> Đổi mới để Quốc hội gần dân hơn
Ông Lê Tiến Hào, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Từ 2005-2009, cả nước có 3.829 vụ khiếu nại từ 5 người trở lên. Trong đó đã giải quyết được 87%. Theo ông Hào, phải kết hợp luật với các chính sách thì mới có thể giải quyết dứt điểm được các vụ việc khiếu kiện đông người.
Ví dụ dân khiếu nại giá đất thấp, nhưng địa phương quy định đúng pháp luật, muốn giải quyết phải hỗ trợ bằng chính sách xã hội, việc làm, nhà ở…
Ông Hào cũng cho biết, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề khiếu kiện đông người. Có ý kiến đề nghị không đưa vấn đề này vào luật, nhưng nếu không quy định sẽ gây khó khăn khi giải quyết các vụ việc xảy ra trong thực tế. Nếu quy định ngay, có thể chưa “chín”, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Có ý kiến cần quy định trong luật, nhưng giao Chính phủ quy định những vấn đề cụ thể để thực hiện.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cần có cách nhìn đúng bản chất sự việc, không phải cứ đông người là biểu tình. Nhưng nếu để vụ việc kéo dài, giải quyết thiếu dứt điểm sẽ dẫn đến phức tạp, bị kích động, lợi dụng. Luật nên có chương về khiếu nại đông người, không nên lảng tránh, vấn đề sẽ phức tạp thêm. Cần phân biệt thế nào là khiếu nại đông người, thế nào là kích động gây bạo loạn.
Để tránh việc lợi dụng tụ tập đông người, có ý kiến cho rằng người đi khiếu nại phải chứng minh họ có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì mới được giải quyết. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa kiến nghị, luật cần xây dựng nguyên tắc, trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc khiếu nại đông người; quy định về tổ chức tiếp, đối thoại với người khiếu nại.
Giải quyết vụ việc phải từ cả hai phía, đề cao trách nhiệm của người có chức trách giải quyết, không nên quay lưng lại với thực tế.
Xử lý cán bộ sách nhiễu dân
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, khiếu nại là quyền cơ bản của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và phải được tôn trọng. Khiếu nại và khiếu nại đông người phải được giải quyết theo trình tự pháp luật đảm bảo quyền công dân, đảm bảo pháp chế. Đồng thời, không để vụ việc bị lợi dụng gây rối, làm mất ổn định an ninh, chính trị.
Để tránh tình trạng khiếu nại kéo dài hàng chục năm vẫn chưa kết thúc, dự thảo luật quy định chương riêng chế tài xử lý người cố tình không chấp hành pháp luật, kể cả cán bộ gây phiền hà, sách nhiễu công dân. Bên cạnh đó, dự thảo quy định công tác giải quyết khiếu nại được đặt dưới sự giám sát của Quốc hội, MTTQ và Thanh tra nhân dân.
Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác Đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu, quy định cụ thể vấn đề tiếp công dân. Đồng thời, giải quyết các vụ việc triệt để ngay từ khâu tiếp dân, chứ không chỉ dừng lại ở việc chuyển đơn lòng vòng hết cơ quan này đến cơ quan khác.
“Những vấn đề cuộc sống đặt ra, liên quan tới quyền và lợi ích của người dân thì phải giải quyết. Vấn đề là chúng ta đưa vào luật như thế nào, cần cân nhắc, chuẩn bị kỹ lưỡng và phải có đánh giá tác động của luật đối với thực tiễn” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo.
Có thể tố cáo qua điện thoại, email
Dự thảo Luật Tố cáo mở rộng hình thức tố cáo, cho phép được tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử; mở rộng chủ thể tố cáo bao gồm công dân, các tổ chức, cơ quan.
Thảo luận về dự án luật này, một số ý kiến băn khoăn quy định hình thức tố cáo bằng thư điện tử có thể dẫn đến việc lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc, bôi xấu cán bộ trên mạng. Ngoài ra cần có quy định về bảo vệ đối với người tố cáo.
Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến tán thành việc không tiếp nhận và giải quyết đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo (tố cáo nặc danh). Người tố cáo phải ghi rõ tên, địa chỉ để nâng cáo trách nhiệm, ý thức công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo, tránh việc lợi dụng để tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ.
“UBTVQH tán thành quan điểm này và cho rằng với những tố cáo không rõ tên nếu có văn bản nói rõ sự việc, người có trách nhiệm phải coi đó là kênh thông tin để tham khảo, xử lý, chấn chỉnh nội bộ đơn vị. Không dùng thông tin tố cáo nặc danh đó để giải quyết theo Luật Tố cáo”- Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nói.