Không ít việc chạy án, chạy tội trong hoạt động tố tụng

TP - Hôm qua, thảo luận về dự án Luật Giám định tư pháp, đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) bày tỏ, ngoài hiện tượng chạy chức, chạy quyền thì cũng không ít việc chạy án, chạy tội trong hoạt động tố tụng.

> Dân chủ trong Đảng bằng chất vấn công khai

Theo ông Cư, trong hoạt động tư pháp còn nhiều thiếu sót, khuyết điểm và sai lầm trong giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, thậm chí có sai lầm nghiêm trọng ở một số vụ án hình sự.

“Thực trạng này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nhưng theo tôi yếu tố chủ quan là chủ yếu, ở đây có thể nói, bên cạnh việc chạy chức, chạy quyền thì cũng không ít việc chạy án, chạy tội trong hoạt động tố tụng. Đặc biệt là tố tụng hình sự đã để lọt tội phạm và có những vụ án hình sự oan sai. Thời gian qua có những dư luận xã hội bất bình đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp”- Ông Cư nói.

Do vậy, Luật Giám định tư pháp (GĐTP) cần quy định quyền của đương sự được tự mình tiếp tục yêu cầu giám định liên quan việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Đây là cơ hội rất quan trọng cho bị can, bị cáo trong các vụ án hình sự nếu bị oan sai được xem xét xử lý đúng pháp luật và không để lọt tội phạm.

ĐB Phạm Hồng Hương (Hải Dương) kiến nghị, luật bổ sung quy định, nghiêm cấm các hành vi trái pháp luật gây ảnh hưởng đến hoạt động GĐTP và hoạt động tố tụng.

“Bởi, trên thực tế hiện nay có tình trạng can thiệp trái pháp luật của một số cơ quan quản lý nhà nước về mặt chuyên môn thông qua việc giải quyết các đơn thư khiếu nại về kết quả giám định pháp y, gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động GĐTP. Điều này tác động đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, dẫn đến việc giải quyết một số vụ án gặp khó khăn và kéo dài”- Ông Hương nói.

Chiều cùng ngày, QH thảo luận về dự án Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (GDPL). Có ý kiến cho rằng quy định về GDPL trong nhà trường như dự thảo luật là quá cứng và nặng, khó tiếp thu, nhất là đối với cấp học mầm non, tiểu học.

Hơn nữa, nội dung GDPL không chỉ thực hiện thông qua các môn học riêng về pháp luật mà còn được lồng ghép trong các môn học khác. Tiếp thu ý kiến này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý quy định về GDPL trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác cho phù hợp hơn.

Theo Báo giấy