay thì ai tham gia bao nhiêu ngày, ở chức danh nào (nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp, chuyên gia…), làm việc gì được ghi rõ và hưởng lương. 

Khi quyết toán, nhà khoa học cũng không phải ngồi vẽ chuyên đề mà chỉ cần bảng chấm công và báo cáo công việc, đỡ phiền hà, rắc rối. Thông tư 55 bổ sung một số nội dung chi mà thông tư 44 chưa có như chi thuê chuyên gia nước ngoài, mua bí quyết công nghệ, mua sáng chế, thiết kế phần mềm, chuyên gia tư vấn độc lập…

Người giỏi cũng bằng người kém?

Bên cạnh những thuận lợi như vậy, Thông tư 55 đang bộc lộ nhiều bất cập. GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, hạn chế lớn nhất của Thông tư 55 là lương của cán bộ nghiên cứu tính theo ngày công lao động. Mỗi đề tài nghiên cứu sẽ có bốn chức danh nghiên cứu gồm chủ nhiệm đề tài; thư ký khoa học và thành viên thực hiện chính; thành viên; kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ. Mỗi chức danh sẽ có hệ số tiền công ngày.

GS Hải cho rằng, năng suất lao động của mỗi người khác nhau. Có người làm một tuần bằng người khác làm cả tháng. Có định lý khoa học, người này cả năm không chứng minh được, người kia một tháng chứng minh được. Thông tư 55 trả công theo ngày công lao động, mà giá trị ngày công lao động lại giống nhau và như vậy là cào bằng trong nghiên cứu.

Ngay cách tính hệ số ngày công của bốn chức danh trong một đề tài nghiên cứu cũng chưa thỏa đáng. Chủ nhiệm đề tài có hệ số ngày công là 0,79; thư ký khoa học và thành viên thực hiện chính có hệ số ngày công là 0,49; thành viên có hệ số ngày công là 0,25 và kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ là 0,16.

Theo GS Hải, ông chủ nhiệm đề tài bỏ ra công sức, trí tuệ có khi gấp 5, gấp 10 lần ông kỹ thuật vì là người có ý tưởng chính. Cách tính hệ số ngày công theo Thông tư 55 vẫn theo kiểu thợ cả, thợ phụ trong xây dựng mà không thể hiện được đặc thù trong nghiên cứu khoa học, GS Hải nói.

Theo GS Dương Ngọc Hải, thay vì trả lương theo ngày công thì trả lương theo kết quả nghiên cứu bằng việc thực hiện cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng. Tức là Nhà nước giao cho nhà khoa học một nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể với các sản phẩm đầu ra cụ thể. Nhà khoa học với số tiền Nhà nước giao phải thực hiện đúng các đặt hàng ban đầu.“Thông tư 27 về cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đã có. Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ đang mong muốn được thực hiện nhưng chưa có đề tài nào triển khai theo cơ chế này”, GS Hải cho biết.